Đèo Ngang ở trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m, dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển, trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc. Với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cùng với những sự kiện bi hùng của hàng ngàn năm lịch sử.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan – cửa Hoành Sơn ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan, hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.
Từ Đồng Hới, theo quốc lộ 1A về Quảng Bình là bạn đã đến được với Đèo Ngang, đoạn cuối cùng của dãy núi giáp biển Đông. Đi bộ trên con đường mòn rợp bóng cây xanh, bạn sẽ thấy được một khung cảnh tuyệt vời, một màu xanh mơn man của rừng cây cùng gió biển lồng lộng khi từ từ bước lên đỉnh đèo. Sự mệt nhọc dường như tan biến hết, thay vào đó là sự hào hứng thú vị khi tự mình đặt chân lên nơi cao nhất của đèo Ngang. Bạn sẽ như lạc vào một thế giới khác, cái nắng cháy người, cái rát da của gió Lào tuyệt nhiên không còn ở đây, một không khí mát mẻ bao trùm tất cả.
Đứng trên đỉnh đèo giữa bốn phương ào ào gió lộng, núi non bao la hùng vĩ, một không gian khoáng đãng làm cho lòng người dạt dào cảm xúc. Phóng tầm mắt về phía xa, những ngọn núi trông như một dãy lụa xanh mượt mà, uốn lượn, tung bay trong gió. Đằng xa còn có những rừng thông vi vu đẹp đến nao lòng.
Tại đây có hàng ngàn bậc đá xuống tận chân đèo. Chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời khiến du khách sẽ bùi ngùi nhớ đến Bà huyện Thanh Quan với bài thơ Đường bất hủ – “Qua đèo Ngang”:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa…”
Năm tháng trôi qua nhưng bức tranh “cỏ cây chen đá lá chen hoa” vẫn còn đó, xa xa hiện lên những đồi thông trầm mặc đẹp đến nao lòng. Tuy nhiên hình ảnh “lom khom dưới núi tiều vài chú” không còn nữa mà là những chàng trai, cô gái lên rẫy, bên cạnh những đàn bò nhẩn nha gặm cỏ trông thật thanh bình. Vẫn còn đó “lác đác mom sông chợ mấy nhà” nhưng không phải chỉ là mái tranh vách lá đơn sơ mà là ẩn hiện những mái tôn, mái ngói giữa vùng trùng điệp núi non xanh thẳm sắc màu.
Nếu không muốn vượt qua con đèo hiểm trở này, du khách có thể sử dụng đường hầm. Giờ đây, ở chân đèo Ngang đường sá rộng thênh thang, xe cộ qua lại dập dìu, cho thấy một bức tranh sôi động của thời kỳ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương.
Khi chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời mang đến một cảm xúc nao nao khó tả. Đứng trước một khung cảnh thơ mộng, tâm hồn bạn dường như nhẹ nhàng, thanh thản hơn và có nhiều cảm xúc mà trước đây do bận rộn, chúng ta phớt lờ hay không nhận ra. Đèo Ngang cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện bi hùng của dân tộc từ thời dựng nước cho đến nay.
Ai đến với Đèo Ngang đều không thể nào quên được khung cảnh non nước kỳ vĩ cùng những câu chuyện về địa danh mà sử sách từ hơn ngàn năm trước đã ghi lại.
Theo báo Nội Thất