(TTO) – Chỉ là những món ăn qua bữa trong những năm tháng mất mùa, theo năm tháng, cùng những gánh hàng rong vào phố, bánh sắn đập giờ lại thành đặc sản ẩm thực nổi tiếng xứ Quảng.

< Bánh sắn đập kết hợp hài hòa những sản vật “cây nhà, lá vườn”.

Từ lâu, sắn (khoai mì) đã là loại “lương thực” gắn bó với người dân Việt. Không chỉ để ăn qua bữa trong những năm tháng mất mùa, hạn hán mà với người Quảng Nam, ăn sắn còn là cái thú riêng. Nào sắn luộc, bánh sắn, phở sắn, xôi sắn… rồi cả mẹt bánh sắn đập nóng hổi mà cứ vài ba bữa các bà, các má lại chế biến để làm đẹp lòng con, cháu. Mới nhìn thoáng qua, bánh sắn đập đã trông thật hấp dẫn với những sợi dừa, những hạt đậu li ti rải đều trên bề mặt.

< Làm bánh sắn đập phải chọn loại sắn dẻo ít tinh bột.

Đưa vào miệng cắn nhẹ một miếng thôi mà như tận hưởng cả mùi thơm đặc trưng của hương đồng cỏ nội, vị bùi bùi của sắn, ngọt ngào béo nhẹ của dừa, của đậu phộng. Quả thật có thưởng thức những lát bánh sắn, người ta mới hiểu thêm cái ngon, cái riêng của món quà quê dân dã này cùng nỗi vất vả, nặng nhọc của những người bán bánh.

Làm bánh sắn đập phải chọn loại sắn dẻo. Người có kinh nghiệm biết tìm loại sắn ít tinh bột, mới được đào ngoài rẫy về. Sau đó ngồi tỉ mẩn lột vỏ và rửa sạch, cắt đoạn vừa, để ráo.

Cũng như nhiều món ăn khác ở xứ Quảng, dựa theo cách chế biến mà thành tên gọi, như bánh  lăn lúc gần thành phẩm phải lăn bột, bánh chập dùng hai thứ bánh chập vào nhau…


< Bánh sắn đập có cái ngon đặc trưng riêng của nó khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi.

Với sắn đập phải dùng chày gỗ đập sao cho củ sắn dẹp ra. Xếp thứ tự từng củ sắn dẹp vào xửng hấp cách thủy, rải lên trên sắn một ít dừa tươi nạo thành sợi trước khi hấp. Bánh hấp xong cho thêm một ít đậu phộng đã giã nhỏ với muối, đường.

Bánh sắn đập ăn lúc nóng hay khi để nguội đều ngon. Bởi lúc nóng có cái ngon đặc trưng riêng của nó, đó là các hương vị cùng hòa quyện lan tỏa nơi đầu lưỡi. Ăn khi nguội khiến người thưởng thức có cảm giác lai rai tận hưởng từng hương ngọt, bùi, mặn, béo…

Chỉ là thứ bánh kết hợp hài hòa những sản vật “cây nhà, lá vườn” nhưng dần dần về sau bánh tráng đập lại trở thành một sản phẩm văn hóa ẩm thực xứ Quảng, thường xuất hiện trong các  ngày lễ hội.

< Chỉ cần đi lang thang trong các khu phố, bên cạnh các dãy hàng quán với những đặc sản cao lầu, bánh bao – bánh vạc, hoành thánh, chè bắp, mì Quảng… bạn sẽ dễ dàng tìm thấy góc hàng bán bánh sắn đập.

Đặc biệt, ngày nay bánh sắn đập theo đôi quang gánh các chị, các má miệt vườn vào phố thị. Và quả không có gì phải ngạc nhiên khi tại Hội An hay TP Tam Kỳ chiếc bánh sắn đập mộc mạc, rất bình dân lại hiện hữu qua mỗi sớm mai, mỗi chiều tà và trở thành món quà vặt hấp dẫn nhiều khách thập phương. Chỉ cần đi lang thang trong các khu phố, bên cạnh các dãy hàng quán với những đặc sản cao lầu, bánh bao – bánh vạc, hoành thánh, chè bắp, mì Quảng… bạn sẽ dễ dàng tìm thấy góc hàng bán bánh sắn đập.

Không lời chào, lời mời mọc vồn vã nhưng người đến rồi đi vẫn nhận ra niềm mong đợi một tiếng gọi, đợi một lần lữ khách ghé thăm để thưởng thức đôi lát bánh sắn miệt vườn xứ Quảng – một món quà thơm thảo và lạ miệng…

Theo Thanh Ly (Báo Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *