Đền Nghè nằm trên đường Suối Rồng thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đền được xây dựng ở lưng chừng núi, nơi đất trời, biển cả, núi non giao hòa. Đây là ngôi đền “hàng tổng” của Đồ Sơn, được người dân vùng biển này coi trọng vì nơi đây thờ “Lục vị tiên công”, 6 vị thần có công lập nên đất Đồ Sơn.

Đặc biệt, với người dân Đồ Sơn, đền Nghè còn gắn liền với lễ hội chọi trâu truyền thống khi ngôi đền này thờ Điểm Tước Thần Vương, một vị thần liên quan đến tục chọi trâu ở Đồ Sơn. Tại đền Nghè, trước và sau lễ hội chọi trâu, đền là nơi nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ. Là nơi diễn ra lễ dâng hương, lễ rước nước- linh hồn phần lễ của lễ hội chọi trâu hàng năm của Đồ Sơn.

Ngược theo dòng lịch sử mới thấy được hết sự độc đáo và tâm linh của ngôi đền này. Trước năm 1945, tổng Đồ Sơn có 2 xã, 5 làng; làng nào cũng có đình, đền riêng, song hầu như tất cả có duy nhất một vị thành hoàng. Vị thành hoàng chung của người dân Đồ Sơn xưa được các làng, xã thờ là thần Điểm Tước.
NISAVA
Nguồn gốc của vị thần này bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa, kể rằng vùng đất Đồ Sơn đang yên vui bỗng có một con thuỷ quái đến phá hoại các xóm vạn chài. Được sự giúp đỡ của thần linh, xóm vạn chài trở nên yên vui, cư dân Đồ Sơn tiến hành lễ cầu duệ hiệu (tên gọi của thần).

Sau 7 ngày, 5 đêm thì thấy hiện lên nốt chân chim trên mâm bột, từ đó Điểm Tước trở thành tên gọi của thành hoàng tổng Đồ Sơn (Điểm Tước có nghĩa là vết chân chim). Từ nguồn gốc của vị thành hoàng làng này, tục chọi trâu được hình thành ở Đồ Sơn và là tập tục rất lâu đời của người Việt cổ được lưu giữ cho đến ngày nay.

Với những nghi thức độc đáo mang màu sắc của văn hoá vùng ven biển, tục chọi trâu Đồ Sơn trở thành một lễ hội đặc biệt mang tầm vóc quốc gia. Lễ hội chọi trâu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến thăm quần thể Đền Nghè, ngoài việc chiêm ngưỡng Tượng đài, quí khách thường chú ý đến 2 vật tích độc đáo trong Đền – đó là Khánh đá và Sập đá. Khánh làm bằng một tấm đá nguyên dày 5cm được tách ra thành hình chiếc khánh (có chiều cao 1m, rộng 1,6m).
NISAVA
Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và hình mây bay xung quanh. Mặt sau khánh khắc hình mây bay và sóng nước, cả hai mặt có 2 núm tròn, lồi cao là chỗ để gõ. Tiếng khánh đá trong ngân vang êm dịu, lan tỏa, hướng ta tới cõi tâm linh huyền ảo mà thiêng liêng.

Đền Nghè hiện nay được tu bổ, tôn tạo thành một công trình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20 bao gồm: tam quan, tòa bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá. Phía sau làm thêm tòa tứ phủ. Tòa bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ. Chính giữa nóc nhà bái đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn “ An Biên cổ miếu”.

Di tích đền Nghè – Đồ Sơn hội tụ đủ cả hai yếu tố vật thể và phi vật thể để trở thành một di sản văn hoá rất có giá trị, được xây dựng và tồn tại trong một không gian văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.

Theo Báo Hải Phòng
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *