Đêm rừng già buông xuống là lúc bếp lửa cháy bừng lên, và đó cũng là lúc người ta ngồi lại gần nhau hơn. Thời khắc này, Damb’ri lung linh những huyền thoại. Già làng Châu Mạ kể cho người đời sau nghe chuyện chàng K’dam và nàng H’bri đem lòng yêu thương nhau nhưng không được người làng hai bên chấp thuận. Chàng ra đi và nàng ngày đêm chờ đợi trong thương nhớ. Nước mắt nàng chảy mãi, chảy mãi thành dòng thác và tiếng khóc của nàng là tiếng núi rừng thở than. Thác nước Damb’ri (Dambri) được tạo thành bởi một câu chuyện tình diễm lệ và Damb’ri có nghĩa là đợi chờ. Đó là cách giải thích cho tên gọi của dòng thác hùng vĩ vào bậc nhất Nam Tây nguyên.
Dãy lụa trắng huyền ảo giữa rừng già đã chính thức có tên trên bản đồ du lịch vào đầu thập niên 90 sau hơn 2 năm xây dựng, và con đường từ trung tâm thị xã Bảo Lộc đến khu du lịch Damb’ri trở nên ngắn lại khi du khách đến đây nhiều hơn.
Thiên nhiên đã ban tặng một báu vật và con người đã khéo léo khai thác Damb’ri với ý thức phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng môi trường tự nhiên và cộng đồng. Khách dạo quanh khu vực hồ nước bằng xe đạp đôi trên những con đường uốn lượn giữa núi rừng hay thong thả lướt trên mặt hồ đều có cảm giác an toàn, sạch đẹp giữa màu xanh thiên nhiên; hay đi trên những con đường nhỏ lẫn khuất đâu đó dưới bóng cây rừng, những chiếc cầu gỗ, nhịp cầu treo, chênh vênh vượt qua những con suối nhỏ… hay ngồi trên cáp treo nối Damb’ri với Dasara, một dòng thác còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ giữa rừng già.
var AdBrite_Title_Color = ‘000000’; var AdBrite_Text_Color = ‘000000’; var AdBrite_Background_Color = ‘C3D9FF’; var AdBrite_Border_Color = ‘003366’; var AdBrite_URL_Color = ‘333333’;
< Đan gùi.
Dòng thác Damb’ri vẫn đêm ngày đổ xuống tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Damb’ri còn hấp dẫn bởi khu rừng già nguyên sinh rộng hàng trăm ha được mở cửa cho khách tham quan.
Nam Tây nguyên có một quần thể sinh học đa dạng của rừng già nhiệt đới, với những loài động thực vật phong phú, đích ngắm của những nhà nghiên cứu khoa học.
< Cầu chữ Y.
Ngược dòng chảy của thác nước về phía đầu nguồn là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trầm mặc giữa mùi hương của cỏ hoa, giữa tia nắng xuyên cành lặng lẽ; những khối đá được bào mòn theo thời gian và dòng chảy miệt mài đang nghiêng mình suy tưởng… Đời sống và những tập tục của người Châu Mạ được gìn giữ nguyên vẹn để du khách có thể cảm nhận đầy đủ hơi thở nồng nàn và sức sống cường tráng của núi rừng Nam Tây nguyên. Damb’ri được công nhận là khu du lịch có khả năng đón tiếp cùng lúc 1.000 người cắm trại, ngủ lều với những tiện nghi và cách phục vụ chuyên nghiệp.
Du khách tìm đến Damb’ri, dùng dằng ở lại, để rồi sau đó lưu luyến ra về với sự hài lòng. Tính chuyên nghiệp thể hiện từ nụ cười thân thiện đến ý thức gìn giữ môi trường thiên nhiên, tôn trọng bản sắc văn hóa bản địa, những cô gái xinh đẹp người Châu Mạ phục vụ bửa ăn với món cơm lam của núi rừng.
Cái tên Damb’ri được tô đậm giữa màu xanh trùng điệp của đại ngàn, địa chỉ này đã và đang tạo được một lực hấp dẫn du khách khi đến với Tây nguyên. Cao nguyên Bảo Lộc ngoài những đồi trà, nương dâu và sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Châu Mạ đã có thêm một Damb’ri đang chuyển mình. Từ huyền thoại đợi chờ thủy chung của một thiên tình sử, từ sự gắn bó, giao hòa giữa rừng và nước, Damb’ri đang dựng nên một huyền thoại mới, ánh lửa trại và lời ru miên man của đại ngàn sẽ làm bạn nhớ mãi Damb’ri; ánh mắt lưu luyến của nàng H’bri và nụ cười màu xanh của Tâm Châu sẽ làm nên một kỷ niệm khó quên trong chuyến hành trình tìm đến với huyền thoại Damb’ri.
NISAVA TRAVEL! – Theo Datmui online