(BCB) – Đèo Mã Phục, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) nằm trên tuyến Quốc lộ 3 vốn nổi tiếng bởi sự hiểm trở và vẻ đẹp thiên nhiên kỹ vỹ. Đặc biệt, đèo là điểm dừng chân đầu tiên để du khách thưởng ngoạn trong tuyến du lịch các huyện cụm phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
< Những khúc cua quanh co tuyệt đẹp trên đèo Mã Phục.
Đèo Mã Phục có chiều dài hơn 3,5 km, thuộc xóm Cao Xuyên. Đèo có độ cao gần 700 m so với mực nước biển, qua 7 tầng dốc xoáy cua tay áo khá hiểm trở, uốn lượn theo triền núi đá vôi, có nhiều đoạn gấp khúc. Một bên đèo là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp.
< Bắt đầu vào đèo.
Tên gọi đèo Mã Phục gắn với tích xưa, giữa thế kỷ XI, thủ lĩnh người Tày là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại nhà Tống xâm lược.
NISAVA
Trong một lần tuần tra biên giới trở về qua địa phận xã Quốc Toản, gặp con đèo quanh co, dốc cao án ngữ trước mặt nên ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó, dãy núi được đặt tên Án Lại và con đèo được đặt là Mã Phục (ngựa nằm, quỳ).
Con đèo rộng và đẹp, những dãy núi cao thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc đèo hướng đi Quảng Uyên trải dài những cánh đồng ngô, lúa xanh mướt, ngay bên đường là bản nhỏ với những ngôi nhà có hàng rào đá bao quanh vững chãi, đẹp mắt. Ở mỗi thời điểm trong ngày, đèo Mã Phục lại mang vẻ đẹp khác nhau.
NISAVA
Dù giữa mùa hè, nhưng nếu qua đèo vào sáng sớm hay khi nắng tắt, đỉnh đèo xuất hiện màn sương mù bảng lảng, phong cảnh trở nên nguyên sơ, huyền ảo.
Đến khi sương tan, trời bừng sáng, đám mây trắng nổi bật trên nền trời xanh, cảm giác mọi vật trở nên tràn đầy sức sống, gió xôn xao đem lại cảm giác mát lành.
Khi nắng thảm vàng trên lá rừng, nhấp nháy theo nhịp bánh xe lăn như cô gái trẻ lúng liếng trong bộ trang phục sặc sỡ sắc màu. Cảnh sắc đèo với những vẻ đẹp khác nhau là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi chinh phục cung đường dài hơn 3 km của đèo Mã Phục.
< Thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ đỉnh đèo Mã Phục.
Theo các chuyên gia, đèo Mã Phục còn là điểm di sản địa chất độc đáo. Khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau với nhiều kích thước và màu sắc.
NISAVA
Tại đèo Mã Phục, chỗ tiếp xúc với đá vôi (màu trắng) có thể thấy một loại đá khác màu xanh đen hình cầu (bazan cầu gối) là minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất, xứng đáng là di sản địa chất đặc sắc.
Đèo Mã Phục là điểm dừng chân đầu tiên của tuyến du lịch cụm phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa. Từ điểm dừng chân này, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá tuyến đường đi bộ vào núi thủng Nặm Trá, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh); tham quan, trải nghiệm văn hóa bản địa làm hương, mô hình “homestay”, thưởng thức sản vật địa phương tại làng Phja Thắp, xã Quốc Dân và làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên); tham quan, du lịch mạo hiểm trên dòng sông Quây Sơn xanh biếc, làng đá Khuổi Ky, động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)…
Theo Phúc Khang (Báo Cao Bằng)
NISAVA TRAVEL!
Năm Ngọ chinh phục 4 đèo ngựa.
Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 4)