Biển Cổ Thạch là nơi tôi đi nhiều lần nhưng nhớ đời nhất chuyến tháng 6.2009 – đi từ tối thứ Sáu đến chiều CN về: trời hỡi, không biết nhằm ngày gì mà cả khu du lịch vượt tải đông nghịt người!

Thật ra thì lộ trình chuyến đi này đầy đủ là Cổ Thạch – Thày Thím – Mũi Né; đi hai ngày hai đêm.

Khởi hành lúc 8 giờ tối bằng xe 50 chổ, sau khi ghé vài điểm dừng chân trong đêm cho khách ăn đêm, đi toilet… thì tới Cổ Thạch vào lúc 5 giờ sáng.

Vừa xuống, tôi giật mình nhìn quanh vì thấy các xe khách đậu đông nghịt. Mọi người lục tục kéo nhau vào nhà nghỉ Bảy Hiệp, Phước Thạnh gần đó; hỏi sơ qua: giá phòng 2 người hôm nay tăng vọt lên 300K/ngày (thông thường là 200K, ngày thường rẻ hơn nữa).
Như thường lệ: dãy khách sạn nhà nghỉ trên này không nằm trong đích nhắm của mình nên chúng tôi đi bộ xuống dốc hỏi nơi thường ở là phòng trọ Minh tâm ngay bờ biển. Khu này cũng kín chỗ, còn một phòng 2 người giá chả khác gì trên kia. Trời hỡi: cái phòng bé tẹo chỉ đủ kê cái giường đôi và cái bàn, tường có cái quạt treo, toilet – nhà tắm chung nhưng giá hét ra lửa!

Loay hoay một hồi với cái giá chổ nào cũng cao (cầu vượt cung mà, chắn thiên hạ ai cũng vừa trúng số), tụi tôi bèn quay lên ngồi quán cà phê cóc hỏi dò mấy anh xe ôm. Vậy là có chổ, he he: Ở bải biễn lên dốc, quẹo trái là con đường đất đi ra đồi cát. Tụi tôi rẽ trái vào Hoàng Nguyên thuê… cái lều giá chỉ 80K/ngày!

Dạng nhà dân: phòng trọ của họ chỉ có 1 nhưng đã có người thuê; được Trời phò hộ nên họ có mảnh sân vườn rất rộng, có chổ có mái che, thoáng mát, rất nhiều võng, trồng nhiều cây phong cảnh hữu tình.
Xem ra cái lều cũng thành một cơ ngơi riêng chủ yếu để nằm ngủ nghỉ chứ đi du lịch: cả ngày lăn lộn nơi đây nơi khác cho thỏa tầm mắt thì không cần bận tâm tới một nơi ở khang trang tiện nghi làm gì.
 
An cư xong thì tính chuyện thăm biển cái đã: phía sau vườn có con đường mòn dẫn ra một ngả 3, nếu queọ trái thì ra biển, quẹo phải thì ra con đường đất có dốc khá cao > đường này nếu đi tới khoản 2 Km sẽ ra đồi cát, lăng Ông Nam Hải (có thể đi xe ôm: 10K)

Cổ Thạch vẫn như lần trước, lần trước nữa… Tụi tôi không khoái khoản bãi trước dãy nhà trọ, nó đông người, cát có lẫn rác (may là rác không nhiều). Nếu muón sạch đẹp hoang sơ thì xuống dốc biển là bạn rẻ phải chừng trăm mét (bãi kéo dài hàng cây số), qua các đoạn có đá rồi thì thích tắm chổ nào thì nhào xuống chổ đó thôi. Nơi này phía trên có bãi sỏi bảy màu đủ mọi hình thù, bạn có thể nhặt tùy thích kẻo 100 năm nữa sẽ hết sạch đấy!

Biển Cổ thạch thoai thoải, không sâu, sóng trung bình nhưng cát khá nhuyễn. Vì vậy những đợt sóng xô vào gần bờ sẽ cuộn cát lên khiến nước đục, cát bám đầy trên áo tắm của các bạn đấy.

Nếu cứ đi thẳng đến cuối bãi sẽ tới bãi đá và bụi rậm rồi tới đồi cát, xem như ngỏ này là ngỏ tắt, gần hơn đường đã kể trên. Đồi cát Cổ Thạch không bao la như Mũi Né nhưng ngồi trên ấy, chân vùi xuống cát lạnh ngắm biển ngắm trời cũng tuyệt lắm. Bạn cũng sẽ thấy những chú cá voi vui đùa ngoài kia, thỉnh thoảng phun lên những cột nước trắng xóa.
 

