Trên con đường từ ngã ba Thành, hướng về phía Bắc khoảng 3km là tới địa giới xã Vĩnh Phương, Tp.Nha Trang: chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một pho tượng Phật được công nhận là pho tượng đạt kỷ lục cao nhất Việt Nam với chiều cao tính từ chân đế là 44,7m, vừa được công nhận kỷ lục trong tháng 11 năm 2012 – đó là tượng Phật A Di Đà.
Tượng được đặt ở ngôi chùa dựa bên núi Đá Lô có cái tên khá dài, Chùa Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Độ được nhiều người biết đến. Tên chùa từ ngọn núi Đá Lô mà thành, cho nên còn được phật tử gần xa gọi với cái tên rất thân quen và gần gũi: Chùa Đá Lô.
Cũng chính vì sự tò mò để được chiêm ngưỡng một kiệt tác độc đáo của tôn giáo mà cả buổi chiều chúng tôi rong ruổi từ Nha Trang đến Vĩnh Phương để ngắm nhìn.
Ngay từ bên đường, có thể thấy tượng Phật hiện dưới nền trời mây trắng vờn trên núi Đá Lô. Phía sau núi Đá Lô là núi Đại An với màu xanh cây cỏ tạo cho không gian trở nên đẹp và thanh khiết.
Con đường đi lên núi Đá Lô trước kia là đường đất, bao quanh hai bên đường là nhà dân. Tấm bảng giới thiệu chùa đơn giản và không gây được sự chú ý nếu ai đó không quan tâm tìm kiếm.
Con dốc lên chùa đã được đổ xi măng tạo thuận lợi cho khách hành hương. Đi độ chừng 40m là đã thấy chùa và tượng Phật A Di Đà hiện ra trước mặt. Từ trên độ cao này nhìn xuống, chúng tôi cảm thấy tâm hồn mình thật thanh tịnh và như được thoát ra khỏi chốn phồn hoa đô hội.
Pho tượng với lối kiến trúc độc đáo
Tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam là sự góp công, góp của bởi biết bao tín hữu. Thân tượng có chiều cao 37m, tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo. Bệ đứng là một tòa sen, còn họa tiết bệ tượng là hình ảnh biển cả với những con sóng như ẩn dụ ngài đưa chúng sinh ra khỏi bể khổ trầm luân.
Tượng được tạc rất đẹp và toát ra vẻ thiền, khiến cho bất cứ ai đến viếng thăm và chiêm ngưỡng đều có cảm giác nhẹ lòng. Đôi mắt tượng Phật nhìn xuống bên dưới như dõi theo, tay trái đưa lên ngang ngực với những ngón tay đẹp, tay phải duỗi xuống như sẵn sàng tiếp độ mọi chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ.
Theo đó thì cách tạo ra tượng như bài kệ “Ái hà thiên xích lãng, Khổ hải vạn trung ba, Dục thoát luân hồi khổ, Tảo cấp niệm Di Đà” (Sông ái sóng ngàn thước, Bể khổ dậy muôn trùng, Kiếp luân hồi muốn thoát, Sớm gấp niệm Di Đà). Đến gần, từ phía dưới ngước nhìn lên, gương mặt Phật trông rất từ bi và mỉm cười với chúng sinh.
Lịch sử chùa Tòng Lâm Lô Sơn
Nguyên vào năm Mậu Tuất (1958), Hòa Thượng Thích Chánh Ký, Thượng thủ Tăng già Phật giáo Khánh Hòa đã tìm đến ngọn núi này mà xây dựng chùa. Khi ấy, đây chỉ là ngọn núi đầy cây cỏ, bao quanh không dân cư, cải lộ tuyến trước mặt vẫn chưa hình thành.
Ngôi chùa khi ấy chỉ là một ngôi nhà tranh được đặt tên là “Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Nghiệp Tự”, về sau, Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ đề nghị đổi danh xưng thành “Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Độ Tự”.
Trải qua thời chiến tranh, chùa ở vùng xa cho nên hứng chịu nhiều bom đạn, gần như bị hư hại nhiều. Đến năm 1995, Thượng tọa Thích Trừng Thi về làm Trụ trì đã cùng chư tăng và tín hữu thêm một lần khai phá đất đai quanh núi, nơi đây rất nhiều bom mìn còn sót lại thời chiến tranh, đã có 600 quả bom mìn đủ loại được gỡ bỏ trên diện tích 5ha. Chùa được xây dựng hai tầng từ năm 2002 đến 2008 với diện tích 350m2.
Việc xây dựng tượng đức Phật A Di Đà được ấp ủ từ đó. Cho đến năm 2009 bắt đầu khởi công và hoàn thành vào tháng 4/2012 do Tập đoàn C.T Group cùng phật tử đóng góp với chi phí 6.546 tỷ đồng. Tượng do kỹ sư Lê Đồng Thuyền thiết kế, hai điêu khắc gia Thụy Lam, Hồ Văn Đen thực hiện.
Trong buổi lễ công nhận bức tượng kỷ lục A Di Đà, Thượng tọa Thích Trừng Thi, trụ trì chùa Tòng Lâm Lô Sơn phát biểu: “Hôm nay, được vinh dự đứng ở đây, nhận kỷ lục về tượng đức Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam, quả thực là một hạnh phúc không thể nói hết bằng lời, một hạnh phúc không mong cầu mà được.
Khi tiến hành công việc, chúng tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là kiến tạo một công trình an toàn, có giá trị mỹ thuật và tâm linh cao, làm phát khởi tín tâm nơi người chiêm ngưỡng mà thôi, chứ chưa từng nghĩ đến bất kỳ một giá trị gì khác. Bằng kỷ lục này sẽ là khích lệ to lớn cho tất cả những gian lao, của cải mà tứ chúng phật tử đã đóng góp vào”.
Thật vậy, từ khi tượng Phật A Đi Đà được công nhận kỷ lục ở chùa Tòng Lâm Lô Sơn, nơi đây đã trở thành điểm dừng chân cho khách du lịch và phật tử mọi nơi. Để đến đó bước vào vườn Lâm Tỳ Ni thể hiện lại lúc đức Phật Thích Ca ra đời (Vườn Lâm Tỳ Ni nằm giữa kinh thành Ca Tỳ La Vệ, là quê ngoại của Hoàng hậu Maya nên theo tục lệ, Hoàng hậu trên đường về quê ngoại sinh con phải đi ngang qua khu vườn này). Vào chùa thắp nén nhang, ngắm nhìn bên dưới sự náo nhiệt của thế gian.
NISAVA TRAVEL! – Theo Tin Tức Du Lịch, PhattuVN