Sau khi khám phá đảo và hồ Cống Đỏ, chúng tôi tiếp tục lên xuồng đến phía đông bắc của đảo này, nơi có những bãi cát trắng xinh hiền hòa dưới chân đảo. Khi gần đến chân đảo, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long Nguyễn Việt Dương nhắc người lái xuồng nhẹ nhàng kẻo chạm vào những thân san hô bồng bềnh rập rờn cạnh bờ cát.
Thảm dược liệu
Bãi cát mà chúng tôi cập xuồng hầu như không có dấu chân người, cảnh quan nơi đây hấp dẫn đến lạ kỳ, trên vách đá của đảo những chùm tán lá, dây leo xanh mướt phủ dọc xuống biển. Giám đốc Dương cho biết nơi đây là thảm thực vật có hệ sinh thái đặc biệt nhất của Hạ Long, đồng thời là vùng cây dược liệu phong phú cần được bảo tồn để phục vụ nghiên cứu y học.
Lão ngư Nguyễn Văn Cho – trưởng làng chài Cửa Vạn – say mê kể về những cây thuốc quý mà người dân làng thường sử dụng từ xa xưa cho đến bây giờ. Theo ông Cho, cây cỏ trên những núi của vịnh Hạ Long là một “vườn thuốc quý dân gian” không bao giờ cạn.
Dẫn chúng tôi đi thăm thảm thực vật dược liệu, ông Cho giới thiệu vanh vách công dụng của những cây thuốc trên đảo như một lang y thực thụ. Sau một hồi tìm kiếm, ông Cho chỉ vào một loài cây khá kỳ lạ được gọi là cây tắc kè đá, loài cây này chỉ mọc trên các phiến đá ẩm ướt nhưng thân cây vẫn mập mạp, có tác dụng chữa bệnh đái ra máu, suy thận… cực kỳ hiệu nghiệm.
Ông Cho nói những cây thuốc ở khu vực đảo Cống Đỏ chữa được khá nhiều bệnh. Bản thân ông đã chứng nghiệm sau khi hái những cây dây chắt, dây khum, khúc khắc nhẵn (thường gọi là thổ phục linh), một dạng dây leo thường mọc trên các lùm bụi ở núi đá. Thân và rễ thổ phục linh thường dùng làm thuốc bằng cách thái mỏng, phơi khô sắc kèm với các vị thuốc khác có thể chữa được bệnh về tiêu hóa, phong thấp, mụn nhọt, lở ngứa viêm mủ da.
Cây nhân trần hoa đầu, tên thường gọi là chè nội, chè cát có công dụng chữa vàng da, viêm gan do virus, nhức mắt, chóng mặt, phụ nữ kém ăn sau khi sinh. Rễ cây sài hồ nam, một loài cây còn rất ít trên các đảo đá của vịnh, có công dụng chữa được bệnh nhức đầu, sốt, lá cây có hương thơm dùng để xông và chữa đau mỏi lưng.
Đặc biệt, ở đảo Cống Đỏ còn có loại cây bồ công anh mọc ven những khe núi đá, rất quý có thể chữa được nhiều bệnh nan y như viêm ống mật mãn tính, sung huyết gan, bệnh về trĩ, táo bón, suy nhược cơ thể, đau mắt, rắn cắn… Ông Cho tự hào cho hay người dân làng chài ít khi phải lên bờ chữa bệnh, trừ những bệnh phải động đến dao kéo của ngành y tế.
Giám đốc Nguyễn Việt Dương cho biết thảm dược liệu ở khu vực đảo Cống Đỏ không những tồn tại những loài cây thân thảo mà cả những cây thân gỗ cũng có tác dụng chữa bệnh, như cây vù hương có thân cao tới 20m. Theo ông Dương, loại cây này trong lá, rễ, thân chứa nhiều tinh dầu, hạt chứa dầu béo. Trong đó, rễ và thân có tác dụng ôn hòa trong tán hàn, lá có tác dụng cầm máu, quả cây dùng để đun nước uống giải nhiệt.
Thời gian gần đây, do biết tác dụng của cây này, không ít ngư dân các vùng biển khác quanh vịnh Hạ Long đã lùng kiếm gắt gao khiến nhiều khi nhân viên của trung tâm phải tăng cường nhiều biện pháp tuần tra, kiểm soát để bảo vệ giống cây quý này. Ông Nguyễn Văn Cho cho hay bà con những làng chài của vịnh Hạ Long đều có ý thức khi đi hái thuốc, đó là chỉ hái những cây già, những cây non phải bảo vệ, nhiều khi bà con còn bẻ cành cây khô để rào giậu những khóm cây non tránh những loài động vật khác xâm hại.
Những loài rong biển không đâu có
Điều kỳ lạ ở thảm thực vật dược liệu tại khu vực Cống Đỏ là mỗi ngày được “tắm” một lần nước biển với khoảng thời gian từ 9 – 16 giờ. Hôm chúng tôi đến, nước biển đang dềnh lên trong thảm thực vật, khiến thảm cây dần bị phủ kín mặt nước. Ông Dương cho hay chính vì sự ngập nước này mà thảm thực vật dược liệu còn có cả những loài rong biển rất cổ xưa chỉ tồn tại ở vịnh Hạ Long như loài rong mơ, rong nái, rong mái chèo, rong thạch, rong guột chùm… Ngư dân Nguyễn Văn Cho còn cho biết chính những loại rong này cũng có tác dụng chữa các bệnh về tiêu hóa, giun sán.
Nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long nhiều lần lặn lội tìm kiếm để khám phá lối vào của nguồn nước bí ẩn bên trong thảm thực vật nhưng vẫn không tìm thấy. Theo ông Dương, giả thiết về nguồn nước của thảm thực vật là do lá cây từ lâu năm rụng xuống một vụng nhỏ tích tụ khiến vụng này bị lấp đầy, vụng nước này lại thông với một hang ngầm nào đó khiến nước tràn vào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhiều lần khảo sát nhưng vẫn không dò ra được một hang ngầm nào thông với vịnh. Nước ở trong thảm thực vật cũng không có độ mặn như nước ở ngoài vịnh mà chỉ có độ lợ vừa phải nên cây cỏ mới sống được.
Theo ông Dương, đây cũng là một bí ẩn chưa có lời giải đáp thỏa mãn. Do thảm thực vật dược liệu có nước nên bên trong là nơi trú ẩn tuyệt vời của loài cua biển, ốc biển. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí vịnh Hạ Long, có ít nhất bảy loài cua mai vuông được tìm thấy ở đây, còn các loại khác như cua mắt dài, cáy lông cũng sinh sống khá nhiều. Đặc biệt, thảm thực vật còn tồn tại loài trai ngọc môi đen, trai ngọc nữ và ốc đụn đực là những loài quý hiếm nằm trong sách đỏ.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long, thảm thực vật trên cạn của vịnh Hạ Long, bao gồm trên các đảo và ven bờ, có 435 loài, trong đó cây có giá trị làm thuốc có tới 195 loài, chiếm 44,8%. Ông Dương cho hay: “Điều đó khẳng định sự đa dạng phong phú về hệ sinh thái biển của vịnh Hạ Long”.
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ cuối): Có một Hạ Long anh hùng
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể – Kỳ 3: Những hang động mới
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 2): “Vườn thuốc dân gian” trên biển
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể – Kỳ 1: Bí ẩn cánh rừng già
Còn tiếp…
NISAVA TRAVEL! – Theo Tuoitre