“Đây là người đi cùng anh về Sài Gòn. Bên cạnh là cô phóng viên báo Thanh Niên lát sẽ phỏng vấn anh”, cụ Phạm Văn Ngọc, “phượt thủ” siêu đẳng tuổi 86 trên xe cub 50 lia cái máy quay cầm tay đến chúng tôi.

< Cụ Ngọc trên một hành trình với xe cub của mình.

Chúng tôi gặp khi cụ mới xuống tàu ở ga Hà Nội, sau hành trình dài 1.700 km từ TP.HCM. Cụ dừng chân là quay Clip để mang về khoe với cụ bà.
16 năm đi phượt, cụ Ngọc có thói quen quay phim, chụp ảnh về cho vợ xem. “Mình 86 tuổi, vợ 84 tuổi, lấy nhau 61 năm, có với nhau 11 người con”, cụ Ngọc kể và cho biết, chưa lúc nào gọi vợ bằng từ nào khác ngoài “em”, xưng “anh”. “Tôi đi suốt như thế này, chẳng ai đồng ý. Bà nhà tôi cũng không đồng ý. Để được xuôi, tôi phải biết nịnh bà ấy chứ”, cụ Ngọc cười.

< Cụ Ngọc và chiếc máy ảnh bất ly thân.

“Còn mỗi Cao Bằng là tôi chưa đi”
NISAVA
Cụ ông 86 tuổi không nhớ chính xác chuyến đi đầu tiên mà giới trẻ thường gọi là “phượt” từ bao giờ, có thể vào đầu năm 2000. “Tôi thích đi đây đó. Giống như gen nhà tôi nó vậy. Quê tôi ở Đà Nẵng, cha tôi ngày xưa từng đi bộ mấy trăm kilomet ra tận Huế thăm bà con. Sau này tôi làm lụng vất vả, nhưng cứ có thời gian, tôi đạp xe lòng vòng các tỉnh miền Nam, miền Tây thăm thú”, cụ Ngọc kể.

< Cụ Phạm Văn Ngọc và điểm dừng chân tại Hà Nội hôm 3.10.

Gia đình chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp, cụ Ngọc gắn bó với nghề đóng, sửa chữa giày dép đến nay là 70 năm. Cụ lấy vợ, nuôi 11 người con (4 trai, 7 gái) cũng từ nghề đóng giày dép. Từ chiếc xe đạp, sau này cụ Ngọc mua được những chiếc xe gắn máy cũ giá rẻ, rồi về nhờ con trai làm nghề sửa chữa xe máy sửa cho để đi. 15 năm trước, cụ mua chiếc xe cub 50 cũ với giá 2 triệu đồng, đi cho đến khi rệu rã lại sửa chữa, rồi nhờ con trai “độ” cho bằng đủ thứ vật liệu để vẫn chạy tốt như ngày hôm nay. “Trước nó có 2 triệu thôi. Giờ người ta có trả nó nhiều nhiều triệu thì tôi cũng không bao giờ bán”, cụ Ngọc nói.

< Chiếc “smart phone” được cụ Ngọc đeo bằng sợi dây trên cổ, chỉ để sử dụng khi xem bản đồ.

Những năm 2000, con cái yên bề gia thất, cụ Ngọc được thỏa sức vẫy vùng trong những chuyến đi. Con ngựa sắt cub 50 ròng rã theo cụ Ngọc, từ Sài Gòn đi khắp các tỉnh miền Nam, miền Tây, cực Nam của Tổ quốc.

Cũng với con xe dã chiến, cụ Ngọc ngược ra miền Trung, ra Hà Nội, rồi Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ. Chuyến đi dài nhất là hai mươi mấy ngày biền biệt: “Tôi tiết kiệm được khoảng 5 – 10 triệu lại đi. Hết thì về làm lại, lo gì”.

“Từ Sài Gòn tôi đi ra Hà Nội, rồi Ninh Bình thăm nhà thờ đá Phát Diệm, sau đó sang Thái Bình, qua đê sông Hồng, rẽ sang Hải Phòng, qua phà Rừng sang Quảng Ninh. Tôi rẽ sang thành phố Hạ Long, từ đó xuyên sang thành phố Cẩm Phả, phường Cửa Ông, rẽ qua bãi than Mông Dương. Đến đó thì tôi đi nhầm đường nên không qua được cực Bắc Trà Cổ, Móng Cái, tiếc lắm”, cụ Ngọc kể về hành trình dài nhất từ trước đến nay của mình.

< Cụ Ngọc trên một chuyến đi Tây Bắc, bên cạnh là người bạn tình cờ nhận ra cụ trên cung đường.

Quảng Ninh chưa phải là điểm cuối cùng của hành trình xuyên Việt này, cụ sang Đình Lập rồi qua Lạng Sơn, đi Bắc Giang, lại quay lại Sơn Tây, Cầu Giẽ (Hà Nội) rồi từ Hà Nội lại đi tiếp về Đà Nẵng thăm bà con quê cũ, sau đó mới thẳng tiến về Sài Gòn.

“Cứ đường quốc lộ tôi đi. Trước khi đi thì vạch sẵn lịch trình ra cuốn sổ nhỏ. Tôi có một cái điện thoại để nghe, gọi. Một cái “smart phone” (cụ ông phát âm từ này bằng tiếng Anh khá chuẩn) con tôi đăng ký cước 3G riêng cho tôi để xem bản đồ”, cụ Ngọc chỉ vào những đồ dùng trên người.

< Cụ Ngọc thích chụp ảnh phong cảnh, con người ở mỗi vùng đất cụ đặt chân đến. Cụ không nhìn qua ống ngắm, mà nhìn qua màn hình lớn, để chụp ảnh người khác được tự nhiên.
NISAVA
“Cụ không lo cho cụ bà ở nhà sao?”, chúng tôi hỏi. Cụ ông điềm đạm: “Có những cái lo mình để trong lòng. Nếu tôi đang đi, bà nhà tôi có chuyện gì, ít nhất cũng phải 1, 2 ngày tôi mới có mặt ở nhà, thế nên tôi luôn bình tĩnh. Nhưng hình như bà nhà tôi thương yêu tôi lắm hay sao ấy, mỗi chuyến tôi đi xa, bà ở nhà khỏe mạnh ngóng chờ tôi về nhà”, cụ ông kể.

< Những con đường mờ mịt hơi sương, những đỉnh đèo uốn lượn, những khúc quanh hiểm trở, cụ ông 86 tuổi này đã vượt qua.

Xuyên Việt khắp đất nước, chỉ còn mỗi Cao Bằng là cụ ông tuổi 86 chưa đặt chân đến. Chả là 10 ngày trước, cụ đã “phượt” ra Hà Nội, gặp anh em mến mộ cụ, họ mời cụ đi tàu, còn chiếc cub 50 cũng được gửi ở toa xe máy. Không hiểu sao, xe lại ngược về ga Hà Nội. Vậy là thêm cơ hội để lần này cụ ông được về Cao Bằng cho thỏa lòng mong ước.

< Đi đến đâu, cụ ghi chú vào một cuốn sổ tay.

“Đèo cao, hiểm trở nhiều chứ. Nhưng tôi sợ gì, cứ thủng thỉnh mà đi. Bình thường tôi chạy 30 – 40 km/h thôi. Đổ đèo thì ghì chặt hai tay, hai chân cũng thả xuống làm phanh luôn. Xuống chân đèo thì tay mỏi nhừ, nhưng cảm giác đã lắm”, cụ ông kể về những hành trình chinh phục núi non của mình.

< Chiếc cub 50 này được con trai thứ 2 của cụ “độ” lại cho cụ. Chiếc xe cụ đã chạy 15 năm nay, qua bao nhiêu sương gió vẫn chạy tốt. Người đàn ông nói “Đi vì mình thích. Thích thì phải làm thôi”.

“Tôi siêu liều”

Cụ Ngọc giản dị, cả ngày chỉ ăn một chén (bát) cơm nhỏ và chạy được trung bình 200 – 250 km đường một ngày. Một chiếc áo gió sờn cũ với nhiều túi nhỏ, một máy ảnh, một máy quay cầm tay tróc sơn, đó là “vật bất ly thân của tôi, ngang với chứng minh thư”.

< Dừng chân bên trạm xăng…

Đôi dép cao su của ông cụ chằng chịt những vết may cũ mới, còn xe cub 50 là cả một kho tàng. Hai chiếc túi dựng đứng trước đầu xe để chân máy ảnh và áo mưa. Hai bên tay lái có buộc chiếc đồng hồ và một la bàn nhỏ để định vị phương hướng. Sau xe máy là quần áo, sổ sách, chăn mền, đồ sơ cứu thương nếu không may chảy máu giữa đường, tất cả đều bọc kỹ lưỡng bằng áo mưa.
NISAVA

< …Hay dừng chân bên đường để chụp ảnh, quay phim. Đi du lịch bằng xe máy cho cụ Ngọc nhiều sự thuận tiện.

“Con trai tôi sửa xe theo ý tôi. Xe tiết kiệm xăng, rất nghe lời chủ, ít khi phản chủ giữa đường. Nhưng cũng có lần tôi phải ra đường quốc lộ, vẫy xe tải, xe khách hỗ trợ”, cụ Ngọc vừa nói vừa kéo cái công tắc để nổ máy xe, nó nằm kín mít sau vài lớp vải nilon, dưới thân xe, bên tay trái.

< Chiếc xe này trả cụ nhiều nhiều triệu cụ cũng không bán.

Lý giải cho đam mê xê dịch ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông đủng đỉnh: “Tôi không sợ cực khổ, không sợ té ngã, không sợ chết đường chết chợ mà không ai hay biết. Tóm lại là tôi siêu liều. Thích thì cứ phải làm thôi”.

< Đồng hồ chỉ kilomet đã hỏng, bên phải có một chiếc đồng hồ nhỏ để cụ xem giờ.

Bạn thân thiết với Tùng “xích lô”

Tinh thần “phượt” bất chấp tuổi tác của cụ Phạm Văn Ngọc được các bạn trẻ ngưỡng mộ. Cụ nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc trên khắp các diễn đàn mê phượt. Thành viên các diễn đàn nắm hết lịch trình của cụ già 86 tuổi, cụ đi đến Hà Nội, hay Đà Nẵng, Huế… đều có người giúp đỡ, hỗ trợ chỗ ăn nghỉ.

Năm 2015, cụ Ngọc “đốn tim” ekip thực hiện chương trình Điều ước thứ 7 của VTV3. Ngoài việc thực hiện chương trình về cụ, họ còn tặng cụ một chuyến du lịch và một triển lãm ảnh. Cụ Ngọc chọn đi Phú Quốc, hòn đảo trong mơ của mình.
NISAVA
Anh Nguyễn Thanh Tùng (thường được gọi là Tùng “xích lô”, Việt kiều Đan Mạch, một đầu bếp nổi tiếng thích đi du lịch và khám phá ẩm thực, từng thực hiện các chuyến xuyên Việt bằng xe đạp và xích lô) là một người bạn nên duyên từ những cung đường của cụ Ngọc.

< Chiếc xe được chằng buộc đủ thứ, như một ngôi nhà di động của cụ Ngọc.

3 năm trước, trên đường lên Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai, Tùng “xích lô” gặp cụ già đặc biệt như cụ Ngọc. Họ hàn huyên, tâm sự và trở thành bạn bè thân thiết cho đến bây giờ.

Anh Tùng kể cho chúng tôi những câu chuyện về hành trình chinh phục các ngả đường của cụ Ngọc bằng giọng khâm phục. Cũng trong ngày 3.10, chính anh Tùng “xích lô” là người sắp xếp, nhờ người đón cụ Ngọc ở ga Hà Nội, bố trí cho cụ chỗ ăn nghỉ tươm tất trước khi tiễn cụ đi khám phá Cao Bằng.

Theo Thúy Hằng (Báo Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *