Phượt – là một hình thức du lịch bụi khá hay và hấp dẫn thu hút nhiều người tham gia. Tớ cũng đã làm vài chuyến phượt vào các vùng dân tộc hẻo lánh dọc dải đất miền Trung. Cũng thú vị nhưng chưa đã lắm.
Tớ xin giới thiệu với các bạn một hình thức khám phá mới. Mạo hiểm hơn, thú vị hơn. Nói chung là “đã” hơn. Cũng chưa biết đặt tên là gì. Thôi thì cứ gọi “trên cả phượt” tạm vậy.
< Đây là đoạn đường cúp lúc mới xuất phát.
Cuối tuần vừa qua, để giải toả căng thẳng, mệt nhọc đầu óc, tớ đã làm chuyến leo núi xuyên rừng ấn tượng.
Mục tiêu và tiếp cận, làm quen, tìm hiểu và sống chung với các “đồng chí” lâm tặc.
Xuất phát từ 5 giờ sáng nhưng phải mất 6 tiếng đồng hồ bọn tớ mới phát hiện ra được một láng trại của mấy chú “tạc giăng”!
< Vào sâu hơn phải chui rúc qua những bụi rậm rịt như thế này.
< Hoặc kinh khủng hơn.
< Bọn tớ vừa băng qua một ngọn núi và quay đầu nhìn lại.
< Hết dốc đứng, rậm cây thì sên là thử thách thứ 3 phải đối mặt.
Lại thêm đêm hôm trước trời mưa nên bọn chúng tấn công càng ác liệt hơn. Nhìn ngón chân tớ đây là biết. Thứ này giỏi hơn cả loài đỉa.
< Gặp mấy con suối như thế này mới dám dừng chân nghỉ xả hơi. Nhưng cẩn thận khi uống nước suối.
< Đá nhọn, rêu trơn cũng rất nguy hiểm. Loạng choạng là “tạm biệt môi răng đi nhé” như chơi.
Khi sức đã cạn kiệt, bụng đói meo, chân rã rời thì rất may bọn tớ phát hiện ra một láng trại của nhóm lâm tặc. Nhìn rất dã chiến như trong phim hành động ở rừng già châu Mỹ ấy nhỉ?!
Sau một vài thủ tục làm quen khéo léo, phá bỏ sự nghi ngờ của mấy “đồng chí” cưa cây giết thú thì mấy chú ấy mới cho bọn tớ ở nhờ trong trại.
< Trại nhìn đơn sơ nhưng khá chắc chắn. Có cả gác ngủ để tránh rắn rít hoặc thú dữ.
< Hệ thống đèn neon chiếu sáng hiện đại…
< Bộ bàn ghế có một không hai. Nhìn vậy chứ toàn gỗ quý không đó nhé.
Mấy cái chân toàn bằng cây trầm thị, phảng bằng gỗ kiềng kiềng đấy. Khiếp!
< Tủ lạnh phải treo lên cao như thế này. Không thì bọn chuột nó vào nó xơi hết gạo, thịt, mắm, muối, gia vị.
< Bếp gas “made in rừng thẳm”. Ke ke
< Thịt được hông khô để ăn dần. Trong ảnh là thịt khỉ, chồn đấy. Hấp dẫn, hấp dẫn. Đây là kiểu chế biến của dân tộc Cơ tu đấy. Thịt hông vừa độ khô sẽ ngon không gì bằng.
< Còn đây là cá Niên – một đặc sản của rừng đấy nhé.
Dù nhìn dữ dằn, bặm trợn nhưng những người ở đây rất hiền lành. Họ còn nấu cơm thiết đãi bọn tớ.
< Sau khi ăn uống no say, bá vai choàng cổ họ bắt đầu khoe “công việc” của mình.
< Đây là dụng cụ dùng để bẫy thú gồm: dây phanh xe đạp và cọc làm bằng ròng gỗ rừng khô.
Nhìn đơn giản vậy nhưng biết bao nhiêu con thú đã được hoá kiếp bởi hay món đồ chơi thô sơ này đấy.
Có cả mấy lon trà bí đao nhưng… chỉ đúng 1 nửa. Vỏ trà bí đao nhưng ruột là TNT. Còn TNT là gì thì các bác tự tìm hiểu nhé.
< Mặt mũi em nó trước khi được cho vào lon bí đao xanh xanh dễ thương kia như thế này đây.
Còn đồ nghề hoá kiếp cho cây thì họ giấu đi rồi. Vì giá trị cao nên không dám để tại trại. Nhỡ có truy quét lên thì tổn thất to.
Sau khi “tham quan” xong đại bản doanh của các chúa rừng, bọn tớ bắt đầu theo dấu chân họ đi bắt cá.
Tất nhiên một vài “phi vụ” bọn tớ có “lệnh” phải để điện thoại ở nhà. Họ cũng cảnh giác dữ lắm.
Lúc đầu thì đi câu. Câu suối nó có cái thú riêng không giống câu sông và câu biển.
Nhưng để được 1 em cá niên hay cá ngựa không dễ dàng gì.
< Muốn đưa lên bờ được chừng này em thì phải dùng cách khác. Cách gì thì bà con tự đoán già đoán non đi vậy.
< Nhưng cảm giác vác bao cá đặc sản này thật đã.
Cá được làm nhiều món khác nhau. Ví dụ như nướng trên than hồng như thế này. Giờ nghĩ lại còn thèm. Các niên thường sống ở suối cao nên ngoài thị trường rất ít và tương đối đắt đỏ.
Nhưng ngon nhất vẫn là món này. Gỏi già – một món bọn tớ tự chế bằng thịt phi lê cá niên + rau rừng gồm: lá chim chim, lá chua và một vài loại lá khác.
Đặc sản này có tiền chưa chắc đã được ăn. Ôi! Thèm.
Chiều xuống là nhóm lửa – Đến tối thì lửa lên.
Và một đêm lửa trại trong rừng bắt đầu.
Thật tuyệt khi ngồi giữa đại ngàn, với những con người được cho là “bất hảo”, nhai miếng thịt chồn, thưởng thức tý gỏi cá và nhấm ngụm rượu cay nồng. Cảm giác thoải mái, sảng khoái không gì bằng.
Kết thúc một chuyến đi, tạm dừng một cuộc khám phá… chúng tớ – những con người trẻ lại trở về với cuộc sống thường nhật hàng ngày đầy bon chen, vội vã.
Nhưng cuộc hành trình mà bọn tớ gọi là “trên cả phượt” đã đem đến cho mỗi thành viên trong đoàn một ấn tượng khó phai.
< Về cảnh đẹp của thiên nhiên, về sự hùng vĩ của những con suối…
< Về những điều mới lạ. Ví dụ như cái bộ sạc pin điện thoại nơi rừng thẳm này chẳng hạn.
Và cả những con người bị đời gọi lâm tặc đáng thương lẫn đáng trách. Vì cái lợi trước mắt mà họ không nghĩ đến tác hại sau này. Hơn hai chục năm sống với rừng, một người đàn ông đã tâm sự với tớ: “cũng muốn bỏ nghề lắm, nhưng ngoài rừng ra không biết làm gì cả. Bỏ rồi làm gì nuôi đàn chèo bẻo há mỏ ở nhà” (*)
Vậy đó! Cuộc sống muôn màu muôn vẽ, đủ mọi hình thù và có khi nó còn…
< … rối rắm như cái cây này…
< … hoặc đơn giãn như con ốc lặng thinh, chậm rãi giữa đại ngàn.
Thôi thì hãy sống cho hết mình. Sống vì ta, vì gia đình, vì xã hội. Sống sao cho không phải hổ thẹn với lương tâm.
Theo Blog Bi kính lúp