(TNO) – Ở vùng đất có mức độ “ô nhiễm bom mìn” cao bậc nhất cả nước như Quảng Trị lại có hẳn một tour du lịch đưa khách tiếp cận với những thứ vũ khí chết người.
< Các du khách trẻ tuổi tập trung nghe cán bộ đội rà phá bom mìn lưu động 3 cung cấp một số thông tin và quy tắc chung về hoạt động rà phá bom mìn.
Không phải ai cũng biết đến loại hình du lịch mới và lạ này. Nhiều cư dân Quảng Trị, vốn được những kẻ thích đùa gán cho cái danh rất ngầu là “dân cưa bom” cũng lắc đầu khi được hỏi. Nhưng quả thật, đây không phải là cuộc chơi ngẫu hứng mà tour đã hoạt động hơn 2 năm, đón đưa 76 đoàn du khách, chủ yếu là người nước ngoài ra tận hiện trường hủy nổ.
< Tuổi đời các du khách còn rất trẻ, từ 18 đến 30 tuổi, đến từ nhiều quốc gia: Mỹ, Anh, Na Uy… Họ chủ yếu là sinh viên tranh thủ đi nghỉ hè.
Chính Tổ chức Renew Quảng Trị với sự tài trợ của Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy và Vietnam backpackers hostels (Ký túc xá “tây ba lô” Việt Nam) đã gầy dựng nên loại hình du lịch có một không hai này.
Đến để hiểu…
Liên hệ công tác với anh Nguyễn Thanh Phú, cán bộ của Renew Quảng Trị, tôi khá ngạc nhiên khi ngoài việc yêu cầu tôi cung cấp tên tuổi, đơn vị, số CMND trước đó một ngày thì vào hôm sau anh còn muốn tôi điền cả phần nhóm máu vào trong tờ khai. “Đối với du khách, chúng tôi còn yêu cầu họ phải cung cấp đầy đủ tên tuổi, quốc tịch, hộ chiếu, nhóm máu… trước cả tuần.
Đi du lịch liên quan đến bom mìn nên mọi thứ phải thật cẩn trọng cũng là tất yếu thôi mà. Ra hiện trường, nhiều quy định thậm chí còn khắt khe hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, anh Phú giải thích khi nhác thấy đôi mắt đầy thắc mắc của tôi.
Khoảng đầu buổi chiều, một chiếc xe du lịch đến đón tôi và anh Phú tại Trung tâm trưng bày và khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị để cùng di chuyển lên thôn Vĩnh An (xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ; hiện trường hủy nổ mìn hôm đó). Trên xe có chừng 15 bạn trẻ người nước ngoài. Họ không phải là một nhóm bạn thân đi chung mà cũng chỉ là “dân góp” với đa quốc tịch: Anh, Mỹ, Na Uy, Hà Lan…
Anh Thomas Stone, trưởng đoàn đồng thời cũng là người có công lớn trong việc mở ra tour du lịch thú vị này cho hay: “Cũng như 75 chuyến trước, du khách đều còn rất trẻ (từ 18 đến 30 tuổi), chủ yếu là học sinh, sinh viên đang tranh thủ kỳ nghỉ hè để đi du lịch. Họ may lắm thì biết chút ít về chiến tranh Việt Nam qua sách vở. Còn về bom mìn thì chắc xem trên… truyền hình!”.
< Phần hủy nổ mìn tất nhiên là phần thú vị bậc nhất của chuyến đi. Các bạn trẻ này đã được di chuyển cách xa bãi nổ khoảng 300 m và tại đây họ đã không bỏ qua cơ hội ghi lại hình ảnh “vụ nổ” tại Quảng Trị, Việt Nam.
Thomas Stone đã sống ở Việt Nam hơn 5 năm và từng có thời gian làm việc ở vườn Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình). Anh cho biết, sở dĩ anh nỗ lực kết nối để có điểm dừng “du lịch bom mìn” tại Quảng Trị trong cả quá trình đưa các “vị khách” của mình khám phá Việt Nam là bởi: “Giống như tôi trước đây, những bạn trẻ này đều mơ hồ về chiến tranh, họ rất muốn tìm hiểu. Tôi dẫn họ đến đây để thấy rằng, sau 40 năm trôi qua, hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiện hữu tại những làng quê Quảng Trị, ngay trong khu vực người dân sinh sống. Đó là cách đơn giản và nhanh nhất để họ hiểu một phần của chiến tranh và nỗi đau hậu chiến”.
Xe dừng lại cuối một con đường đất đỏ, bao quanh là cả bãi đất cằn hoang vắng nhưng không quá xa khu dân cư. Ông Lê Xuân Tùng, Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn lưu động 3 (EOD 3, Renew Quảng Trị) cùng các nhân viên của mình đã đợi sẵn để đón đoàn.
Sau khi cung cấp các thông tin cơ bản về công tác rà phá và quy trình hủy nổ bom mìn nói chung, ông Tùng thông báo trong sáng cùng ngày đội đã tìm ra trong khu vực này 3 quả đạn cối HE, 2 quả đạn 40 mm đều do quân đội Mỹ sản xuất.
< Giữa thời bình, những vụ hủy nổ bom mìn như thế này mang lại cảm xúc mạnh cho người chứng kiến.
“Chúng tôi sẽ cho hủy nổ 5 vật liệu nổ này tại đây. Hố, bao cát, thuốc nổ, dây dẫn chúng tôi đã chuẩn bị sẵn ở đằng kia. Các bạn có 10 phút để ra hiện trường quan sát theo hướng dẫn của chúng tôi trước khi lùi lại để việc hủy nổ được an toàn”, ông Tùng nói.
