Lai Châu là một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông giáp tỉnh Lào Cai, phía Đông Nam giáp tỉnh Yên Bái, và phía nam giáp tỉnh Sơn La.
< Ruộng bậc thang Lai Châu.
Đồng bào Lai Châu gồm những sắc dân Mèo, Tày, Mường, Pù Ná, Xá, Hu Ni, Yao, Lào…; nhưng đông nhất là sắc dân Thái ở hai khu vực: Người Thái trắng ở vùng thượng lưu sông Đà, chịu nhiều ảnh hưởng tập quán Trung Hoa; Người Thái đen ở vùng hạ lưu sông Đà, vẫn giữ nguyên phong tục đặc thù của sắc tộc mình, đặc biệt là họ có điệu vũ Xòe rất đẹp.
Tỉnh có 261,2km đường biên giới Việt – Trung, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt – Trung trực tiếp giao lưu với vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc.
Được gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thuỷ sông Đà, có tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch. Đồng thời cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mà trực tiếp là các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng.
Lai Châu có khí hậu gió mùa chí tuyến. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21ºC-23ºC chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô.
< Động Tiên Sơn.
Địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông suối. Sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thuỷ điện rất lớn.
Thủy lộ chính của Lai Châu là sông Đà, phát nguyên từ núi rừng Vân Nam, chảy qua Lai Châu rồi đổ xuống Sơn La. Chi lưu phía tả ngạn là sông Nậm Na, hữu ngạn là sông Nậm Nhía. Tỉnh có trên 3.000 sông suối lớn nhỏ, sông thường dốc và chảy từ nhiều ghềnh thác. Lai Châu còn có những suối nước nóng ở Ngọc Chén, Bản Ni, Bản Ni Hà.
Khí hậu thung lũng Lai Châu rất ẩm và nóng vào mùa Hè, tương đối tốt ở vùng cao nguyên nhưng rất lạnh trên vùng núi cao vào mùa Đông.
< Mục đồng- bản Là Hum – Tam Đường – Lai Châu.
Lai Châu có 1 thị xã và 5 huyện: Thị xã Lai Châu mới, đặt tại thị trấn Tam Đường cũ (trước nữa được gọi là thị trấn Phong Thổ), Huyện Mường Tè, Huyện Phong Thổ, Huyện Sìn Hồ, Huyện Tam Đường, Huyện Than Uyên (trước kia thuộc tỉnh Lào Cai).
Lai Châu là tỉnh miền núi cao được cấu tạo bởi những dãi núi chạy dài theo hướng Tây Bắc -Đông Nam nên tạo cho vùng đất này nhiều hang động kỳ thú, lại có nhiều suối khoáng nóng, thác nước ẩn bên trong các khu rừng rộng lớn, là tiềm năng thu hút du khách khám phá cuộc sống thiên nhiên hoang dã hay du lịch mạo hiểm.
Đến với Lai Châu du khách sẽ có cơ hội chụp ảnh bên tấm bia đá chữ Nôm, ghi dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn hồi thế kỷ 15, nơi Lê Lợi khẳng định chủ quyền cương vực nước ta hay dinh thự Đèo Văn Long một trong các di tích mang đậm dấu ấn vùng Tây bắc.
< Phong tục tắm suối của phụ nữ dân tộc Lự (Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: H.C.H).
Lai Châu có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, giàu tiềm năng du lịch. Nơi đây còn có những bản làng dân tộc với nhiều phong tục tập quán vẫn nguyên sơ như bản Sìn Hồ. Các thắng cảnh của tỉnh là suối Mường Lai, hang Tiên Sơn…
Đến Lai Châu, bạn có thể đi tham quan một số nơi như:
Động tiên sơn – Nằm kề đường 4D — con đường nối liền Thị xã Lào Cai, Sa Pa, Thị xã Lai Châu với Điện Biên Phủ. Khu vực động có cảnh đẹp hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh Phan Xi Păng nổi tiếng quanh năm ẩn hiện trong mây trắng, hợp cảnh cùng dòng Nậm Giê uốn lượn quanh co luẩn khuất trong những dãy núi. Động thuộc địa phận xã Bình Lư, huyện Tam Đường cách Sa Pa 50 Km. Động có tên xưa gọi là động Đán Đón, hiểu theo nghĩa phổ thông là động Đá Trắng, ngày nay người ta thường gọi là động Tiên Sơn hoặc động Bình Lư.
Động gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng vào sâu các cung càng lớn. Trong Động có nhiều thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, mầu sắc huyền ảo. Nét đặc trưng là lòng Động có dòng suối trong vắt chảy qua, luồn lách qua các cung động suốt bốn mùa. Tạo cho người xem cảm giác thú vị xen lẫn ngỡ ngàng.
Sìn hồ – Cách thị xã Lai Châu khoảng 40km theo đường 4D. Đây là bản gồm nhiều dân tộc khác nhau cư trú, thường có phiên chợ đầy màu sắc họp vào chủ nhật mỗi tuần.
Sìn Hồ là một bản gồm nhiều dân tộc khác nhau cùng cư trú. Tại bản Sìn Hồ có phiên chợ họp vào các ngày chủ nhật trong tuần. Nếu đúng dịp, du khách được chiêm ngưỡng một bức tranh đầy sắc màu trong phiên chợ của người dân vùng núi cao.
Đến với Sìn Hồ du khách sẽ được giao lưu với những cô gái duyên dáng và các chàng trai khỏe khoắn, rực rỡ trong các trang phục nhiều mầu sắc với những nét văn hóa tinh tế, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười đằm thắm; đến với những ngày lễ hội, ngày vui, ngất ngây, đắm say trong lời hát đối giao duyên và men rượu nồng say bên bếp lửa…
Một địa danh nổi tiếng cách Lai Châu không xa là Điện Biên Phủ, nơi đã xảy ra cuộc chiến giữa quân Việt Minh và thực dân Pháp, kết thúc vào tháng 5 năm 1954 đưa tới Hiệp định Gene`ve chia cắt đất nước làm hai. Ngoài ra, Lai Châu có những thắng cảnh đẹp như động Quang Yun Ngai và Bản Choan Choan trên cao nguyên Mao Xao Phing, cũng là một trung tâm du lịch sơn cước sẽ được khai thác và khuếch trương sau này.
Khám phá Lai Châu là khám phá vùng đất với những điệu xoè Phong Thổ ngây ngất trong những đêm hội miền Tây bắc, là những sắc thái rất riêng rất đa dạng đầy bản sắc.
Theo Chudu24, ảnh internet