(IFN) – Khu vực chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương (Chương Mỹ) có một cái giếng cổ hình quả cà có từ thời Lý. Nhưng bất ngờ là ở những thôn xóm gần đó, cũng có không ít những giếng cổ đẹp và lạ.
Giếng cùng tuổi chùa
Ở nước ta, có nhiều chùa còn lưu giữ được giếng cổ, quý và đẹp lắm. Nói không ngoa, có những giếng đẹp quá mà nếu có bê về được, thì khối đại phú dù đặt ngay tiền trăm bạc vạn cũng sẵn lòng. Nhưng giếng có mạch, nó chỉ quý khi nó ở đúng chỗ. Và hình như ở nước ta, giữa giếng và chùa có một cơ duyên không tách ly cách biệt. Xưa, chùa nào cũng có giếng. Giếng ấy vừa để chùa dùng, cũng là để bọn tạp khách lên xin nước pha trà, đồ xôi. Chùa mới bây giờ ít giếng hoặc không có nữa, nước máy thay giếng rồi.
Qua một nhà nghiên cứu, chúng tôi mới biết ở chùa Trăm Gian còn một giếng cổ. Từ thị trấn Chúc Sơn rẽ phải, vòng vèo qua một vài con ngõ nhỏ dốc lên dốc xuống là chạm tới giếng.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, giếng và chùa Trăm Gian là cùng tuổi. Nghĩa là khi có chùa thì cũng có giếng. Chùa Trăm Gian vốn tên chùa Sở xây thời Lý Cao Tông (1185). Chùa ngự trên đồi cao 50m thuộc dãy Tiên Lữ núi Mã. Theo kinh nghiệm của những người sành giếng, cứ ở độ cao ấy mà giếng đầy nước thì đích thị là giếng quý. Chốn đồi cao mà thủy tụ thì bao giờ nước cũng trúng mạch, lại ngọt và sạch nên đất ấy xem ra còn dụng võ được.
NISAVA
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương cho rằng, giả thuyết giếng Chùa cùng tuổi chùa Trăm Gian là có cơ sở. Hơn nữa, giếng Chùa còn được nhắc tới từ thời xa xưa, nước trong và ngọt dịu. Kiểu dáng giếng lại bậc cao bậc thấp phần vành, hội tụ đủ tinh hoa cổ giếng.
Thiên tạo hay nhân tạo?
Cùng nằm phần đất của chùa nhưng giếng Chùa nằm nép mình trên đồi Miếu, dưới những bóng cây cổ thụ. Từ bề cao nhìn xuống, giếng này có hình tròn nhưng nhìn kỹ thì giếng hình quả cà. Miệng giếng không bằng nhau, qua các đời, người xưa đã xây một nửa cao nhỉnh hẳn lên, nửa còn lại thấp xuống.
Cách xây miệng giếng xem qua thì lạ. Nhưng thực ra, nó là kiểu thiết kế ứng dụng được ở vùng đồi núi. Phần đất cao thì miệng giếng phải cao hơn hẳn để tránh nước bẩn và đất xung quanh tràn vào. Phần thấp hơn, thường là ở phía để đứng lấy nước.
Theo ông Đỗ Duy Tấn, người có mối gắn bó với nhà chùa cho biết: “Giếng này nhìn bề ngoài thì mới, bởi những năm phong kiến, các phó lý chánh tổng cho người xây phần gờ miệng. Phần thành giếng thì lại khác, chỗ thì như có đá xếp, chỗ thì đá tảng nguyên khối”.
Giếng Chùa cổ thời Lý thực chất do con người xây dựng hay tự nhiên mà có? Câu hỏi đó đã làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu, và hiện tại nó cũng là chủ đề gây tranh cãi mỗi khi người Tiên Phương trà dư tửu hậu.
NISAVA
Truyền thuyết kể rằng, có vị cao nhân qua đây thấy chùa tiêu điều mới cho người làm lại. Ngày khởi công, các hiệp thợ mộc, thợ ngõa về rất đông. Gần trưa, cao nhân lấy gạo cho vào niêu rồi sai người đi nấu. Sau đó cao nhân nhún người một cái và để lại vết chân hình quả cà. Vết chân này chính là cái giếng cổ bây giờ.
Ông Tấn cho rằng, giếng không phải do người đào, tất nhiên phần miệng giếng là do người xây. Giếng được tạo thành do một con suối chảy ra từ mạch sâu trong đồi. Lâu ngày, ở đó tạo thành một cái hố ăn xuống lớp đá ong. Qua các đời, người ta xếp đá tạo thành tang giếng hoàn chỉnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cho rằng, bởi giếng được tạo thành do suối ngầm, lại lọc qua lớp đá ong nên nước vừa trong lại ngọt. Có lẽ, giếng chùa Trăm Gian cũng là hình mẫu khi nhà văn Nguyễn Tuân viết về chuyện ông cụ Sáu, người năng lên chùa xin nước pha trà Tầu.
Giếng cổ trên đồi cao
Ông Tấn bật mí, Tiên Phương ngoài giếng Chùa thì mỗi thôn đều có một giếng cổ. Thôn Tiên Lữ, Đồng Nanh, Cao Sơn, Quyết Tiến, Sơn Đồng đều mang trong mình những báu vật của nước. Thế nhưng, qua thời gian quá lâu cùng những biến thiên, giờ có Tiên Lữ và Đồng Nanh còn lại giếng đẹp.
Cách giếng Chùa không xa, vòng qua đồi vào Đồng Nanh là giếng cổ bằng đá xanh nhẵn thín. Từ trên đường đồi nhìn xuống, giếng được phủ bởi lớp bạt xanh. Tôi đồ rằng, giếng này từ lâu đã không được sử dụng. Gỡ lớp bạt ra, phía dưới nhiều rác nhưng nước vẫn trong.
NISAVA
Miệng miếng khá giống giếng chùa, cũng một nửa cao, một nửa thấp. Phía bức tường gần giếng còn có ban thờ. Nhưng ban thờ không còn bát hương, lạnh ngắt. Những chậu tắm vuông tròn xây bằng gạch vồ còn đấy, lâu ngày không được dùng đến nên cũng mốc rêu. Thành giếng này đẹp. Qua làn nước trong, khách vẫn thấy những đá hộp xếp khít tận đáy. Điều ấy liên tưởng đến một quá khứ xa, phải quý lắm người ta mới tỉ mỉ đến vậy. Từ việc xếp đá tạo tang đến đục gờ miệng, tất cả đều lấy tinh tế làm chuẩn.
Đi thêm một đoạn, lại một giếng cổ hiện ra. Khác với giếng Đồng Nanh đá, giếng này có thành bằng gạch. Nhưng gạch này cũng đã lâu đời nên ngả màu xám đen. Nước giếng trong, thành giếng sâu thấy đáy. Xung quanh cũng đá xếp chồng, nhưng không phải đá hộp. Đó là đá thường. Giếng này không bị che lấp, cũng không có rác, chắc có người vẫn lưu luyến giếng mà dùng đến. Giếng sâu đến hơn chục thước, sau nhiều lần thau giếng, tẩy uế lẫn tôn tạo, phần thành miệng được nâng cao hơn so với khi giếng mới sinh thành.
Ở thôn Tiên Lữ cũng còn một giếng quý. Giếng hao hao giếng Chùa nhưng cũng không còn hữu dụng trong thời này nữa. Vì thế, nó cũng chỉ ở mức giữ lại làm dấu tích cũ của một thời mà thôi.
Và một chút buồn
Nghĩ đến việc làng nào đó giữ được những giếng cổ thì ai cũng thấy vui. Vui vì còn biết trân trọng lịch sử, vui vì còn biết giữ lại những tinh hoa xưa cũ khi mà mọi thứ đều có thể biến mất.
NISAVA
Nhưng ngồi bên những cái giếng xưa lặng lẽ lại có chút gợn buồn. Mà không buồn sao được khi giếng bị bỏ rơi hoặc bị quên lãng. Những cái giếng cổ có khi lầm thời nên phận đa đoan như cô gái bị người tình ruồng bỏ.
Lại buồn nữa khi giếng Chùa được tôn tạo không giống ai. Giếng cổ, quý, đẹp và cũng hay ở những vết rêu phong thì nay nhìn cứ vô duyên. Vô duyên ở lớp xi măng mới, vô duyên ở những hàng gạch mới, vô duyên ở cả những cái ống hút máy bơm, hộp điện mắc trên giếng.
Cũng biết làng này đang có việc kiện nhau giữa cách bảo tồn nguyên vẹn giếng và việc giếng bị làm mới. Hỏi trụ trì chùa Trăm Gian cho rõ sự tình, nhưng sự tình không thể rõ được khi nhà chùa tránh những câu hỏi. Rõ là người hỏi thì rơi vào thế vô duyên, vì giếng nhà chùa, chùa muốn làm gì tùy ý. Nhưng xét lại, chùa Trăm Gian là di tích lịch sử ngót nửa thế kỷ nay, mà giếng lại ở phần đất của chùa nên việc bảo tồn cũng cần có trách nhiệm lẫn tính toan cho hợp lý.
“Tiên Phương vốn là đất của giếng. Vùng này đất cao, mà một phần dãy đồi cao khoảng 80m chạy dọc lên Quốc Oai. Nhưng ở những nơi cao ấy thì thủy lại tụ nên được chọn làm giếng. Giếng không chỉ phản ánh mà còn nói được chính xác văn hóa và cuộc sống thời xưa của từng làng quê”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.
Theo Trần Hòa (Infonet)
NISAVA TRAVEL!