Một hang động lồng lộng giữa rừng già Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) đang gây sự chú ý lớn của nhiều người. Đó là hang bảy tầng, một “kỳ quan” do bàn tay con người xây dựng từ những năm tháng của chiến tranh.

Đi giữa đường kín

Sự đặc biệt của hang là bàn tay con người đã biến một hang động cao cả trăm mét thành bảy tầng hang khác nhau là một kỳ công dưới bom đạn cách đây ngót hơn 60 năm.

Hang bảy tầng thuộc xã Sơn Trạch, Bố Trạch, nằm trong phân khu hành chính của di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Dưới dốc táu cao chất ngất, có một lối rẽ nhỏ trên đường 20 – Quyết Thắng, lối ở khu vực rừng táu và sung cổ thụ ở gần ngầm Trạ Ang. Đó là con đường mòn năm xưa còn nguyên bản. Một đoạn đường kín chừng hơn ba cây số ngoằn nghoèo dưới tán rừng rậm.

< Con đường kín ngày xưa xe cơ giới chạy nay cây cối phủ tràn mặt đường.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lam sống gần đó nói: “Đây là một phần đường kín của hệ thống đường Trường Sơn năm xưa còn nguyên. Từ sau 1975 đến nay, đường không được sử dụng nên cây cối đã mọc cao chừng một mét”.

Đi giữa đường kín, nhìn rõ lằn xe chạy ngày xưa vẫn còn hằn lên lớp đá xanh kiên cố, không gian như níu về một thời chưa xa.

< Đạn cối dọc đường đi.

Hai bên đường kín còn đó những hố bom, nhiều đạn cối còn vương vãi khắp hai bên. Có một lối mòn dẫn vào một hốc đá cổ, ở đó như một kho đạn bị bỏ quên, trong đó chất đống nhiều quả đạn to, đầu nổ vẫn còn nhưng rỉ sét.

< Lối dẫn lên tầng hai.

Đi hết ba cây số giữa rừng, một lối giao liên nhỏ dẫn vào một hang động mà thời chiến tranh, nó được coi là khu vực cực kỳ bí mật.

Theo hồ sơ Di tích danh thắng Quảng Bình, đây một hang động bí mật nhất bởi ở đó Tư lệnh Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã ở cùng bộ chỉ huy trong một thời gian dài để ra những quyết sách chiến lược ở chiến trường Trường Sơn.

< Lối dẫn lên tầng ba.

“Kỳ quan” bảy tầng

Con đường nhỏ dẫn vào một khu rừng thoáng đãng với hàng trăm cây thân gỗ cao vút hàng chục mét. Giữa không gian đó bỗng hiện lên một dốc đường cong cong, vắt vẻo lên sườn núi đá vôi. Đó là bậc thang được xây từ cách đây hơn 60 năm giữa rừng già, núi cao. Vôi vữa của hàng chục năm trước vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. 62 bậc thang lên xuống men theo sườn núi đá vôi, lẩn khuất giữa trùng điệp tán rừng, hết sức hẻo lánh. Càng lên cao, càng thấy màu xanh của dây leo rừng vươn ra cố phủ hết lối đi.

< Chúng tôi đặc biệt chú ý về một câu khẩu hiệu trong hang ở tầng một, tại vị trí cầu thang dẫn lên tầng hai một khuôn đá hình vuông sơn dòng chữ: “Đảng Lao Đông Việt Nam muôn năm”.

Lên hết các bậc tam cấp là hang bảy tầng. Trong hang, không gian thoáng mát, rộng hàng trăm mét, cao hơn một trăm mét. Hang có hai cửa, cùng một bục xi măng có nhiều dấu ấn của khói đạn ngày xưa với nhiều dòng chữ viết bằng than đè lên nhau. Trong đó ấn tượng nhất là những hình ảnh chim bồ câu tung cánh…

< Lối lên tầng năm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lam nói rằng lúc ông phục vụ trong hang, ông được cử đi gùi đá phía ngoài hang về xây. Cát đưa từ dưới Phong Nha lên, xi măng phải viện trợ từ miền Bắc vào. Những người lính gùi xi măng cần mẫn trong ba tháng, bảy tầng hang hình thành.

Cả bảy tầng được xây dựng một cách kỳ công nhưng không đập vỡ mảnh thạch nhũ nào. Ông Lam nói: “Thủ trưởng chúng tôi yêu cầu giữ nguyên cảnh quan thạch nhũ trong hang vì sau này hòa bình còn phục vụ mục đích khác”. Chính vì thế mà không gian của hàng trăm triệu năm vẫn được tồn tại cho đến bây giờ.

Lâu lắm rồi không có ai trở lại, người lính năm xưa nay đã già không nhận ra các địa hình địa vật chốn cũ từng nhộn nhịp những lời nói í ới từ sáng tinh mơ đến nhiều trận chạy vào hang trú bom của tháng năm khói lửa. Nén nhang kính lên giữa núi rừng niềm mong mỏi nơi này không bị lãng quên.

NISAVA TRAVEL! – Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *