Trong những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, hàng ngàn lượt người đã đến thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình du xuân, vãn cảnh chùa Hoằng Phúc và cầu lộc cầu an.
< Một góc chùa mới phục dựng.
Theo sử cũ, Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung; chùa được tạo dựng cách đây trên 700 năm. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành. Lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.
< Cổng tam quan ngoại chùa Hoằng Phúc ngày đầu xuân.
Thời kháng chiến, đây là nơi che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh phá hư hỏng gần như toàn bộ; chỉ còn lại nền móng và một bên cổng tam quan. Một số hiện vật quý của chùa còn được nhân dân địa phương lưu giữ như chuông khánh, câu đối và tượng hộ pháp.
< Chính diện chùa Hoằng Phúc.
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cho chùa Hoằng Phúc.
< Cổng tam quan chùa cũ được xem là nơi linh thiêng và đang được lưu giữ trong khuôn viên chùa mới. Một cây cổ thụ mọc trên cổng tam quan cũ, rễ cây ôm trọn phần cổng.
< Hàng nghìn lượt người đã đến viếng chùa đầu xuân.
< Giếng cổ được phục dựng.
Ngày 30.11.2014, UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Lệ Thủy và Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ khởi công phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc với quy mô gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, tam bảo chùa, nhà thờ tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác…
< Nhiều người dâng hương cầu may, cầu an tại chùa.
< Các Phật tử đọc kinh cầu an.
Sau hơn 1 năm xây dựng, chùa được hoàn thành. Ngày 15.1, các cơ quan, tổ chức đã cung nghinh xá lợi Phật tổ Thích Ca Mầu Ni từ chùa Shwendagon (chùa Vàng; ngôi chùa lớn nhất, linh thiêng nhất Myanmar) do Giáo hội Phật giáo Myanmar tặng về an vị tại chùa Hoằng Phúc. Ngày 16.1, lễ khánh hạ chùa được tổ chức; trong đợt này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với chùa Hoằng Phúc.
< Nơi đặt các tượng Phật ở trong chùa.
Theo quan niệm của người dân địa phương, Hoằng Phúc là ngôi chùa linh thiêng, trước đây khi chưa phục dựng, dịp lễ tết đã có nhiều người đến dâng hương viếng chùa, cầu may cầu an. Nay chùa được phục dựng bề thế, cảnh quan đẹp càng thu hút nhiều người hơn. Bính Thân 2016 là xuân đầu tiên của chùa mới, chùa được khánh hạ đúng dịp tết đến xuân về nên Phật tử cũng như người dân xa gần nô nức trẩy hội chùa.
< Nhiều người vãn cảnh chùa trong đêm.
Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!