(QNĐT) – Đình làng An Hải (Hải Yến, Bình Yến, Lý Hải) tọa lạc tại thôn Đông, xã An Hải huyện Lý Sơn, cách trung tâm huyện đảo chừng 3 cây số.

< Đình làng An Hải.

Theo lời kể của các bậc cao niên, đình làng được xây dựng lần đầu vào năm Gia Long thứ 14 (Ất Hợi – 1815) bằng nguyên liệu tre, tranh, gỗ tại địa phương và được dân làng gọi là “Sở Tam phủ”. Sở Tam phủ thờ Thiên Địa, Thánh Thần, Tam Hoàng, Ngũ Đế,  7 vị Tiền hiền, và 24 vị Hậu hiền làng An Hải.

Năm Minh mạng nguyên niên (Canh Thìn – 1820), đình An Hải được xây dựng quy mô, bề thế, gồm cả tiền đường và chính điện theo kiểu kiến trúc hình chữ nhị (二) khá quen thuộc của các đình làng miền Trung  lúc bấy giờ. Một thời gian sau đó, dọc theo bờ biển, bên tả và bên hữu đình làng, nhiều công trình thờ tự khác dần dần được dựng lên: Chùa Bà, chùa Ông, Nghĩa tự (Âm Linh tự), miếu Thành Hoàng, đền thờ Tiên công, miếu Quỷ, lăng thờ Cá Ông…

Từ năm 1820 đến nay, đình làng An Hải trải qua nhiều đợt tu bổ và xây thêm công trình, vào các năm 1926 (tu bổ), 1938 (xây mới hậu tẩm), 1943 (xây mới chính điện và tiền đường), 1999 (đại tu chính điện và tiền đường), 2007 (đại tu hậu tẩm). Về cơ bản, kiến trúc hiện nay của đình An Hải định hình trong lần trùng tu năm Bảo Đại thứ 18 (Nhâm Thân – 1943), song trong những lần sửa chữa, trùng tu về sau, một số chi tiết kiến trúc đã có sự thay đổi, hoặc mất hẳn.
NISAVA
Đình làng quay mặt ra biển, theo hướng đông nam, sau lưng là ngọn núi Thới Lới, kết cấu hình chữ tam (三 ) gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm (đình hạ, đình trung và đình thượng) bố trí trên trục đông nam – tây bắc. Phía trước đình có 2 trụ biểu, cao quá đầu người, trên đỉnh mỗi trụ đặt 1 con nghê, ánh mắt nhìn ra khơi xa. Bình phong đắp nổi hình con nghê (mặt ngoài) và long mã (mặt trong), họa tiết đơn giản nhưng đường nét tạo hình mạnh mẽ, sinh động.

< Nhà thờ tiền hiền làng An Hải.

Từ trụ biểu, bình phong đi qua khoảng sân rộng thì đến tiền đường. Đây là ngôi nhà có diện tích chừng hơn 100m2, chia làm 3 gian 2 chái, mái sau liền kề với mái nhà chính điện ở phía trong. Tiền đường có lối kiến trúc kiểu xuyên trính, đài lương (còn gọi là nhà đâm trính , nhà chày cối, nhà rường …). Nền nhà có chiều rộng 23 thước ta, chiều dài 32 thước, cao 1 thước so với mặt đất.

Bộ phận chịu lực chủ yếu gồm 18 cột (8 cột cái và 10 cột con) cùng các liên kết xuyên trính. Tám cột cái (bát trụ) làm điểm tựa chủ lực ghép nối với hệ thống kèo thành 4 bộ vì. Các cột hàng nhất, hàng nhì và cột hàng ba trong cùng một vì nối với nhau ở đầu cột bằng thanh  kèo cái đặt nằm nghiêng theo chiều dốc của mái.
NISAVA
Kèo cái gồm nhiều thanh liên kết nhau từ cột cái ra cột nhì, cột ba, theo kiểu kèo chồng, để đuôi kèo dưới đặt lên đầu kèo trên, gọi là kèo đoạn (kèo vỏ đậu). Hai bên mặt kèo có kẽ rãnh chỉ theo các cạnh, đầu kèo đưa ra ngoài chạm hình hoa lá. Ở cột cái đầu hồi, giữa lưng chừng là chỗ liên kết kèo nóc và kèo quyết (kèo xó) dùng để đỡ hai mái thấp xoè ra hai bên của chái nhà. Kỹ thuật xẻ rãnh cho phép xuyên thanh kèo qua đầu cột, cố định bằng các ngàm (miệng cột), lèn chặt bằng các xà gồ phía trên.

Trính và xuyên tạo thành hệ thống liên kết khung nhà theo hai chiều ngang dọc, sử dụng kỹ thuật đâm mộng qua  đầu cột có khóa chốt. Phía trên thanh trính, tại trung điểm có một khuôn gỗ làm đòn kê gọi là “cối” (đầu kê). Dựng trên miệng cối là “trổng” (trụ) có hình dáng chày giã gạo. Đầu trên trổng kết nối với đỉnh bằng thanh gỗ dang ngang gọi là “ấp quả”. Tất cả bộ phận cối, trổng và ấp quả như một người ngồi xếp bằng trên bệ (cối) đưa hai tay đỡ hai chiếc kèo trên cùng (kèo mái).