Dù lần đầu đi trên những bờ đất mấp mô ở Quảng Trị, nhưng nhóm bạn trẻ ngoại quốc lộ vẻ háo hức thấy rõ. Thấy những quả bom dưới hố, ai cũng trầm trồ, chụp ảnh lia lịa…
10 phút đã xong, tất cả mọi người di chuyển ra cách bãi nổ chừng 300 m để quan sát phần “hấp dẫn” nhất. Liam O’connell, một anh chàng 21 tuổi đến từ nước Anh là người “may mắn” khi được lãnh trọng trách nhấn nút hủy nổ. Tất cả các con mắt và máy ảnh đều đã… sẵn sàng. “BÙM”, tiếng nổ xé trời vang lên và khói bụi tung mù mịt chỉ vài giây sau đó. “Thật khó có thể diễn tả được cảm giác của tôi lúc này. Tôi khá sốc vì trải nghiệm này…”, Liam O’connell chia sẻ.
< Các bạn trẻ tò mò tìm hiểu những mảnh đạn còn sót lại sau vụ nổ.
Tất nhiên, những bạn trẻ này sẽ không bỏ lỡ cơ hội để chụp ảnh, quay phim lại và lần lượt tung lên Facebook, Twitter, YouTube… về “vụ nổ” ở Quảng Trị, VN. Chưa hết, các vị khách còn có quyền được sở hữu thêm “chiến lợi phẩm” là những mảnh vỏ của quả đạn, sau khi đã hủy nổ. Rõ ràng đó là “hàng độc” từ VN khi họ mang về nước.
Và quay lại để sẻ chia
Thomas Stone nói với tôi rằng một phần lợi nhuận của tour du lịch này sẽ được “quay vòng” giúp đỡ lại chính những nạn nhân hậu chiến ở Quảng Trị bằng cách trích tiền mặt hoặc bằng các tặng phẩm cụ thể. “Đối với các vị khách của mình, tôi cũng luôn gợi mở, khuyến khích họ ủng hộ những nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc màu da cam… Dù có thể là rất nhỏ, nhưng chẳng có sự đóng góp nào với mục đích này là vô ích hoặc lãng phí cả”, Thomas nói. Cũng theo Thomas, hiện nay mỗi tuần anh tổ chức 2 đoàn “du lịch bom mìn” và số du khách muốn tham gia tour này đang tăng lên đáng kể và anh hy vọng các khoản đóng góp cũng theo đó mà lớn dần.
< Bạn trẻ này quyết định đưa một mảnh đạn sót lại sau vụ nổ về nước làm kỷ niệm.
Đối với anh Phú, người có mặt trong hầu hết 76 lần đưa du khách ra bãi nổ, điều làm anh tâm đắc nhất chính là sự chuyển biến cảm xúc của du khách trước và sau khi được tiếp cận với bom mìn. “Bình thường, ai cũng phải mất một thời gian để chiêm nghiệm sau vụ nổ. Nhưng sẽ không dễ dàng nếu du khách là hậu bối của cựu binh Mỹ hoặc của quân đội Sài Gòn. Chúng tôi đã cho họ xem sự khủng khiếp của bom đạn nhưng không phải để ai đó mặc cảm mà là để thôi thúc trong họ khát vọng được hàn gắn, cổ vũ cho hòa bình và sẻ chia với các nạn nhân”, anh Phú nói đầy triết lý.
Còn những câu chuyện của anh Ngô Xuân Hiền, Quản lý truyền thông và phát triển dự án Renew Quảng Trị thậm chí còn đưa tôi đến những điều tốt đẹp hơn. Đó là chuyện một ông bác sĩ người Ireland tên Aidan Ryan, quá xúc động sau khi tham gia tour “du lịch bom mìn” vào tháng 3.2014, sau khi về nước ông đã thông báo lại với Renew sẽ tổ chức một sự kiện đạp xe ở TP.Dublin (Ireland) để gây quỹ giúp nạn nhân bom mìn Quảng Trị vào ngày 9.8.2014 tới đây. Hay chuyện về chàng diễn viên Việt kiều Triều Trần (hiện đang sống ở Los Angeles, Mỹ) đã gửi tặng 600 USD cho một cặp vợ chồng là nạn nhân chất độc màu da cam tại xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ) xây nhà, sau khi được các hướng dẫn viên đưa đến ghé thăm nhà họ vào tháng 4 vừa rồi.
< Ngoài việc đi ra hiện trường, khách du lịch còn được tham quan trung tâm trưng bày và khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị.
Đang say sưa chuyện trò cùng anh Hiền và Phú thì thoáng thấy Thomas và các vị khách của anh đang lặng lẽ nhét những khoản tiền ủng hộ nạn nhân bom mìn vào thùng quỹ của Trung tâm trưng bày và khắc phục hậu quả bom mìn Quảng Trị. Cả ba chúng tôi cùng nhìn nhau, không ai nói ra, nhưng ai cũng hy vọng, biết đâu đấy, mai này trong số họ sẽ là những Aidan Ryan, Triều Trần…
Theo Renew, Quảng Trị là địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất cả nước với 3.866 km2 đất bị ô nhiễm (tương đương 83% tổng diện tích tự nhiên, trong khi tỷ lệ này bình quân cả nước chỉ là 21%). Trong thời kỳ từ 1975 đến 2010, có 7.035 người trở thành nạn nhân bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị với hơn 31% là trẻ em.
Theo Nguyễn Phúc (Báo Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!