Đặc sản biển nơi này độc đáo nhất là sò Điệp bán ngay đường xuống biển hay khu chợ phía trên. Sau khi người bán làm sạch thì nướng chín bằng lửa than, quết mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Mèn ơi, nó lai dai mềm mềm nghọt thịt vị đặc trưng hải sản không thể lẫn lộn với đám nghêu sò ốc hến khác được. Nếu muốn mực thì có ngay: mực tẩm sa tế nướng sơ qua rồi chặt nhỏ bày trên đĩa; nhâm nhi với lon 333 nhìn biển bao la thật tuyệt cú mèo!

Chợ khu trung tâm vui lắm nhất là ngày thứ bảy Chủ Nhật; người ta bán đủ thứ khô đặc sản tại đây, có cả nho, táo xanh nếu đúng mùa thu hoạch. Có nồi niêu dất các loại, có vòng cổ sò ốc, san hô. Quán ăn ngoài trời bán đủ mọi thứ nhưng bạn cần hỏi giá trước. Lưu ý là vùng biển: hải sản địa phương sẽ rẻ hơn thịt heo gà đó nhé. Vì vậy đừng có ngạc nhiên khi bánh xèo… độn mực trong khi hủ tiếu chỉ có 3 miếng thịt vịt toàn xương! Chợ này có thể xôm tụ tới tận nữa đêm đó.

Đôi khi có một ban nhạc “Hai lai” nào đó được nhà trọ thuê sẽ xập xình cho khách du lịch coi miễn phí. Tụi tôi không khoái ồn ào nên trở ra bãi biển; không quá tối vì ánh đèn ngoài hiên của các nhà trọ soi sáng cả khoản trời. Bên trái, lần theo các cụm đá lớn men ra phía ngoài: sóng biển vổ ì ầm tung bọt trắng xóa lên các cụm đá ngoài xa.

Gió dạt dào, biển ngoài kia được tô điểm bằng muôn vàn ánh sao sáng lấp lánh. Đó là hàng trăm, hàng ngàn chiếc thuyền thúng câu mực trong đây để buổi mai chúng ta ngồi nhấm nháp.

Để cúng hay vãng cảnh chùa: từ dưới biển lên dốc bạn quẹo phải chổ có công viên khá đẹp đang xây dở dang. Đường vào chùa cũng bán hương và đồ lưu niệm, trước kia dãy nhà trọ cũ yên vị trên con đường này đấy: lộ xộn, siêu bình dân vì chủ yếu dành cho người hành hương. Sau này địa phương giải tỏa ráo, các nhà trọ xây dựng mới trên cung đường chính nên Cổ Thạch mới có được dung nhan như ngày nay.

Vào chùa đốt hương khấn vái nên vào chính điện, các nhánh rẽ nhỏ khá nhiều trong khuôn viên chùa dẫn vào các tượng Phật dưới thấp, trên mỏm đá cao…, nơi nào cũng lốc cốc tiếng mỏ cúng chùa.

Nếu chú ý, bạn sẽ thấy một nhánh rẽ bên trái đi quanh co dần dần lên núi. Từ nơi này: ra khỏi khuôn viên chùa đi ngược về hướng cổng chào khu du lịch Cổ Thạch thì bạn sẽ tới những hòn cổ thạch lớn (cái này bạn cũng thấy trên đường đi vào), đừng quên chụp vài tấm ảnh kỷ niệm nhé: cảnh vật đẹp tuyệt nhưng nên đi ban ngày vì rất vắng đấy.

Từ đường trung tâm cũng có nhánh rẽ qua khu resort bên cạnh nhưng nơi này khá vắng, không thấy khách Tây.

Theo tôi:
– Biển Cổ Thạch bình thường như bao biển khác – so với độ trong của biển Mũi Né thì không bằng.
– Cảnh đẹp nhiều: có núi, có biển, có đá tảng, có nhiều cây, có đồi cát… Nói chung là rất đẹp.
– Cái thu hút nhất tôi nghĩ là do cái… chợ: đông vui, hải sản ăn tại chổ đầy dẫy, chợ bán khuya, hợp sớm – 4 giờ sáng ra uống cà phê, ăn bánh mì chả cá giá bèo (nếu không ăn gà, heo, bò) và không quá nói thách.

Điền Gia Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *