Pác Miều hiền hòa với những chiếc bè mảng sông Gâm. Thị trấn nhỏ vùng cao đón khách bằng món thịt chua Cao Bằng nổi tiếng nồng men rượu.
Từ đây, ngược thêm chỉ 14km là gặp ngã ba sông Gâm ở Lý Bôn. Chúng tôi chạm vào dòng Nho Quế kỳ bí dưới vách đá trong hành trình men theo dòng nước này tới sơn nguyên đá Hà Giang.
Sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc với tên gọi Phổ Mai Hà chảy qua Việt Nam ngay địa đầu Lũng Cú. Trên chiều dài ngắn ngủi 46km từ Hà Giang đến Cao Bằng, dòng Nho Quế xanh màu ngọc lục bảo xuyên qua những vách đá cao hun hút ở đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ nhất Việt Nam. Trên con đường dốc từ Khuổi Vin đến Mèo Vạc, thỉnh thoảng ngó xuống vực sâu thấy dòng Nho Quế nhỏ như sợi chỉ từ trời đổ xuống.
. var AdBrite_Title_Color = ‘000000’; var AdBrite_Text_Color = ‘000000’; var AdBrite_Background_Color = ‘FFFFFF’; var AdBrite_Border_Color = ‘C3D9FF’; var AdBrite_URL_Color = ‘191919’; try{var AdBrite_Iframe=window.top!=window.self?2:1;var AdBrite_Referrer=document.referrer==”?document.location:document.referrer;AdBrite_Referrer=encodeURIComponent(AdBrite_Referrer);}catch(e){var AdBrite_Iframe=”;var AdBrite_Referrer=”;} document.write(String.fromCharCode(60,83,67,82,73,80,84));document.write(‘ src=”http://ads.adbrite.com/mb/text_group.php?sid=826922&zs=3330305f323530&ifr=’+AdBrite_Iframe+’&ref=’+AdBrite_Referrer+'” type=”text/javascript”>’);document.write(String.fromCharCode(60,47,83,67,82,73,80,84,62));
Tạm biệt Cao Bằng trên đỉnh dốc, anh tài xế dừng xe lấy một cây thép dài hơn một mét đóng ngập xuống lòng đất thay cho việc thắp hương nguyện cầu bình yên trên những cung đường hiểm trở. Sùng Mí Xá, cán bộ phòng văn hóa huyện Mèo Vạc hỏi: “Có biết cao nguyên đá Mèo Vạc hiểm trở nhất chỗ nào không?” Tôi trả lời ngay là Mã Pì Lèng. Anh Xá nói: “Mã Pì Lèng ngày xưa, bây giờ đã có đường rồi. Ngày mai vô Cán Chu Phìn, tới dốc Chín Thang, dốc Bảy Thang thử coi!” Chúng tôi ngạc nhiên, không lẽ nơi này còn có chỗ hiểm trở hơn Mã Pì Lèng?
Tôi sực nhớ địa danh Cán Chu Phìn qua nhân vật Sùng Chóa Vàng trong bút ký Trở lại Mèo Vạc của nhà văn Nguyên Ngọc. Đó là một cao nguyên đá, một thung lũng đá cạnh dãy núi ở Sơn Vĩ, mùa xuân hoa mạch ba góc nở trắng hồng, mùa hè lan huyết nhung renanthera vietnamensis đỏ tựa màu máu, mùa đông thỉnh thoảng tuyết rơi.
Sùng Mí Xá trước đây là cán bộ đội chiếu phim lưu động, một tuần trèo dốc Chín Thang hai lần, lặn lội khắp các bản xa vùng biên giới. Bây giờ, anh đưa chúng tôi trở lại Cán Chu Phìn trong vai trò người dẫn đường và phiên dịch. Phần lớn người H’mông ở Cán Chu Phìn không nói được tiếng phổ thông. Đoạn đường chữ chi 22km từ Mèo Vạc vô Cán Chu Phìn băng qua cao nguyên đá tới bản Mèo Qua quả là con đường thử thách lòng người. Đường hẹp chưa tới sải tay, đá tai mèo lởm chởm. Thật khó khăn để tìm một chỗ đất bằng đặt lọt bàn chân cho đỡ đau. Dưới chân, bên mình, trên đầu bao phủ một màu đá xám ngắt lạnh lùng.
Bản Mèo Qua nằm cuối cao nguyên đá Cán Chu Phìn. Bốn mươi bảy nóc nhà lưng chừng trên vách đá nhìn xuống dòng Nho Quế. Người H’mông ở Mèo Qua gùi từng bụm đất bỏ vào hốc đá trồng ngô và mạch ba góc. Núi ở trên đầu sông ở dưới chân nhưng muốn tìm nước uống người ta phải đu mình qua vách đá lên xuống mất sáu tiếng đồng hồ. Từ bao đời nay, dốc Chín Thang là con đường duy nhất của người dân Mèo Qua đi lấy nước hàng ngày.