Vách trước nhà tiền đường là 3 gian cửa bàn khoa “thượng song, hạ bản” gồm một gian chính và 2 gian phụ, ngạch cửa tương đối cao, khiến người ra vào phải dừng lại trước khi nhấc chân bước qua. Trước đây, mỗi gian cửa có một đôi “mắt cửa” trang trí hình hoa cúc. Hiện nay, các gian cửa bàn khoa đã bị hư hỏng và được thay bằng 3 gian cửa ghép đai bản cổ điển và không có mắt cửa.
NISAVA
Hiên nhà tiền đường có 6 hàng cột đối xứng xây bằng gạch. Bốn cột trong hình trụ tròn, hai cột chái hiên hình trụ vuông. Hai cột giữa đắp rồng cuốn; hai cột đối xứng tiếp theo đắp nổi hai câu đối chữ Hán. Dưới chân hai cột đầu chái có đôi con nghê đắp bằng tam hợp chất, lỏi gạch, ngoài ghép mảnh sứ , quay đầu vào nhau, tai vểnh, mắt lồi, lông bờm dựng đứng.

< Nghĩa Tự.

Nhà tiền đường lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí “lưỡng long hồi đầu”, trung điểm là mặt trời – cầu lửa, đầu hồi đắp nổi long phù. Bờ quyết trang trí “hạ long, thượng phụng”, đầu bờ quyết trang trí “lý ngư hóa long”.

Bên trong tiền đường đặt bàn thờ cô hồn, kiệu rước thần chủ, chiêng, trống, hương án. Trong những dịp tế lễ, tiền đường là nơi những người hành lễ chỉnh đốn y phục, chuẩn bị lễ vật trước khi dâng cúng ở chính điện.

Chính điện tiếp sau tiền đường, nối với tiền đường bằng hệ thống máng đưa nước mưa từ mái sau tiền đường và mái trước chánh điện đổ sang 2 bên. Tiền đường là ngôi nhà lợp ngói âm dương, một gian hai chái, tường gạch trát tam hợp chất. Hai đầu vách chừa hai cửa vòm vừa để ra vào vừa có chức năng đưa ánh sáng từ bên ngoài vào nội thất và thông khí.

Bộ khung ngôi nhà chánh điện có 16 cột, chia thành 4 hàng, mỗi hàng 4 cột; 2 hàng giữa là khung đỡ kèo, 2 hàng bên là cột hiên. Các bộ vì chịu lực chia không gian ngôi nhà thành một gian, hai chái. Trính vừa liên kết các hàng cột theo chiều ngang, vừa đỡ hệ thống kè thông qua các trụ “chày cối”, đầu choãi cánh dơi. Trang trí đỉnh bờ mái chánh điện không khác mấy so với tiền đường với các mô típ: song long hồi đầu, phụng vũ, long giáng, lý ngư…

< Miếu Thành hoàng.
NISAVA
Nội thất chính điện thiết đặt bàn thờ Tam hoàng Ngũ đế, Ngũ vị tiên nương, Chúa Ngung man nương, tiền hiền, hậu hiền.

Hậu tẩm nằm ở phía trong cùng của ngôi đình. Đây là gian nhà được xây bằng tam hợp chất, hai bên vách hông có trổ cửa nhỏ để ra vào. Mái hậu tẩm cắt chồng cổ diêm, tạo không gian thông thoáng, nuôi dưỡng luồng sinh khí chạy dọc nội thất ngôi đình, từ tiền đường vào chính điện đến hậm tẩm. Bốn mặt cổ diêm đắp nổi trang trí hoa lá, chim muông. Nóc hậu tẩm trang trí lưỡng long cuộn hồ lô, bốn góc mái trang trí đắp nổi “thượng phụng, hạ long”. Hậu tẩm thiết đặt bàn thờ Thiên Y A Na.

Đình làng An Hải là trung tâm của hệ thống dinh, đình, miếu, tự chạy dọc bờ biển vùng cực đông đảo Lý Sơn. Phía nam đình làng là Nghĩa tự (Âm linh tự), nơi thờ phụng các vong linh oan hồn, cô hồn. Đã thành tập tục, trước mỗi chuyến đi biển, ngư dân làng An Hải sắm sanh đèn hương, hoa quả đến đây để xin thánh thần, người khuất mặt phù trợ cho chuyến  ra khơi an toàn. Đến khi trở về lại mang phẩm vật đến làm lễ tạ (hoàn nguyện) kính cẩn, chân thành. Tiếp giáp đình làng về phía bắc lần lượt là nhà thờ Tiền hiền, miếu Thành hoàng, đền thờ Tiên công…

Đình làng An Hải là trung tâm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng cư dân làng An Hải ngày trước, xã An Hải ngày nay. Theo định lệ cổ truyền, hàng năm tại đình làng diễn ra nhiều sinh hoạt lễ hội như: Lễ trồng đu, lên phướn (24 tháng chạp âm lịch), lễ rước thần đầu năm (mùng 1 tết), lễ rằm Thượng Nguyên (14/1), lễ Động thổ (mùng 3 tết), lễ Cầu an (tế xuân – tháng 2), giỗ Tiền hiền (20/2), lễ tết Đoan dương (2/5), lễ rằm Trung nguyên (14/7), lễ tạ Kỳ yên (tế Thu; tháng 8), lễ rằm Hạ nguyên (14/10), lễ tế Thanh minh và tế lính Hoàng Sa (rằm tháng 3)…
NISAVA
Cùng với tế lễ là sinh hoạt hội hè, thu hút đông đảo dân làng và khách thập phương:  Hội đua thuyền chơi xuân (Cạnh độ du xuân, mùng 4 đến mùng 7 âm lịch), hội đô vật (mùng 3, mùng 5 và mùng 7), hội chơi đu (mùng 1 đến rằm tháng giêng), hội cướp bòng (mùng 7 tết)…

Đình làng An Hải là ngôi đình duy nhất còn tương đối nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Di tích đình làng An Hải được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 985 – QĐ/VH ngày 7/5/1997.
                                         
Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *