(BQN) – Từ thành phố Hòa Bình xuôi theo quốc lộ 6 với dốc Cun quanh co hiểm trở, vượt đèo Thung Khe, bản Lác (huyện Mai Châu) đón những vị khách thành thị như chúng tôi bằng làn sương mỏng manh và ấm áp hiếm hoi cuối tháng 12…
Du lịch chuyên nghiệp
Xe du lịch chở chúng tôi về thẳng bản Lác – địa điểm du lịch độc đáo nhất của Mai Châu. Còn đường nhỏ đi vào bản trải bê tông phẳng lỳ, hai bên đường là những cánh đồng lúa đã ngả màu rơm khô. Đi khoảng vài trăm mét, đã thấy thấp thoáng trước mắt những nếp nhà sàn bình dị chen giữa màu xanh của cây trái… Bản Lác hiện ra như vậy đó.
Khác với những bản dân tộc mà chúng tôi đặt chân tới, bản Lác “chuyên nghiệp” hơn trong cách làm du lịch. Ở đây, nhà sàn được dựng sát nhau, cùng quay mặt ra trục đường chính, không có hàng rào ngăn cách giữa các ngôi nhà khiến cho du khách cảm nhận được sự thân thiện của người dân địa phương.
NISAVA
Hiện tại ở bản Lác có 25 ngôi nhà sàn làm nơi nghỉ cho du khách, được xây theo quy hoạch, mỗi nhà nghỉ đều được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 25. Khách du lịch vô cùng thích thú với những ngôi nhà sàn ở bản Lác. Nhà được dát bằng tre rộng rãi, cái nào cũng cao ráo, sạch sẽ và giữ được kiến trúc truyền thống của người dân tộc Thái. Trên sàn ngủ có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Không gian bên dưới sàn ngủ là nơi ăn cơm, uống trà chuyện trò và khu nhà tắm, vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng.
Thói quen nghề nghiệp khiến chúng tôi nhanh chóng phải tìm hiểu về địa danh độc đáo này của Mai Châu. Thật bất ngờ, bản nhỏ này đã có tuổi đời hơn 700 năm, cư dân ở đây hoàn toàn là người dân tộc Thái.
Từ khoảng năm 1997, bản Lác đã nhộn nhịp khách ghé thăm, trong đó phần lớn là khách nước ngoài. Lượng khách du lịch ngày càng đông lên, dân bản bảo nhau sửa nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan… Rồi từ chỗ chỉ dệt khăn, áo thổ cẩm để mặc hàng ngày, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm như đồ thêu, dệt lụa… để bán cho du.
Cách bán hàng ở đây cũng rất dễ chịu, không hề có “chặt chém” như nhiều nơi khác. Justin, một du khách người Anh cùng chuyến hành trình với chúng tôi vô cùng thích thú cho biết: “Thật vô cùng thú vị khi tận mắt nhìn thấy người dân dệt vải, tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đó. Khách du lịch cũng có thể mua ngay những tấm vải đã dệt để làm quà.”.
NISAVA
Có thể thấy, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch đã hình thành rõ rệt ở vùng quê hẻo lánh này với phong cách phục vụ cũng ngày một chuyên nghiệp hơn. Dân bản còn đầu tư cả xe điện, xe máy cho khách thuê để đi lại trong bản. Dịch vụ mát xa, tắm lá thuốc cũng hiện diện từ lâu để phục vụ nhu cầu thư giãn của du khách.
Ẩm thực độc đáo
Trước khi lên bản Lác, anh Nguyễn Phương, chủ một khách sạn ở Hòa Bình giới thiệu với chúng tôi: “Đến bản Lác du khách sẽ được người dân tiếp đón bằng những món ăn rất đặc biệt mà không nơi nào có được như món gà gói lá dong nướng, cá suối hấp, măng đắng xào, xôi nếp nương… ”. Quả thật, khi được thưởng thức những món ăn ở đây chúng tôi mới thấy lời giới thiệu của anh không hề sai.
Mâm cơm cho 6 thực khách chúng tôi có các món như thịt gà bản, thịt rừng nướng, xôi nếp Mai Châu, canh rau cá suối hấp, măng đắng xào, cùng chai rượu Mai Hạ. Trong không gian lành lạnh của núi rừng, bên tai còn nghe văng vẳng những cầu hát, tiếng đàn của người Thái mà được thưởng thức món ăn núi rừng cùng chén rượu cay nồng, còn gì tuyệt bằng.
Khi vào bữa, chủ nhà không quên mời khách một chén thay cho lời chào và cảm ơn. Cứ như vậy, bữa ăn có thể kéo dài tới đêm khuya mà cả chủ lẫn khách đếu không muốn dứt.
Khám phá văn hóa
Ngoài ẩm thực, du khách còn có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giao lưu tập thể như múa hát, cắm trại với người dân bản. Mà thời điểm thú vị nhất là buổi tối.
NISAVA
Những đống lửa trại bập bùng thắp sáng cả không gian núi rừng, văng vẳng tiếng nhạc rộn ràng của điệu nhảy sạp, tiếng hát ca tưng bừng của các bạn sinh viên yêu du lịch, tiếng cười nói huyên náo khiến những du khách còn dạo bước trên đường như chúng tôi cũng xốn xang mà rảo nhanh bước chân. Những chàng trai, cô gái Thái trong mặc trang phục truyền thống tươi tắn nắm tay nhau mang tới du khách những lời ca, điệu múa, gỗ cháy lách tách cùng ché rượu cần nồng nàn, khiến du khách “chẳng sưởi cũng ấm, chưa uống đã say”.
Tới bản Lác mà không đi chợ sớm cùng dân bản thì quả là phí. Trong không khí của buổi sớm mai trong trẻo, chợ sớm chỉ là những sạp hàng bày bán đơn giản, hoa quả vẫn còn tươi nguyên đọng sương đêm. Chen vào tiếng mua bán hàng buổi chợ sớm là những tiếng cười nói, đâu đó vang lên giọng nói ngọng nghịu của người dân bản chưa nói rõ tiếng Kinh nghe vui mà ấm áp đến lạ.
Lời kết
Người già trong bản Lác bảo: “Bây giờ, bản Lác đã có rất nhiều thứ phải thay đổi để phù hợp với một bản làm du lịch. Những ngôi nhà sàn được bê tông hóa, đồ dùng tiện nghi hiện đại có mặt ở khắp nơi”.
Đó là lẽ tất yếu trong cuộc sống vốn luôn chuyển động, cập nhật cái mới và hướng đến tiện nghi. Thế nhưng, đối với những du khách như chúng tôi, có lẽ, cái hấp dẫn của bản Lác chính là sự gần gũi, chân thành của người dân bản. Hi vọng, những năm sau nữa, người dân bản vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, những mộc mạc của núi rừng như vốn dĩ đã có…
Vân Du (Báo Quảng Ninh)
Theo NISAVA TRAVEL!
Cảm giác “Homestay” tại bản Lác
Rộn ràng bản Lác