Bên vách đá cuối bản, người ta bắc chín bậc thang bằng cây rừng qua kẽ đá rồi treo mình tụt xuống dòng sông. Con đường sự sống cao hơn 600m, đủ làm rùng mình những kẻ có thần kinh thép. Chúng tôi ngồi suốt cả buổi chiều ở tảng đá hình mũi tàu đầu dốc nhìn dòng Nho Quế nhỏ xíu bên dưới chảy lững lờ như trong giấc mơ. Nhìn sang bên kia là Sơn Vĩ, Lũng Làn cao vòi vọi. Trên đỉnh núi đó có một cái đồn mà năm 1979 Trung Quốc không thể nào tấn công nổi.
Cao nguyên đá thực sự cuốn hút bất cứ người khách lạ nào đã một lần đến đây. Một vùng núi đá bao la trùng trùng điệp điệp từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với những cung đường trên mây, những bản làng trên mây và sự sống con người trên đá luôn đem lại những ấn tượng mạnh mẽ lạ lùng. Chúng tôi chia tay Mèo Vạc vượt Mã Pì Lèng trong buổi sáng chợ phiên sau khi lót dạ bằng thắng cố và rượu ngô mà anh Sùng Mí Xá khuyến cáo cảnh giác vì men Trung Quốc.
Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn là con đèo hùng vĩ bậc nhất Việt Nam, được mở ra bằng kỳ tích sáu năm gần 3 triệu lượt ngày công, 3 triệu mét khối đá và 11 tháng đội cảm tử treo mình trên vách đứng ở độ cao 1.600m để đục con đường công vụ qua chỗ sống mũi ngựa hiểm trở nhất bằng phương tiện thủ công. Thử bước xuống khỏi ôtô, nhoài người ra nhìn xuống vực, cũng đủ rợn ngợp để hiểu công việc của đội cảm tử quân ngày xưa trước mỗi ngày làm việc đều phải đối diện với 17 chiếc quan tài đặt sẵn trong lán. Trước Mã Pì Lèng, người H’mông ở cao nguyên đá không có con đường. Muốn vượt núi để sang bên kia phải đóng cọc, cột dây đu mình lơ lửng bò qua.
Bây giờ, trên đỉnh cao gần 2.000m so với mực nước biển, người ta đã xây một trạm nhỏ dừng chân, lập bia ghi nhớ Cung Đường Hạnh Phúc. Từ trạm dừng chân này, phóng tầm mắt xuống dưới lại thấy dòng Nho Quế lững lờ như con rắn lục xanh bí ẩn trườn mình qua vách đá Tà Làng cao bậc nhất Việt Nam trong cảm giác rợn ngợp. Lạ lùng hơn, trong màn sương mờ quanh năm trên đỉnh núi ẩn hiện những con đường chữ chi như sợi chỉ đi xuống dòng sông và thấp thoáng những bóng áo xanh đu mình trên vách tỉa ngô trong hốc đá. Lâu lâu lại có vài nếp nhà của người H’mông trơ trọi trong mây.
Không một ai giải thích cặn kẽ được vì sao người H’mông thích làm nhà trên độ cao và bàn chân của họ bẩm sinh có cấu trúc nano để bám vào vách núi hay không mà chưa hề bị trượt ngã. Chỉ biết khi nhìn lên một ngọn núi thấy một nóc nhà hay một bản nhỏ thì nóc nhà trên cao nhất chính là nhà của người H’mông. Từ đó, muốn đi lấy nước dưới dòng Nho Quế người ta phải theo con đường kẻ chỉ chữ chi có chỗ mất nửa ngày đường.
Bản Mã Pì Lèng trên đỉnh mù mây may mắn hơn bởi một nguồn nước từ kẽ đá đủ duy trì sự sống cho gần hai chục gia đình. Căn nhà trình tường có bờ rào đá của ông trưởng bản thấp lè tè, đầy bồ hóng và tối hù. Thào Mí Cáy, cán bộ của xã Pải Lủng chui vào bếp đốt lửa lên giữa ban ngày để thấy rõ mặt người. Lần đầu tiên nhà trưởng bản có khách ngủ lại nên ông đâm ra bối rối. Ông đưa chúng tôi trèo lên giàn bếp xem kho thịt treo của ông. Thào Mí Cáy nháy mắt nói số thịt đó ăn đủ một năm và chỉ có ở bản Mã Pì Lèng này người ta mới treo thịt giàn bếp quanh năm mà không sợ hư bởi không khí lạnh.
Sương xuống rất nhanh trong buổi chiều bên những bát rượu ngô đầy ngà ngật. Xong cuộc rượu Thào Mí Cáy rủ chúng tôi lên trường tiểu học Pải Lủng cách bản 6km để uống rượu ngô tiếp và tập múa khèn. Còn lâu chúng tôi mới tập được điệu múa duyên dáng như con công tỏ tình của đàn ông người H’mông với hai bàn chân nhịp đôi lại nhảy lò cò vỗ vào nhau mà không bị ngã. Nửa đêm, trong cái lạnh buốt xương ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, chúng tôi thức giấc khi nghe hơi lửa ấm và tiếng nồi chõ lịch kịch cùng mùi mèn mén ngô thơm lừng cho cả ngày hôm sau…
NISAVA TRAVEL! – Theo SGTT, ảnh internet