Cù lao Ông Xá (cũng có tên gọi Hòn Yến, tương tự khá nhiều đảo nhỏ có chim yến ở Phú Yên) nằm ở phía Tây vịnh Xuân Đài, phía bên ngoài Vũng Lắm, cách chân núi Gành Đỏ chừng vài trăm mét – phía Đông đảo nhìn thẳng ra biển Đông thông qua cửa vịnh.
< Cù lao Ông Xá nhìn từ làng chài Gành Đỏ.
Theo trí tưởng tượng phong phú của người địa phương, cù lao này có hình dạng giống hệt một con cá sấu khổng lồ nằm bất động, đuôi hướng về phía Bắc Gành Đỏ, đầu nhô lên cao, hướng ra biển Đông. Phần lưng từ đuôi lên gần đầu, có đoạn ễnh cong xuống, đoạn nhô lên cao như thể cá sấu vừa ăn con mồi no nê.
< Một góc Cù Lao Ông Xá nhìn ở phía Nam, phía Bắc có nhiều bãi tắm tuyệt đẹp.
NISAVA
Cù lao Ông Xá là một đảo đá có chiều dài nhất tầm 800m, cạnh ngang rộng nhất chỉ khoảng 200m, đỉnh đá cao nhất là 45m. Trên đảo chỉ có cây thấp, cây bụi và không có người ở. Vậy nhưng cù lao cũng sở hữu nhiều bãi biển nhỏ, đẹp, lặng sóng (vì nằm trong vịnh) và bãi đá đẹp thì nhiều vô kể.
Chung quanh hòn cù lao này có những rạng, những gành đá ngầm nhô lởm chởm. Ở mạn Nam hòn cù lao có một số gộp nhỏ ghe có thể vào neo đậu tránh sóng gió được.
Trong cuộc chiến tranh chấp quyền bính giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh xảy ra ác liệt trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thì Vũng Lắm lại là địa điểm tập kết quân để đánh vòng từ mạn Đông-Nam ra phía Bắc. Vậy nên Vũng Lắm cũng là nơi tranh chấp vị trí chiến lược để quyết định sự thắng lợi của các bên.
Thời kỳ Cần Vương, Văn Thân lãnh đạo kháng chiến chống Pháp thì vịnh Xuân Đài đã xảy ra trận giao tranh quyết liệt giữa lực lượng kháng chiến do Bùi Giảng lãnh đạo chỉ huy với quân Pháp do Thiếu tá Chevreux Tirant và Trần Bá Lộc chỉ huy. Trận chiến kéo dài một ngày đêm, quân Bùi Giảng bị thất bại phải rút chạy vào Vũng Lắm cố thủ. Theo dã sử thì thời kỳ này có một Hoa kiều tên Ngô Kiêm Ký đã mua vũ khí từ Trung Hoa đưa vào Vũng Lắm tham gia phong trào Cần Vương đánh Pháp, nhưng ông đã bị bắt và bị xử tử cùng với lãnh tụ Lê Thành Phương vào năm 1887.
Vũng Lắm không chỉ có bấy nhiêu sự kiện lịch sử cùng các truyền thuyết khác nhau, mà tại đây còn là địa điểm đặt cơ quan đầu não của Pháp để cai trị xứ Phú Yên. Đó là vào năm 1887, Toà Công Sứ Pháp được chỉ định đặt tại Vũng Lắm, mãi đến 1889 mới dời ra Sông Cầu.
NISAVA
Huyền thoại về bờ ngăn cá vược
Các cụ cao niên kể lại rằng: Thuở xa xưa, từ núi Gành Đỏ ra mỏm đuôi của hòn cù lao Ông Xá có một dãi đất tựa như một cái bờ chắn ngang mặt vũng. Lúc bấy giờ có một con cá vược khổng lồ từ biển khơi lạc vào đấy, bị cản trở đường đi, cá nược tức giận đập đuôi quẫy nước, nước văng bắn lên cao, sóng réo ầm ầm, bờ chắn bị sụt lở gần hết, chỉ còn lại ở hai mỏm núi, người ta gọi đấy là bờ ngăn cá vược. Rồi từ đó cá quay ra biển Đông, không bao giờ trở lại vũng này nữa.
Ngoài ra, cũng có dị bản đây là nơi hoàng tử của Long Vương lạc vào cù lao Ông Xá
Chuyện kể ngày xưa, Vũng Lắm là một hồ nước mặn bị núi vây bọc bốn bên. Một đêm kia, trời đang yên, gió đang lặng thì đến giờ Tý bỗng dưng sóng dậy ầm ầm. Những cột nước cao hơn ba trượng đổ ập vào xé toạc ngọn núi phía đông ngăn cách giữa biển và đầm, sau đó thì trời lặng sóng yên như không có chuyện gì xảy ra trước đó.
NISAVA
Sáng ra, dân chúng men ra mé vũng ngoài coi thì thấy chiếc mai con rùa biển to bằng bốn cái nong. Dân chúng làm lạ, lên đền cầu khấn được bà cốt báo rằng: Long Vương có đứa con trai út bị lạc vào đầm không ra được nên sai Hà Bá thống lĩnh thiên binh tới phá rặng núi chắn ngang vũng để cứu hoàng tử ra. Hoàng tử chính là con rùa thỉnh thoảng dân trong vũng thấy nổi lên.
Cù lao Ông Xá không phải là nơi du lịch. Tuy nhiên, nó xứng đáng là nơi khám phá của các phượt gia thích chốn hoang dã.
NISAVA TRAVEL! tổng hợp