Từ ngã ba Bình Châu này: nếu quẹo phải là đi Phước Bửu, quẹo phải theo hướng tụi tôi chọn thì ra đường ven biển. Còn nếu thích vào Suối nước nóng Bình Châu thì quẹo phải ngay từ trên QL55, nơi có tấm biển chỉ hướng đi nơi này tại ngã 3.

Nhắc đến Bình Châu thì ai cũng nghĩ tới ngay suối khoáng nóng – Cách rừng cấm Bình Châu – Phước Bửu khoảng 10 km về phía đông bắc là suối nước nóng Bình Châu, một trung tâm du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khung cảnh nới đây đã tạo cho khu du lịch vẻ đẹp thật hấp dẫn. Bác sĩ người Pháp tên là Salle trong chuyến khảo sát vùng Đông Nam Bộ năm 1928 đã phát hiện ra khu suối khoáng này với 70 điểm phun.
Nước tại đây lộ thiên hình thành hệ thống suối, các hồ lớn nhỏ luôn tỏa nhiệt độ bốc hơi từ 37°C đến 82°C theo từng khu vực. Cạnh bên khu rừng nguyên sinh Bình Châu là biển Hồ Cốc với dốc cát thoải dài đón từng đợt sóng biển…

Được thiên nhiên ưu đãi và để phát triển loại hình nghỉ dưỡng, chữa bệnh đặc trưng theo kiểu du lịch sinh thái nên ngay từ năm 1989, ngành du lịch đã bắt đầu khai thác tiềm năng khoáng sản nước nóng này nên ngày nay: Bình Châu đã thành một thương hiệu khó quên trong lĩnh vực du lịch.

Nghỉ chân một lúc rồi tụi tôi lên đường – từ nơi này con đường sẽ ven theo biển tới tận Long Hải qua Hồ Cốc, Hồ Tràm, Lộc An, Phước Hải tới tận thị trấn Long Hải – Có nơi tâm đường cách xa biển vài Km, đa phần thì vài mươi mét hoặc kề cận ngay bên trái.

Đồi cát cùng cây bụi nối tiếp dài khi vừa ra khỏi khu dân cư, khung cảnh thật hoang sơ thanh bình. Khúc này biển còn cách mép đường những vài trăm mét khuất sau những rặng cát mênh mông nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy tiếng sóng vỗ.

< Đường đi Hồ Cốc từ Bình Châu.

Sau tầm 5km thì tụi tôi đến cây cầu bắt qua một cái hồ lớn, trên mặt nước ven hồ phủ đầy sen – mùa hoa sen nở chắc nơi này đẹp lắm đây! Từ nơi này trở đi thì con đường bắt đầu theo sát biển, tha hồ nghe tiếng sóng ì ầm làm mê hoặc lòng lữ khách phương xa.

< Bên trái là biển cả gọi chào…

< Dạt dào tiếng sóng vỗ.

Một đôi nơi cận núi Hồ Linh thuộc địa phận Hồ Cốc, chúng tôi ghé lại ngắm nhìn biển và cát đan vào nhau cạnh các chỏm đá.

Đẹp, nên thơ – chính vì vậy mà phía này phía kia vẫn có những chiếc xe du lịch đậu trên đường mang các cặp đôi vừa nên vợ nên chồng đứng chơi vơi trên những mỏm đá chụp hình cưới trong tà áo cô dâu trắng ngần dạt dào bay trong gió.

Vậy là kỷ niệm cho tình yêu, nhiều người cũng hướng về thiên nhiên chứ không đơn thuần là các cảnh đẹp nhân tạo trong thành phố.

< Xa xa là cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới.

< Tít phía phải là một đám khác…

< Đoạn giữa là của chúng tôi.

Chỉ sau vài cây số từ nơi này trở đi lại là lãnh địa resort của Hồ Cốc, Hồ Tràm, các chủ nhân hiện tại và tương lai với những bức tường ngăn cách dài đằng đẳng như Vạn lý trường thành – khác một cái là VL trường thành chống quân xâm lược ở TQ thì cái này chắc chống… khách ít tiền và dân địa phương!

Không quá bảo thủ nhưng trong thật tế thì đa phần là như thế. Giá như người ta làm các rào dậu thưa, khúc thì dựng các tảng đá khéo sắp xếp, mạch đá cẩn theo lối đi… v.v thì trông cũng hay hơn nhiều so với rào bê tông sắt thép.

Một ví dụ nhỏ như vài resort gần Suối Hồng không hề có tường rào phía mặt tiền, thế vào đó là một số hàng cây thưa, đá cảnh, hồ kiểng được chăm chút cẩn thận cạnh các lối đi dát đá.

Khách đi đường vẫn có thể ngắm cảnh, ngồi nghỉ hay chụp ảnh tham quan không có vấn đề gì. Đó là cách gây thiện cảm với người dân, khách du lịch bất kỳ thành phần nào.
Thôi, kinh doanh thế nào là việc của họ – khéo thì vững bền, ngược lại mau tàn phai. Hồ Cốc đẹp, có lẽ trước kia hay trong ý nghĩ nhiều người hiện tại. Với tụi tôi, sau khi tấp vào một vài khu du lịch và xem sơ cảnh quan, bãi biển thì mình từ giả nơi này – đơn thuần là mình không hoàn toàn thích ứng, thế thôi! Vì vậy chúng tôi qua nơi này với một tốc độ vũ bão, không còn nhởn nhơ như ngày trước.

< Cầu sông Ray.

Vượt qua cầu sông Ray lúc gần 5 giờ chiều, tụi này vào địa phận Lộc An.

Bên phải đường có các ao nước lớn: du khách muốn ra biển sẽ ở trong khách sạn, khu du lịch trong này rồi người ta sẽ có thuyền băng qua khoảnh nước này vì bãi biển là doi cát ngoài kia.
Nơi đây nếu chịu khó tìm tòi thì cũng có các phòng thuê giá mềm gần lộ nhưng tụi này quyết định về Phước Hải qua đêm để sáng hôm sau về SG với nơi ghé cuối cùng là Long Hải.

Còn tiếp

Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8 – Phần 9 – Phần 10 – Phần 11 – Phần 12 – Phần 13 – Phần 14 – Phần 15 – Phần 16 – Phần 17 – Phần 18 – Phần 19 – Tổng kết –

Điền Gia Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *