Rời Kê Gà vào lúc giữa trưa, tụi này hướng về Lagi theo TL712, quẹo trái trái vào TL709 Tân Hải để chạy ven theo biển.
Phía phải nơi này có đường rẽ vào khu tái định cư thuộc xã Tân Hải, thị xã La Gi là khu tái định cư cho dân vùng ngập lụt ở cửa cảng Ba Đăng. Dường như việc di dời người dân ra khỏi khu vực ngập lụt nguy hiểm này cho đến nay vẫn chưa trọn vẹn do nhiều nguyên nhân, mong họ sớm ổn định nơi ở mới để yên tâm phát triển sản xuất.
Hai bên đường nhà cửa lưa thưa, đa số đất là đồng ruộng xanh rờn. Nhìn con đường này thấy quen quen – hóa ra một hồi nữa tụi này chạy ngang ngã ba vào Dinh Thày Thím và vùng biển cùng tên.
Hàng năm cứ đến trung tuần tháng 9 ÂL, lễ hội Dinh Thầy Thím thuộc làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi lại diễn ra một lần. Lễ hội ôn lại công đức của một vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người, trừng phạt bọn nhà giàu hiếp đáp dân nghèo, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… được dân làng mến mộ.
Khi đạo sĩ qua đời, người dân làng chài Tam Tân tưởng nhớ công đức ấy, đã lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái gọi là Dinh Thầy Thím. Ngày nay, Dinh Thầy Thím được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
< Hai bên là ruộng đang chờ vào vụ.
< Trên con đường vắng đến Lagi.
Riêng về vùng biển Thày Thím thì tụi tôi có ghé 2 lần và đều có kỷ niệm nhớ đời. Lần đầu theo đoàn tham quan nhiều nơi trong đó, dinh Thày Thím là một trong những điểm ghé. Xe tới nơi lúc… 1h đêm: mọi người lục tục tìm thuê chỗ qua đêm thì bọn này lò dò tìm đường xuống biển! Bãi tối om không bóng người, dò dẫm một hồi quen mắt – tôi mới giật mình nhìn xung quanh: rác và rác, nhiều vô số kể! Trời hỡi, không biết các hàng quá cạnh đó kinh doanh cái kiểu gì mà chẳng biết dọn dẹp sạch đẹp nơi mình làm ăn mà lại để cảnh kinh khủng này tồn tại nhỉ?
< Vườn thanh long chen ruộng lúa…
Thuê 2 ghế bố ngồi thiu thiu chờ sáng, nước rút dần lộ ra bãi cát phía dưới sạch sẽ hơn, tít đàng kia là những người buôn bán hải sản vừa đánh bắt được trong đêm (một phần rác phát sinh từ đây). Muốn sạch hơn thì đi xa hơn tí nữa qua các hòn đá lớn: biển trong xanh với bãi cát vàng sáng óng ả dưới ánh bình minh – tránh mé phải bãi biển có luồng nước thải chảy ra nghen.
Lần 2 xui xẻo ngay mùa mù mắt tháng sáu, lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên dính hơn 40 dấu cắn nhớ đời đến 3 tuần sau, he he…
< Bên phải là bến xe Thày Thím, mé trái là quán Chú Tiểu.
Chạy ngang quán ăn Chú Tiểu định ghé vào làm bữa trưa nhưng mùa này, giờ này vắng hoe nên đi luôn. Bến xe Thày Thím vẫn như hồi nào, cái khác là ai đó đang xây căn nhà dạng phố cao 5 tầng. Đất ở đây rộng, chả hiểu xây cao mà làm gì? Mửng này các quán xá, nhà nghỉ ngay góc mất mặt tiền chắc cũng hết thời luôn đây.
Vào Lagi qua cây cầu sắt cổ, gỗ kêu lọc bọc dưới bánh xe nhưng xem ra còn chắc nếu đừng xe lớn nào đánh liều chạy ngang. Xe thứ bự phải đi cây cầu mới Tân Lý, cây cầu lớn nhất thị xã Lagi kia.
Lúc này đã quá 2h chiều, đói mòn mỏi nhưng chưa có chỗ nào ghé ăn trưa vừa ý – cuối cùng đờ đẩn tấp vô làm tô bún bò ở nhà chờ tuyến xe liên tỉnh: bún chả ra bún mà bò cũng chả ra bò, chỉ qua cơn đói khổ!
Đối diện chợ là bến xe, tôi tấp lại trên lề cho bà xã vào chợ mua ít thứ và tham quan luôn.
Còn một đoạn đường nữa mà mình sẽ phải vượt qua là đường đi Hồ Cốc, chúng tôi dự định qua đêm tại đấy.
Còn tiếp
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8 – Phần 9 – Phần 10 – Phần 11 – Phần 12 – Phần 13 – Phần 14 – Phần 15 – Phần 16 – Phần 17 – Phần 18 – Phần 19 – Tổng kết –
Điền Gia Dũng