Vòng quanh đất nước Việt Nam, bạn có thể khám phá vô vàn điều thú vị từ thiên nhiên, cuộc sống, con người. Và có thể bạn chưa biết, ngay xung quanh mình, có những sự vật, sự việc thân thuộc, gần gũi lại đang giữ những kỷ lục thật bất ngờ. Bài viết xin giới thiệu với bạn một số cái “nhất” thú vị ở Việt Nam.

Nơi đón bình minh sớm nhất (1)

Mũi Điện thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, là điểm cực đông trên dải đất liền Việt Nam, nơi đón ánh bình minh đầu tiên, gần hải phận quốc tế nhất của nước ta, nằm ở tọa độ 12053″48″ vĩ độ Bắc và 109027″06″ kinh độ Đông.
Mũi Điện (hay còn gọi mũi Đại Lãnh, Kê Gà hay Cap Varella) có ngọn hải đăng xây vào năm 1890, trên trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời để cung cấp năng lượng giúp hải đăng chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác ngọn hải đăng.

Tháp đèn hải đăng Mũi Điện cao 26,5 m so với nền tòa nhà và cao 110 m so mặt nước biển; cầu thang xoáy lên đến đỉnh tháp đèn có đúng 100 bậc gỗ bóng loáng. Dưới chân mũi Điện là bãi Môn yên ả, cát biển trắng phau mịn màng, nước biển trong xanh…

Nơi nóng nhất Việt Nam (2)

Cửa Rào (thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An) là nơi hợp lưu của hai dòng Nậm Nơm và Nậm Mộ, đổ về sông Lam. Vùng đất ngã ba sông này từ lâu vốn tấp nập nhất ở miền tây xứ Nghệ, là điểm đến của các tộc người Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Thái, Tày Hạy,… Nhưng Cửa Rào còn được biết như là điểm đến đầu tiên của gió Lào, của nắng nóng, là nơi được mệnh danh là “lò sấy Đông Dương”.

Nắng nóng ở vùng đất Cửa Rào đã xuất hiện từ xa xưa. Ngày hè, thiên nhiên biến quạt điện thành cái máy sấy tóc.  Để “sống chung với nắng”, người dân ở đây phải làm nhà cửa sát bờ sông, khe suối; đến mùa hè, người già, trẻ em phải luôn ở trong nhà sàn, người lớn thì đi sâu vào trong những căn chòi trong rừng để vừa làm rẫy, vừa tránh nắng,…

Đồi cát thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất (3)

Đồi cát Mũi Né nằm ở khu phố 5, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Đồi cát được hình thành từ rất lâu đời, trải dài trên một diện rộng, có tổng diện tích vào khoảng 60ha. Cát ở đây có nhiều màu, chủ yếu là các màu: vàng, trắng ngà, đỏ sậm, đỏ nhạt…

Điểm độc đáo nhất của đồi cát Mũi Né là sau mỗi đợt gió lớn, hoặc trải qua khoảng thời gian một ngày đêm thì diện mạo của đồi cát lại trở nên mới nguyên, khác hẳn với hình dạng trước đó. Hai cơ chế gió mùa Đông Bắc và Tây Nam ảnh hưởng trực tiếp lên vùng này gây nên hiện tượng biến chuyển không ngừng về diện mạo, hình dáng của đồi cát, qua đó tạo nên những cảnh quan vô cùng độc đáo.

Cây cầu vượt biển dài nhất

Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển lớn nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Qui Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội). Phần chính của cầu dài 2.477,3 m, rộng 14,5 m. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 m. Tính cả phần hệ thống đường gom, cầu dài 6960 m với 5 cầu ngắn. Cầu chịu xe trọng tải 30 tấn và xe bánh xích trọng tải 80 tấn.
Cầu Thị Nại được khởi công vào tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2006.

Nhà hát cổ nhất

Nhà hát lớn Duyệt Thị Đường (Huế) được xây dựng vào giữa năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nay đã 178 năm tuổi. Duyệt Thị Đường là một tòa nhà bằng gỗ, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên hình vuông có tường bao quanh.

Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên sân khấu. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem cảm giác như đang ở ngoài trời.

Nhà Dài dài nhất

Tại buôn Giang Lánh, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc), có một ngôi nhà Dài được coi là dài nhất Tây nguyên. Ngôi nhà được làm năm 2002, dài 85m, rộng 6m; mái lợp bằng cỏ tranh, được người dân đan kết thành từng tấm rất kỳ công và rất đẹp.

Vách thưng bằng những tấm nứa ghép (cây lồ ô dập ra từng miếng rồi phơi khô ghép lại). Sàn nhà được ghép trên 1.020 tấm ván nhỏ, dài 3m, bằng nhau và phẳng. Điều đặc biệt là ở trong ngôi nhà này mùa khô thì mát mà mùa đông lại ấm. Ngôi nhà hiện do hai nghệ nhân là Y Giông (78 tuổi) và H”Vinh (77 tuổi), người dân tộc Ê Đê cai quản. Trong nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ của nền văn hóa Tây nguyên rất có giá trị.

Nhà thờ có sức chứa lớn nhất

Nhà thờ Bảo Lộc (Đà Lạt) là nhà thờ có sức chứa lớn nhất trong các nhà thờ ở Việt Nam hiện nay. nhà thờ có khả năng chứa khoảng 3000 giáo dân.
Theo thiết kế ban đầu để xây dựng nhà thờ Bảo Lộc năm 1993 của kĩ sư Ngô Viết Thụ là phần nhà thờ có diện tích 3600m2, không thể công trình phụ là tháp chuông nằm bên cạnh. Nếu thực sự đúng thiết kế thì nhà thờ Bảo Lộc sẽ là nhà thờ lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng mới chỉ thực hiện được 1/20 thì linh mục Vương Văn Điền qua đời, do đó không có khả năng để tiếp tục.

Đến năm 1997, bản thiết kế được điều chỉnh thu gọn trong diện tích 42m x 42m = 1764m2 và chiều cao chỉ còn 13m thay vì 53m theo thiết kế ban đầu. Phần trần nhà thờ với một mái vòm tròn đường kính 36m, được chia thành 12 cánh ôm lấy vòng trung tâm, bằng chất liệu thạch cao với những nét khắc tinh tế, cũng là một điểm nhấn của công trình nội thất. Trong nhà thờ có bộ tranh kính màu có diện tích 66m2 gồm 33 bức. Đây cũng là bộ tranh kính màu lớn nhất trong số các trang ở các nhà thờ Việt Nam.

Nhà thờ có bộ chuông lớn nhất

Tọa lạc giữa cổng trường Công xã Paris, Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn là ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ và cổ kính được xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880.
Nhà thờ có chiều dài 93m; rộng 35,90m; cao 57m. Tất cả các vật liệu xây dựng như ximăng, gạch, ngói, sắt thép, đinh ốc… đều được đưa từ Pháp sang. Tường gạch mặt ngoài của nhà thờ là loại gạch đặc biệt do kiến trúc sư Bonrard đặt hãng gạch ngói Marseille (Pháp) làm. Loại gạch này không phai sắc mà đến rêu và bụi cũng không thể bám vào được.

Đặc biệt Vương Cung Thánh Bà Sài Gòn có một bộ chuông vĩ đại và quý hiếm gồm 6 quả được chế tạo tại Pháp, được kiến trúc sư Bonrard mang sang Sài Gòn vào tháng 5 năm 1879. Bộ chuông có sức nặng gần 29 tấn (kể cả hệ thống đối trọng), các quả chuông có tên sol, la, si, đô, rê, mi. Bộ chuông này được xem là bộ chuông lớn nhất trong các nhà thờ ở Việt Nam.

Ngôi chùa xưa nhất Việt Nam

Là chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tọa lạc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km, xây vào thế kỷ thứ III ở vùng Luy Lâu (trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất). Nơi đây năm 580, thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) sau khi đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, đến mở đạo tràng, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam. Là một danh lam bậc nhất xứ Kinh Bắc, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Tượng Chúa Giêsu lớn nhất Việt Nạm

Tượng Chúa Giêsu đứng ở độ cao 170m trên đỉnh núi Tao Phùng, thành phố Vũng Tàu hiện là tượng Chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam. Tượng có chiều cao 32m đứng dang tay, mặt hướng ra biển. Chiều dài hai cánh tay là 18,4m. Tượng Chúa được đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Đường lên tượng dài trên 500m với gần 1.000 bậc. Tượng được xây dựng vào năm 1971 và hoàn thành năm 1995.

Cách thức xây dựng tượng phần lớn bằng phương pháp lắp ráp các khối bê tông đúc sẵn. Bên trong tượng có cầu thang xoắn ốc 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng, có thể chứa cả trăm người. Hai bên vai tượng Chúa được thiết kế như hai balcon, mỗi bên đủ chỗ cho nhiều người cùng lúc đứng ngắm cảnh biển khơi, núi đồi. Dưới chân tượng là phòng trưng bày những tranh, ảnh giới thiệu quá trình xây dựng tượng đài khổng lồ này.

Lễ hội dài nhất trong năm

Hội chùa Hương (xã Đục Khê, Mỹ Đức, Hà Tây) kéo dài từ trung tuần tháng giêng đến hạ tuần tháng 3 âm lịch hàng năm.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng với nhiều dãy núi đá ghồ ghề bên những dòng suối uốn lượn mềm mại. Khách đến chùa Hương có nhiều mục đích khác nhau nhưng hầu hết là để thưởng ngoạn vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên và cầu phúc, lành, an, khang.

Công viên đá độc đáo nhất

Khu nghỉ dưỡng Ngọc Châu ra đời tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với một công viên độc đáo có một không hai ở Việt Nam: Công viên đá Ngọc Châu…
Công viên đá rộng khoảng 5ha gồm hàng ngàn viên đá được xếp đặt theo từng chủ đề trong khung cảnh thiên nhiên, xen giữa thảm cỏ xanh, hoa lá, cạnh khu nhà nghỉ đơn sơ, vách gỗ, mái lá bình yên… Mỗi viên đá đều mang dáng vẻ hình người, cây cối hay muông thú: khuôn mặt danh họa Picasso, cô gái đánh đàn, chị Hằng, chú Cuội, trái tim hay đầu chú thỏ ngọc, cây đa, lân mẹ, lân con… Không một viên đá nào phải đục đẽo theo ý muốn con người mà hoàn toàn do thiên nhiên tạo tác, gọt giũa.

Tỉnh có nhiều vườn quốc gia nhất

Đắk Lắk có đến 2 vườn quốc gia: Yok Don và Chư Yang Sin với tổng diện tích 174.812ha cùng nhiều loài thực, động vật phong phú, quý hiếm.

Vườn quốc gia Yok Don tại Buôn Đôn với diện tích 115.545ha, hiện có hơn 500 loài thực vật, 70 loài thú và 200 loài chim cư trú. Đây được coi là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất nước và là khu vực duy nhất tại Việt Nam bảo tồn được hệ sinh thái rừng khộp. Rừng khộp là loại rừng khô, thưa, chủ yếu là cây họ dầu, có đặc trưng rụng lá vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, thảm cỏ và lớp thực bì phát triển mạnh, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho các loài động vật.

Khác với Yok Don, Chư Yang Sin thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang chỉ rộng 59.267 ha, gồm hàng loạt đồi núi dốc bao lấy một khu vực rừng rộng lớn. Đây là vùng được công nhận là trung tâm đặc hữu của các loài chim và loài thực vật ở mức độ toàn cầu; tại đây có 7 trong 8 loài chim đặc hữu, 3 loài và 25 phân loài chim có vùng phân bố toàn cầu giới hạn trong EBA (vùng chim đặc hữu) cao nguyên Đà Lạt. Chư Yang Sin còn là khu vực bảo vệ diện tích rừng rất lớn trên dòng sông Srepốk – nhánh của sông Mê Kông.

NISAVA TRAVEL! – Theo yeudulich——————–

Giải trí thôi, cái nhất này thường thay đổi nhiều tùy thời gian, tùy nhận định của các chuyên gia hay những người am hiểu.. 

1- Một số chứng minh cho thấy là Mũi Đôi ở bán đảo Đầm Môn mới là điểm cực Đông với toạ độ E 109027’899’’ kinh độ – N 12038’941’’ vĩ độ. Đây cũng là sự khẳng định của người Pháp ngày xưa và cả sách giáo khoa VN.

2- Khu vực rừng Quốc gia Núi Chúa cũng được đánh giá là nắng nóng và khô hạn nhất VN.

3- Ở phía tây bắc mũi Dinh, huyện Ninh Phước có những dải cồn cát cao 20–30m bên thoải, bên dốc đứng chạy dài theo chiều dọc nối tiếp nhau trên diện tích khoảng 10km2. Mỗi năm hai lần, những cồn cát này khi thì tiến sâu vào đất liền, khi thì lại lùi dần ra phía biển… đến mức mà người ta gọi nơi đó là cồn cát di động Phước Dinh.

ĐGD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *