(QBĐT) – Được đánh giá là vùng đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu chỉ đứng sau Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được ví như một mái nhà xanh chở che cho hàng vạn cư dân sinh sống ở lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại. Với sứ mệnh quan trọng đó, nên việc bảo tồn đa dạng sinh học ở đây đang được người dân và lực lượng bảo vệ rừng chăm chút từng ngày…
Vùng đa dạng sinh học trọng điểm…
Khu vực rừng Động Châu – khe Nước Trong có diện tích gần 20 nghìn ha, thuộc vùng sinh thái Bắc Trung bộ, có hệ động thực vật rất phong phú, với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam và Lào.
Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, trong khu vực rừng Động Châu – khe Nước Trong đã thống kê được 987 loài, 539 chi thuộc 141 họ trong năm ngành thực vật bậc cao. Trong số các loài được ghi nhận có 54 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ Thế giới (IUCN 2009). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã thống kê được 241 loài động vật có xương sống thuộc 77 họ và 21 bộ trong khu vực nghiên cứu.
Không những thế, nơi đây là môi trường sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp thuộc vùng chim quan trọng của dãy Trường Sơn và nằm trong vùng chim đặc hữu đất thấp Trung bộ như: trĩ sao, các loài gà lôi…
Quan trọng hơn, đây cũng là vùng đa dạng sinh học trọng điểm, thuộc hệ thống các vùng bảo tồn quan trọng cấp toàn cầu do có sự phân bố của loài sao la và nhiều loài thú quý hiếm khác. Tại khu vực rừng này, các nhà khoa học ghi nhận có 26 loài thuộc nhóm thú quý hiếm, trong đó có 22 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ Thế giới năm 2009.
NISAVA
Mới đây, các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam điều tra, khảo sát tại khu vực rừng Động Châu – khe Nước Trong đã phát hiện và ghi nhận có 58 đàn vượn đen má trắng siki tại 7 tiểu khu của vùng rừng khe Nước Trong.
Các chuyên gia bước đầu nhận xét, rừng Động Châu – khe Nước Trong có số lượng đàn và cá thể vượn đen má trắng siki nhiều nhất so với các khu vực khác trong vùng Bắc Trung bộ. Ngoài ra, trên cơ sở quan sát dọc đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây, đoạn qua khu vực này, các chuyên gia đã ghi nhận được 9 đàn chà vá chân nâu với số lượng từ 98 đến 108 cá thể.
Với tính đa dạng sinh học vốn có, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khe Nước Trong được quy hoạch thành lập Khu bảo tồn (khu dự trữ thiên nhiên) trong phân kỳ từ 2015 – 2020…
Giữ màu xanh cho rừng…
Trước sự đa dạng sinh học tại khu vực rừng Động Châu- khe Nước Trong và chờ đợi việc chính thức thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu – khe Nước Trong, để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học độc đáo của khu vực rừng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thực hiện mô hình hợp tác công – tư để quản lý, bảo vệ lâu dài cho rừng khe Nước Trong. Theo đó, khu rừng được bảo vệ theo mô hình rừng đặc dụng, đồng thời hỗ trợ các hoạt động tăng cường bảo vệ rừng và ngăn chặn hiện tượng bẫy, săn bắt động vật hoang dã…
Một ngày cuối năm, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy và tổ tuần tra liên ngành huyện Lệ Thủy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại khu vực rừng Động Châu- khe Nước Trong. Sau một ngày cùng các lực lượng chức năng chung bước tuần tra, chúng tôi mới thấu hiểu hết bao vất vả, khó khăn trong công tác bảo vệ rừng ở đây để giữ cho cánh rừng còn xanh.
NISAVA
Theo ông Quế, trước đây tình trạng người dân hay vào khu vực rừng này đánh bắt, bẫy thú rừng diễn ra thường xuyên, nhưng hiện nay nhờ tăng cường tuần tra, tuyên truyền, ngăn chặn người dân vào rừng nên tình trạng này đã giảm đáng kể. Để có được điều đó, thì ngoài chức năng quản lý nhà nước, Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy phải cắt cử cán bộ kiểm lâm từ các trạm phối hợp với các lực lượng như: Công an, Biên phòng, chủ rừng, người dân để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đi dưới những tán rừng còn nguyên sinh, chưa in dấu chân người, ông Quế bộc bạch: Trong diện tích gần 20 nghìn ha rừng Động Châu – khe Nước Trong, hiện có rất nhiều loài động thực vật nguy cấp và bị đe dọa không chỉ cấp độ quốc gia, mà còn mang tính toàn cầu. Thế nên nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm, cùng bảo vệ rừng, chủ rừng, người dân lại càng nặng nề hơn vì sinh kế của người dân ở đây chủ yếu dựa vào rừng, bởi vậy ngoài việc tuần tra, kiểm soát, các lực lượng bảo vệ rừng còn phải tuyên truyền, vận động người dân tránh làm “tổn thương” đến rừng…
Đóng chân bên cạnh cầu Khỉ, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây, Trạm bảo vệ rừng số 3, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu được giao nhiệm vụ quản lý hơn 6.100 ha tại khu vực rừng Động Châu – Khe Nước Trong. Với lực lượng bảo vệ rừng gồm 6 người, quản lý một địa bàn rừng rộng lớn với nhiều loại động thực vật quý hiếm, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ rừng ở trạm hết sức nặng nề.
NISAVA
Anh Trần Việt Trung, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 3 cho biết, khu vực rừng Động Châu – khe Nước Trong do chưa chịu nhiều tác động của con người, nên việc bảo vệ rừng ở đây được thực hiện rất nghiêm túc và bài bản. Theo đó, hàng tháng trạm phải luôn cắt cử cán bộ tuần tra tại rừng. Không những thế, trạm còn thành lập thêm các chốt cơ động ở rừng để bảo vệ.
Theo anh Trung, để đến những điểm chốt cơ động, có khi cán bộ bảo vệ rừng của trạm phải đi một ngày trời mới đến. Sau đó, anh em trực, ăn, ngủ giữa rừng từ 7-10 ngày rồi ra. Đấy là những ngày thường, đối với những ngày lễ, tết công tác bảo vệ rừng càng phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn, kể cả tại trạm và các chốt ở rừng đều phải duy trì quân số trực.
Trong những câu chuyện bảo vệ rừng tại khu vực rừng Động Châu- khe Nước Trong, chúng tôi được anh Trung chia sẻ rằng, do cuộc sống của người dân ở đây vẫn phụ thuộc vào rừng, nên công tác bảo vệ vẫn còn nhiều khó khăn. Ví như, mới đây vào tháng 11-2016, trong lúc tuần tra cán bộ trạm đã phát hiện 1 đối tượng trên địa bàn vừa bẫy bắt 1 con sơn dương hơn 50kg. Nhận thấy cá thể sơn dương còn sống lại không bị thương nên trạm đã báo cho các cơ quan chức năng tiến hành thả vào lại rừng. Tuy nhiên, vì ý thức bảo vệ rừng còn thấp nên nhiều người dân vẫn cứ nghĩ rằng, anh em bảo vệ rừng không cho họ kiếm kế sinh nhai…
NISAVA
Kim Thủy chiều cuối năm tĩnh mịch, mưa rừng lất phất, những cánh rừng Động Châu – khe Nước Trong mờ trong khói sương bảng lảng. Trên đường ngược về xuôi dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, chúng tôi ghé nhà Hồ Vàng, người dân tộc Vân Kiều ở bản Ho-Rum. Gặp chúng tôi Hồ Vàng giọng chắc như đinh đóng cột: Phải bảo vệ rừng chứ! Vận động con cháu bảo vệ. Mình được cán bộ tuyên truyền rồi, đấy là khu rừng quý nên cần bảo vệ cho mai sau.
Theo Ngọc Hải (Quảng Bình online)
NISAVA TRAVEL!