(TNO) – Hai năm gần đây, từ một địa danh ít người biết đến, quần đảo Nam Du đang được nhiều du khách chọn là điểm đến bởi sự hoang sơ và nguồn hải sản phong phú.
Sự thay đổi từ du lịch
Sự thay đổi rõ ràng nhất khi tàu đưa chúng tôi cập vào cầu cảng xã An Sơn – trung tâm hành chính của quần đảo Nam Du. Sự đổi thay của xã An Sơn càng rõ nét khi đi bộ từ cầu cảng vào đường Bãi Chệt. Con đường dài hơn 1 km của Bãi Chệt, quán xá mọc lên như nấm phục vụ khách du lịch. Bãi Chệt cũng là nơi buổi sáng diễn ra cảnh mua bán hải sản tấp nập, rất nhiều du khách đến vào sáng sớm tham quan buổi chợ này và chọn mua những món hải sản tươi ngon, giá rẻ để thưởng thức.
Dẫn chúng tôi đến những điểm nổi tiếng trên đảo, ông Phan Ngọc Anh – người lái xe ôm – cho hay, khách du lịch đến Nam Du nhiều trong vòng 2 năm trở lại đây, khi con đường chạy vòng quanh đảo được hoàn thành. Con đường tuyệt đẹp này một bên núi, một bên biển hút hồn hầu hết du khách tới Nam Du và quan trọng hơn đã kết nối giao thông các bãi tắm, điểm tham quan trên đảo.
Ông Anh là người khá thức thời. Dù có tàu nhỏ làm nghề đi biển nhưng cách đây 2 năm, ông chấp nhận bán tàu, mua 4 chiếc xe máy cho khách thuê, còn bản thân mình gia nhập đội ngũ xe ôm chở khách đi tham quan. “Tôi làm đủ thứ: chạy xe ôm, đặt phòng, phục vụ… Cứ ai thuê thì làm. Giờ lớn tuổi không đi biển được nữa nhưng nhờ du lịch cũng sống được, thu nhập lai rai chứ không khi được, khi mất như thời đi biển”, ông Anh nói.
Lo ngại rác đuổi du khách
Trào lưu thiết kế tour gia đình với dịch vụ homestay, đưa du khách thăm các hòn đảo quanh quần đảo Nam Du trở nên phổ biến. Theo UBND xã An Sơn, ở đây hiện có khoảng 20 hộ thiết kế tour gia đình như vậy. Ở những ngôi nhà có không gian rộng rãi, du khách có thể tụ tập chơi bóng chuyền, đá cầu… để thư giãn. Những người trẻ tuổi lãng mạn có thể hái hoa, hái lá thuốc nam về nấu uống, giải nhiệt sau hành trình vất vả từ đất liền ra đảo.
Du lịch cũng khiến người dân ở xã An Sơn đua nhau xây dựng nhà nghỉ. Chỉ trong vòng 2 năm, đã có gần 100 nhà nghỉ mọc lên với công suất cả ngàn phòng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu vào dịp cuối tuần hay lễ tết. Bà Huỳnh Oanh, chủ nhà nghỉ Huỳnh Hua, cho hay khách ra Nam Du chủ yếu từ TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ. Dịp đông khách nhất là từ Tết Nguyên đán cho đến hết hè.
Từ khi có tàu cao tốc hằng ngày chạy thẳng từ Rạch Giá ra Nam Du với thời gian 2 giờ 30 phút thì lượng khách cuối tuần cứ nườm nượp. Tuy vậy, vấn đề lớn ở Nam Du không phải là cơ sở hạ tầng mà chính là rác. Do trên đảo chưa có khu xử lý rác nên phần lớn rác đều được xả trên núi hay ra biển. Ở trung tâm xã An Sơn đi đâu cũng thấy rác: ở chợ, ở trường học và trôi nổi lềnh bềnh ở nhiều nơi, trong đó có cả trung tâm Bãi Chệt.
“Không phải ai khác mà chính rác đang là nỗi ám ảnh của người dân làm du lịch trên đảo. Nhiều du khách ra thấy nhiều rác đã bỏ về mà không thèm tham quan những cảnh đẹp, bãi tắm đẹp như thiên đường ở đảo. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị chính quyền nhưng vẫn chưa có sự thay đổi”, bà Oanh nói.
Sẽ thu gom rác
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã An Sơn, cho hay hiện xã có hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu. Du lịch ở Nam Du phát triển từ giữa năm 2015 đến nay. Cụ thể, năm 2015 đón 27.000 lượt khách, năm 2016 đón hơn 72.000 lượt khách. Khách đến Nam Du chủ yếu đi du lịch khám phá, đến các bãi tắm hoang sơ, lặn ngắm biển.
Xét tổng thể, hiện tại đảo đáp ứng tương đối về nhu cầu đi lại và nhà nghỉ cho khách du lịch đến đảo. Ông Tuấn cũng thừa nhận hạn chế nhất của đảo trong việc thu hút khách chính là chưa xử lý được vấn đề môi trường, cụ thể là rác thải. Hiện chính quyền đã có quy hoạch khu xử lý rác trên đảo và đang kêu gọi đầu tư. Trước mắt sẽ có một xe chuyên dụng được đưa ra đảo để tập kết rác về một nơi chứ không để bừa bãi, tràn lan như trước.
Nam Du là quần đảo nằm phía đông nam Phú Quốc, cách bờ biển Rạch Giá gần 120 km. Quần đảo nằm dưới sự quản lý của chính quyền xã An Sơn và xã Nam Du thuộc H.Kiên Hải (Kiên Giang). Quần đảo có 21 đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống, đa số sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch với nhiều vẻ đẹp hoang sơ.
Hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu nhưng có ý kiến cho rằng tên gọi này có từ thời vua Gia Long, trong khi nguồn khác cho rằng tên “Nam Du” xuất phát từ tên “Nam Dự” (nghĩa là “đảo phía nam”) do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ nho thời xưa. Những điểm tham quan tuyệt đẹp ở Nam Du là Hòn Lớn, Bãi Ngự, Bãi Chệt, Hòn Dầu, Hòn Nồm, Hòn Mấu, Bãi Chướng, Hòn Ngang, Hòn Sơn, Đồi Ma Thiên Lãnh…
Theo Trung Hiếu (Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL! var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }