Phần 2 bài “Chuyến du lịch Nha Trang – Đà lạt 5 ngày“.
Một ngày tại Nha Trang qua khá nhanh. 7 giờ sáng ngày 30.6.2010, cả đoàn tập trung dưới sân khách sạn để dùng điểm tâm sáng bằng món bánh canh heo, bánh canh cua.
Tôi và bà xã dậy sớm lắm, mãi từ 4 giờ nên dư dã thời gian soạn đồ vào túi, bách bộ dài theo mé biển đường Trần Phú, nhấm nháp ly cà đầu ngày… nên bây giờ khá thoải mái. 8 giờ, cả đoàn lên xe tạm biệt thành phố biển trực chỉ Đà Lạt. Đoạn đường này chúng tôi sẽ ghé thăm thác Yangbay rồi qua đèo Hòn Giao mới mở dài nhất Việt Nam (33Km) nhưng lại rút ngắn 90Km khoảng cách giữa hai thành phố biển và hoa.
Xe vào tỉnh lộ 723 thuộc thị trấn Diên Khánh rồi vượt qua thành cổ, qua cầu Hà Dừa hướng về Diên Tân, quẹo ngả ba đến Khánh Phú.
Có vẻ tối hôm qua mọi người đều có giấc ngủ ngon nên trên xe ai cũng chong mắt nhìn cảnh vật hai bên. Đoạn đường này thì chả có gì đẹp cả, một số đoạn đang làm nên phủ đầy đất bụi đỏ. Chắc chắn thứ chúng tôi trông chờ là thác Yangbay và đèo Hòn Giao… mà sáng nay cả đoàn sẽ được thưởng lãm.
Khu du lịch thác kia rồi, mọi người lục tục xuống xe. Vé vào cửa do nhà tổ chức lo còn muốn khỏi đi bộ khoảng 1 cây số vào tận thác thì mua vé xe điện; phần này mình tự trả, giá 1 người là 15 ngàn.
Chiếc xe điện nhiều chỗ chạy êm re nhưng chưa tới nơi đã nghe tiếng thác đổ ì ầm. Thác đẹp lắm, đẹp ngay cả trong mùa kiệt nước vì nó nằm ngay giữa rừng nguyên sinh bao quanh là những ngọn núi cao hùng vĩ. Hễ có rừng là có nước, nước đổ ầm ầm quanh năm không ngơi nghỉ phút giây nào.
Men theo lối đi bên trái, chúng tôi lên lưng chừng thác. Nơi này, Yangbay đổ nước xuống dữ dội nhất, những giọt nước li ti bay trắng xóa như màn sương mỏng khiến da thịt người se se lành lạnh.
Lối mòn quanh co dẫn lên cao, cao nữa theo giòng nước muôn trạng muôn vẻ, róc rách hay ì ầm theo các khe đá phủ rêu phong.
Thật ra nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy Yangbay được tôn tạo nhiều chổ. May mắn là những sửa đổi do bàn tay con người này khiến nó đẹp hơn. Ở một vài chổ: nước chảy đá mòn nên một khoảng bậc thác… lòi ra hai viên gạch thẻ, cái này phải cấp tốc sửa lại à nghe!
Một số đá tảng phủ rêu phong, vài bậc đá dành cho bước chân du khách cũng do con người làm ra đấy, vẫn đẹp và hòa mình trong thiên nhiên
Tiếng loài chim gì đó kêu thánh thót trong vách rừng hòa trộn với âm thanh dữ dội của thác nghe thích thú lạ. Núi, rừng, thác cộng hưởng cùng nhau tạo nên khung cảnh hữu tình khó quên.
Rời Yangbay, hai xe trong đoàn chúng tôi chạy về thị trần huyện lỵ Khánh Vĩnh hướng đến Liên Sang. Trên suốt đoạn từ hồi rời Nha Trang tới giờ có lẽ chạy dọc theo sông Cái nên cứ thỉnh thoảng thấy nó lúc gần lúc xa. Một vài đoạn dài: đường xấu khiếp với lổn ngổn sỏi đá, đất đỏ nham nhở cùng những loại xe cơ giới hạng nặng liên tục gầm rú cứ như những đại công trường, thì ra là đoạn từ Diên Khánh đến Khánh Vĩnh dọc Sông Cái vẫn chưa hoàn tất.
Gần 11 giờ trưa, nhà xe thông báo qua micro là đoàn chúng ta sẽ ghé chặng nghỉ cuối để khách dùng cơm uống nước để chuẩn bị vào đèo.
Cái quán Bến Lội nằm cạnh sông trông cũng ngồ ngộ với các cô phục vụ người dân tộc má đỏ hây hây. Quán dựng bằng tranh, tre, gỗ… khá rộng cả trong lẫn ngoài nhưng bị phủ kín người ngay vì đoàn chúng tôi gần cả trăm người, chưa kể nhiều xe khác cũng lần lượt ghé vào.
Tụi tôi chọn cái bàn đá cổ cạnh con sông cạn phủ đầy sỏi. Hỏi ra mới biết đây chính là đầu nguồn sông Cái; nước dần tích tụ từ nơi đây, quanh co gom góp thành dòng băng qua thành phố biển Nha Trang đổ ra biển Đông.
25 ngàn cho một dĩa cơm sườn khá lớn kèm một chén canh coi như qua bữa. Chúng tôi dùng thời gian còn lại tham quan sau quán, nơi có chiếc cầu nhỏ dẫn ra giữa dòng, có lẽ đây là chổ lấy nước. Mùa kiệt nên nước chỉ sâm sấp qua mắt cá, trong veo và mát lạnh khác hẳn cái oi bức ngày hè.
Đáy nước phủ đầy những viên đá cuội tròn tròn chắc do mẹ thiên nhiên bào mòn qua năm tháng. Bà xã ngoắc và cho mấy đứa trẻ đen lùi lũi người dân tộc một ít bánh mà chúng tôi mang theo khiến chúng vô cùng thích thú, cảm ơn bằng thứ tiếng gì đó mà người Kinh mình không hiểu rõ được.
Đường nhựa tốt lắm nhưng vắng vẻ, hai bên cũng chả thấy nhà dân mà chỉ thấy rừng bạt ngàn. Thấp thoáng đàng kia là đỉnh núi Hòn Giao, theo thông tin nhà xe cho biết: sở dĩ có tên gọi là vậy vì đây là khu rừng duy nhất ờ phía Nam có loài cây Kim Giao nam rất quý, tương truyền khi gặp độc tố thì gỗ của nó tiết ra một chất màu đen nên ngày xưa, các vị vua chúa dùng làm đũa gắp thức ăn.
Đèo quanh co uống lượn giữa một bên là vực sâu, bên kia là vách núi sừng sửng kỳ vĩ, đỉnh Hòn Giao như e thẹn nửa kín nửa mở giữa mây trời. Con đường đưa chúng tôi lên cao dần, cao nữa. Tấm bảng nền xanh chữ trắng ven đường ghi “Độ cao 500m” rồi 1000m, lỗ tai ai nấy bắt đầu nghe tiếng lụp bụp, lùng bùng vì áp xuất không khí giảm dần khi lên cao nguyên.
Máy lạnh trên xe đã tắt từ lúc nào cũng chả biết. Tuy nhiên, khác hẳn với cái không khí oi nồng khi chúng tôi còn ở quán Bến Lội dưới kia thì ở đây cái lạnh và ẩm se se tê tái tuôn trào vào cửa kính mát rười rượi.
Tiếng ồ lên khi mọi người thấy tấm bảng ghi độ cao 1500m, wooh! cao dữ à nghen. Trước kia để đi từ Nha Trang đến Đà Lạt thì người ta phải quay về Phan Rang rồi lại quay lên Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục (Sông Pha) với tổng chiều dài là 228 Km. Nhìn đoạn đèo đã qua, quanh co theo các sườn núi: núi tựa như bị “xẻ thịt” làm đèo giống như những vết cắt vào thiên nhiên khá sâu và thô bạo, nhưng đó cũng là cái giá của sự phát triển, được cái này thì mất cái kia thôi!
Vài người dân tộc sải bước chân không lầm lũi trên đường. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một hai chiếc xe khách đổ đèo, chắc ngược hành trình của chúng tôi để về phố biển. Waoh, ba người nước ngoài đang leo dốc trên những chiếc xe đạp của họ kìa, đáng khâm phục chưa những người đã qua một đất nước xa lạ lại dám đi con đường đèo lạ hoắc ngay cả với người mình. Hóa ra máu phiêu lưu của họ nhiều hơn mình gấp mấy chục lần!
Đường đèo chả có ai cho đậu lại cả ngoại trừ đậu trong các đường tránh để tạo sự an toàn. Tuy nhiên có đoạn đẹp quá nên vẫn có đoàn dừng lại bên mép đường cho khách xuống thưởng lãm để cảm nhận và khó quên cái cảm giác tại nơi này. Nghe nói nhiệt độ ở đây thấp hơn 5o so với Đà lạt nên có lẽ vì thế, nhiều trang trại nuôi cá xứ lạnh (cá hồi và cá tầm Nga) mọc lên giữa núi rừng Đạ Sạ, Đạ Chair, Đạ Nhim của Lạc Dương, lâm Đồng.
Qua trạm kiểm lâm ở đỉnh đèo, thoai thoải dốc thỉnh thoảng có một vài nhà dân hay vườn hoa còn phía xa xa kia là vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.
Xứ sở ngàn thông báo hiệu ranh giới bằng loại cây này, toàn là thông, những đồi thông bạt ngàn. Đà Lạt chào đón chúng tôi bằng cơn mưa phùng, bằng những mái nhà, những khoảng vườn kính trồng rau thấp thoáng dưới tán rừng thông trong cơn mưa bụi.
Nhà xe ghé vào một cây xăng nhỏ để hành khách vào WC và thoải mái chân tay một tý. Chúng tôi tụm quanh một người dân tộc để mua ít bánh bao. 5 ngàn một chiếc bánh nóng hổi vừa thổi vừa nhâm nhi, xua đi cái không khí gai gai lành lạnh của núi đồi cao nguyên.
Xe vào trung tâm thành phố hoa nửa giờ sau đó, trái tim của Đà Lạt là hồ Xuân Hương vẫn trơ đáy. Chả biết người ta nạo vét thế quái gì mà đã một vài năm qua nó vẫn vậy, không khéo sông dời đá lở: vài mươi chung cư mọc lên tại đây thì xứ lạnh mất toi cả trái tim còn gì, hi hi.
Xe chạy ven bờ hồ rồi quẹo phải vào đường Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu rồi Lê Thị Hồng Gấm. Khách sạn mà chúng tôi sẽ trú ngụ 3 ngày kia rồi, nó có tên một loài hoa cảnh đẹp: Đỗ Quyên, còn gọi là KS T18 thuộc bộ QP với phòng ốc đa dạng, rộng rãi chia làm 2 khu gồm bên phải và bên trái đường.
Nhận phòng rồi thở phào nhưng trong thâm tâm vẫn còn chút tiếc nuối con đường kỳ vĩ mà mình đã đi qua, một dấu ấn sâu đậm trong chuyến du lịch kỳ thú NT – ĐL 5 ngày, chắc chắn rằng mình sẽ tái ngộ đèo Hòn Giao trong chuyến đi sau, một vài năm nữa.
Tiếp hần 3
Phần 1 – Phần 2
Điền Gia Dũng