Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, được mệnh danh là nóc nhà xứ Mường.
Đến thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) chúng tôi ngỡ ngàng khi biết rằng đường tới Lũng Vân còn phải vượt qua những ngọn đèo dốc ngoằn ngoèo dài 13 km. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách chạy, nên chúng tôi chọn xe ôm làm phương tiện cơ động. Chiếc xe ì ạch, đi khéo léo mới qua được những dốc cua hiểm trở. Xe theo tỉnh lộ 440, đi qua các địa phận Địch Giáo, Quyết Chiến, Dốc Mùn…
Truyền thuyết kể rằng từ xa xưa, thung lũng Lũng Vân là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân phạm tội với nhà lang. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho dựng một con đập dẫn nước về các ruộng bậc thang lẩn khuất trong các thung khe nách núi làm nước tưới tiêu, sinh hoạt. Lũ trẻ Mường Bống rủ nhau tắm trên đập, chui luồn như rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi.
Một nhà dân thuộc họ Bùi Văn vô tình đan một cái đó chặn một đầu bên kia miệng cống. Lũ trẻ mải đùa, bị giắt vào cái đó ấy làm chết 9 thằng bé con. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi kia đan đủ 9 cái đó, mỗi năm nộp lúa, ngô… quy ra bạc vàng đầy 9 đó đặng nộp vạ cho Mường… Một mùa lúa mới, vào một đêm tối trời, nhà họ Bùi gùi 9 gùi lúa mới, bồng bế nhau bỏ Mường, trốn nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu rậm rạp nằm trong thung lũng. Nghe tiếng cuốc kêu, họ Bùi mới nghĩ: Vùng này ắt hẳn có nước! Thế rồi, già trẻ, lớn bé họ Bùi Văn ở lại. Đấy là thung lũng Lũng Vân ngày nay.
Dọc đường đi Quyết Chiến, hai bên đường là những ruộng su su xanh mướt, nương ngô non tơ trải dài tới tận chân núi. Xế trưa, nắng tràn xuống rọi sáng khắp thung lũng, bản làng. Thấp thoáng trong màn sương và mây trắng mỏng manh là những lớp ruộng bậc thang xanh non lá mạ, những ngôi nhà sàn của người Mường lấp ló trong rừng cây um tùm.
Khi bóng ngả về chiều cũng là lúc xe tới chợ Lũng Vân. Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi cuốc bộ đến nhà ông Thịch – Phó trưởng công an xóm Chiềng để làm thủ tục “nhập bản”. Bên ấm chè bồm ngọt mát, ông Thịch hào hứng kể về cuộc sống ở Lũng Vân. Cách đây 8 năm, Lũng Vân còn nghèo khó bởi toàn xã có hơn 2.000 nhân khẩu với 100% là người dân tộc thiểu số.
Nhưng đến nay, Lũng Vân đã đổi đời vì vừa hoàn thiện hệ thống trường học, trạm y tế… Ở Lũng Vân, tối đến rất lạnh, nhà nhà phải đắp chăn bông quanh năm suốt tháng. Chúng tôi xin nghỉ một đêm ở đây và được thưởng thức rượu ngô, rổn rảng chuyện trò bên mâm cơm có đĩa thịt gà rang măng chua, canh rau bí, những món đặc sản của người Mường để tiếp khách.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến nhà một người dân làng khác và cũng được mời rượu. Ông Thiên, 59 tuổi, từng làm công tác văn nghệ ở Lũng Vân 20 năm nay đã sáng tác hàng chục bài hát, hàng trăm điệu múa đặc trưng của người Mường. Và như để minh chứng, ông cao hứng hát cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài Rừng trẩu quê em, Tiếng cồng trên thung mây… Người nghệ sĩ già ấy cất giọng lên, âm điệu vẫn mượt mà, khi trầm bổng, khi than tiếc não nề về rừng trẩu, về những tiếng cồng, tiếng mõ… từ ngàn xưa ở Lũng Vân – những “báu vật” đến giờ chỉ còn vang bóng.
Trên thung lũng cao hơn 1.200m này có ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên lung linh huyền ảo… Đối với những người dân địa phương, đây là xứ thần tiên bởi “ai cũng được ân hưởng tuổi giời”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, xã Lũng Vân hiện có tới hơn 160 người sống trên 80 tuổi. Đi trên con đường quanh co giữa nương lúa xanh rờn vào xóm Nghẹ, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Nhển, một gia đình có người cao tuổi nhất ở Lũng Vân. Thân sinh ra ông Nhển là cụ Đinh Thị Hệu năm nay đã 113 tuổi, vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Cụ Hệu chỉ nói được tiếng Mường và bị lãng tai nên phải nhờ cô con dâu Đinh Thị Linh (70 tuổi) làm phiên dịch. Trong gian nhà sàn ấm cúng, ông Nhển thao thao kể về cuộc đời, bí quyết sống lâu của mẹ ông, về nghề thuốc Nam của ông đã cứu sống bao người. Màn đêm buông xuống dần, cụ Hệu vẫn ngồi cặm cụi bên bếp lửa, nét mặt nhăn nheo tỏ mờ trong đốm lửa bập bùng. Ngoài trời, sương núi phủ xuống nóc nhà, lạnh buốt…
Theo Thanh Niên Online, Suckhoedoisong