Nghe tin công ty hàng xóm kéo nhau đi Đà Lạt, tôi xin đi ké rồi tiện thể xách theo cái xe đạp. 8h tối khởi hành, 3h sáng tới nơi.
Ngủ ngáy tí chút, 7h lên đường, 8h tôi ra khỏi Đà Lạt. Kế hoạch của tôi rất đơn giản: Hòn Giao – quốc lộ 1 – Ngoạn Mục.

< Trên đèo Hòn Giao.

150 cây số từ Đà Lạt đi Nha Trang, tôi chỉ làm 2 việc duy nhất: leo đèo và đổ đèo. Không ai có thể cưỡng lại cái cảm giác ham muốn được lao xuống dốc, buông mình vào trò chơi của trọng lực này. Chỉ có điều, để mỗi lần được 5 phút cực khoái đó, tôi lại mất cả tiếng hùng hục lên đỉnh muốn xịt khói từ đủ 7 lỗ trên cơ thể.

Con át chủ bài của trò chơi này là hơn 30 cây số vượt đèo Hòn Giao. Đây không phải là con đèo hiểm trở nhất hay đẹp nhất tôi đã từng đi qua, nhưng là con đèo đầu tiên tôi đổ dốc bằng xe đạp. Khi xe chạy nhanh dần, gió lạnh quất vào mặt rồi xé thành từng sợi nhỏ luồn vào trong áo mân mê, mạnh dần theo vận tốc lao dốc và độ rung lắc của cái xe.

Hai tay ghì vào tay lái, tôi căng hết mọi giác quan để nghe, nhìn, sờ, liếm và ngửi xem đằng trước là sự nối dài của cơn cực khoái hay dấu chấm hết đời giai đẹp. Cái cảm giác đó lại về thắt lấy tim. Sợ nó biến mất, tôi không dám bóp phanh, chỉ nhấn nhá khi xe bắt đầu rung lắc quá mạnh vì trọng lượng cơ thể không đủ để ghì xe xuống đường.

Cứ như thế suốt 1 tiếng lao dốc, tôi không nhìn thấy gì xung quanh ngoài 1 vệt trắng ngoằn ngoèo ẩn rồi hiện sau mỗi khúc quanh. Đến khi cổ tay và sống lưng đau nhức, tôi bắt đầu nghĩ cái cảm giác này dài vô tận thì vận tốc giảm dần, cảnh vật bắt đầu hiện ra. Hú hồn…..nhưng mà phê 🙂

Về đến Nha Trang lúc 8h tối, toàn thân đau rã rời. Đêm đó tôi mơ thấy mình và chiếc xe rơi khỏi con đèo Ngoạn Mục, bay thẳng về Sài Sòn.
Sau 1 ngày ăn ngủ, tắm biển ở Nha Trang như một du khách lười biếng, tôi đi Phan Rang.

Trời nắng khét lẹt. Suốt 30km chạy dọc bán đảo Cam Ranh rồi 20km đường quốc lộ, xung quanh chỉ có cát trắng và bầu không khí rung rinh. Đường phố vắng bóng người, đến côn trùng sâu bọ cũng im bặt. Muôn loài dường như chui hết xuống đất để tránh con mắt soi mói của lão trời già dữ tợn. Chai nước dắt quanh người như lựu đạn, tôi càng uống càng khát, càng khát càng đi mau. Tôi cảm thấy mình như con mèo đang đuổi theo cái đuôi của mình vậy. Cắn đuổi một hồi đâm ra say mê mà quên béng tại sao mình làm thế.

Trời về chiều mát dần. Chán đường quốc lộ đơn điệu, tôi quay xe và rẽ vào 1 con đường nhỏ. Trên bản đồ Google Map, tỉnh lộ 702 vẽ một đường lượn loằng ngoằng chạy dọc bờ biển.

Chắc hẳn rất thơ mộng khi đạp xe biển một bên, núi một bên như thế. Nhưng có điều lạ là tôi không sao chỉnh GPS chạy qua con đường này được.
Cả ngày lục lọi trên mạng trước lúc đi, tôi cũng chẳng thấy ai nói gì về con rắn biển này.
Sau một hồi đạp xe, tôi hiểu tại sao: Con đường vẫn chưa được làm xong. Đường chưa trải nhựa lởm chởm đá và những miệng hố rộng toác.
(NISAVA: Đây chính là con đường nối từ vịnh Vĩnh Hy đi Bình Tiên, hiện vẫn đang thi công).

Suốt hàng chục cây số chỉ có bụi mù mịt như sương. Mồ hôi quấn lấy bụi thành một chất dẻo dính nhớp nháp khi tôi kéo lê cái xe đạp lên dốc. Toàn thân rã rời đến mức tôi không tự trèo lên xe được, cứ nghiêng là xe đổ. Tôi phải đứng trên hòn đá rồi giơ chân quặp lấy xe. Nguồn cổ vũ duy nhất là tiếng mấy tay thợ làm đường thỉnh thoảng lại văng vẳng: “Hê nô, hê nô, ơ mày ơi lại xem thằng… tây hâm này.” Chắc do tôi nai nịt đến tận răng nên họ không nhận ra, hay là họ nghĩ một người VN đứng đắn giờ này tất phải ngồi quán nhậu hoặc đi đón con từ trường về!

Đi loanh quanh đến tối mịt, tôi lạc đường đến một làng chài tên Vĩnh Hy. Hỏi đường mới biết tôi còn cách Phan Rang 40 cây số nữa. Khá lắm Lâm…
Lúc 3h chiều mày còn cách Phan Rang 50 cây số…..sau 5 tiếng đồng hồ chạy lòng vòng… giờ mày còn cách đích chẳn bốn chục cây.

Đêm đó, tôi ngủ lại làng chài. Làng đang có hội và diễn tuồng, đào tung kép hứng suốt đêm. Anh kép trông lúc nào cũng buồn buồn day dứt sau lớp son phấn nhàu nát. Nhìn gương mặt anh, tôi cảm thấy như mình đang đạp xe vào 1 ngõ cụt không lối về.

Nằm trùm chăn trong phòng trọ, mãi đến chiều tôi mới kéo được mình ra đường. Chậm mất 1 ngày vì lạc đường tại Vĩnh Hy và cũng tự lượng sức mình, tôi đành gác lại kế hoạch đổ đèo Ngoạn Mục. Gió mát lạnh trên đường về Phan Rang. Trong tất cả các cảm xúc hỉ nộ ái ố của thiên nhiên, tôi thích gió nhất. Tự nhiên nhớ đến cánh đồng đầy gió ở Bố Nhĩ Tân…

Nhưng mà, tình tôi với gió còn dào dạt nhiều hơn nữa nếu nó thổi cùng chiều đạp xe. Thôi về Phan Rang tắm biển cái đã.

Vài bài học tôi rút ra từ chuyến đi muốn chia sẻ với bạn:

 1. Không phải cứ thành phố nào trên cao nguyên cũng cao hơn thành phố dưới miền biển, nên thật sai lầm khi nghĩ chỉ cần xách xe lên đến nơi là rung đùi đổ đèo (như tôi).
 2. Nếu bạn không rong chơi trên xe 4 bánh hay ít ra cũng là 2 bánh chạy bằng xăng không bằng cơm: hãy để chiếc máy ảnh DSLR ống kính rời, vỏ hợp kim ma giê của bạn ở nhà. Sau một lượng cây số nhất định, nó sẽ thành gánh nặng theo đúng nghĩa đen. Bạn (và tôi) cần nhớ, trong những món đồ lỉnh kỉnh mà cái xe đạp đang cõng, cái túi máy ảnh chỉ nặng sau mỗi bạn. Một cái máy du lịch loại chơi xong dông (point and shot) sẽ thích hợp hơn – bạn có thể dừng chân mà không cần xuống xe, rút máy bấm tạch rồi đút túi, đi tiếp.

4. GPS luôn phải trong trạng thái đầy pin và sẵn sàng. Không được táy máy nghịch khi ngồi rảnh rỗi trong quán cà phê.

5. Khi chuẩn bị cho chuyến đi xa và đi một mình, bạn nên mua những món đồ tốt nhất trong khả năng tài chính của mình. Cái đèn pin cùi tôi mua ở chợ Dân Sinh suýt nữa lấy mạng tôi…
Cứ tưởng tượng lúc bạn chuẩn bị đổ đèo trong rừng, xung quanh tối đen, lè ra không thấy lưỡi. Con đường đèo trơn tuột vì đá dăm và cát, chực hất bạn xuống vực mà nguồn sáng duy nhất, cây đèn pin cứ lập lòe như ma trơi.

6. Không phải cái gì loằng ngoằng trên Google Map cũng là đường… Không phải con đường nào cũng trải nhựa… Không phải con đường trải nhựa nào cũng đến đích… Không phải cái đích nào cũng như mong đợi.
(NISAVA: Nên chọn Googlemap dạng bản đồ vệ tinh hoặc hay hơn là dùng bản đồ Wikimapia sẽ thấy tường tận kể cả những con đường đang làm).
Cho nên, khi đến đích, dù nó là cái gì thì cứ tận hưởng đã. Sau đó ngủ một giấc: mọi chuyện để mai tính.
Và, khi đã trót dẫm chân lên con đường đó… thì nhớ hãy mang theo nhiều nước.

NISAVA TRAVEL! – Theo ArchiNomad Blog

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *