(ANTĐ) – “Đường lên Tây Bắc quanh co” – câu hát trong bài ca “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sỹ Văn An lại vang lên khi chúng tôi trên hành trình từ Tây Bắc về xuôi.
Cung đường này cuốn hút dân phượt bởi cảm giác đổ đèo và níu kéo của núi rừng. Đánh dấu hết đèo dốc cao thăm thẳm có lẽ chính là đỉnh đèo Thung Khe và điểm dừng chân đỉnh đèo Đá Trắng. Từ đây nhìn xuống thung lũng thấy cả thị trấn Mai Châu thu gọn vào ống kính với gió thổi lồng lộng.
Không biết đã bao nhiêu lần đi qua con đường này, nhưng lần nào cũng vậy, khi từ Sơn La xuôi về Hà Nội, đến đỉnh đèo Thung Khe, chúng tôi cũng dừng xe đứng ngắm cảnh vật nơi này.
Thị trấn du lịch Mai Châu được thu vào tầm mắt. Cảnh đẹp tự nhiên này đãi ngộ du khách mỗi khi dừng xe nơi đỉnh dốc. Cũng vài năm nay, nơi đây được xây dựng một trạm với cột cờ, vài chiếc ghế đá cho khách nghỉ chân ngắm cảnh.
NISAVA
Đêm trước vừa uống rượu cần, múa xòe cùng cô gái Thái xóm Lầu, xã Mai Hạ, huyện Mai Châu. Rượu Mai Hạ nhấp môi mà rượu chảy đến đâu nhận ra cái nóng đang đốt ruột gan đến đấy.
Cô gái Thái thấy chàng trai Hà Nội say rượu cứ ngâm nga câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” mà cười nói “Sáng mai, lên đèo Thung Khe, gió thổi quên Mai Châu ngay mà”. Thế mà, giờ đã đứng ở đỉnh đèo, nhìn xuống thung lũng, ruộng nước, ruộng bậc thang, nhà sàn, rừng cây rồi cả con đường chạy xuyên qua huyện về hướng Pù Luông.
Cô gái Hà Thị Tình, bán quán nước trên đỉnh đèo Thung Khe thì cứ cười khi chúng tôi hỏi thăm. “Em họ Vi à?”, “Không, em họ Hà, em cũng ở Mai Châu, các anh không quen gió núi, đứng đó là lạnh đấy”.
Rồi một chiếc xe ô tô cũng dừng chân, vài người bước xuống chụp ảnh, bắt tay chào tạm biệt. Hóa ra, cán bộ miền xuôi lên công tác, rồi cán bộ miền ngược tiễn chân tới tận đỉnh đèo Thung Khe. Cái tình lưu luyến như tên em gái quán gió đèo cao vậy.
Nếu đèo Thung Khe cuốn hút vì tầm nhìn vọng cảnh thì đèo Đá Trắng lại níu chân vì dãy quán lá mới với làn khói bếp bảng lảng trong sương núi. Chỉ chạy xuôi thêm qua một mỏm núi, sườn núi đang bên tay phải thì giờ ở bên tay trái. Dãy quán lá bán hàng của người Mường chủ yếu bán ngô nếp luộc, cua đá, mấy cành phong lan.
NISAVA
Có người thì gọi dãy quán này là chợ đèo vì đủ thứ được bán như chợ nhưng chủ yếu là quán dừng chân cho khách uống bát nước ngô, nhâm nhi bắp ngô nếp luộc. Đèo Đá Trắng có tên gọi như vậy vì phía sườn núi phía đông toàn đá trắng đắp lên thành đèo. Phía dưới thung lũng gọi là “Bãi Dê” với lô xô những tảng đá đen lớn nhỏ rải rác giữa đồng cỏ bao la. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống giống như một đàn dê đang thong dong gặm cỏ.
Dừng chân nơi đây, dãy quán ngay sát dốc đá trắng, mùi ngô nếp luộc, cơm lam nóng hổi vô cùng thú vị. Cô gái Mường dòng họ Đinh Công cùng mẹ chồng ra quán bán hàng, vừa róc vỏ ống cơm lam vừa kể chuyện dòng họ nổi tiếng Đinh Công của dân tộc Mường. Thứ lạ nhất với chúng tôi chính là bó hạt rừng có tên “Mắc khén”. Rang muối, nướng ớt, rang mắc khén rồi tất cả giã lẫn với lá mùi tàu và tỏi sẽ được đĩa “Chéo” để chấm măng luộc, thịt nướng thơm ngon tê tê đầu môi. Mấy năm trở lại đây, người miền xuôi cũng đã biết tẩm mắc khén với thịt đem nướng. Món quà này luôn được du khách mang về xuôi làm quà.
Một chút dừng chân hưởng gió núi đèo Thung Khe, ăn ngô nếp đèo Đá Trắng, rồi lúc lên xe đã lủng lẳng cân thịt lợn lửng thui rơm cắt ngang, nhành phong lan rừng, chục ống cơm lam, vài bó mắc khén và “lồng” cua đá núi. Chỉ vậy thôi mà qua con đường này lần nào cũng phải dừng chân.
Theo Lê Hồng Quang (An Ninh Thủ Đô)
NISAVA TRAVEL!
Đổ đèo Thung Khe
Chuyện đèo Thung Khe
Thung Khe ngày ấy và bây giờ
Ghé chợ Thung Khe mua đặc sản Tây Bắc