Tháng năm, chúng tôi có dịp đến thăm khu căn cứ cách mạng Xẻo Quýt thuộc địa bàn hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp của huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Nắng lên trên đỉnh đầu, đoàn người xuống xuồng ba lá bơi thong dong lướt êm ả trên dòng kênh giữa bốn bề thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng.
Khu rừng nguyên sinh rộng 50ha, cây tràm mọc ken dày, dưới chân các gốc tràm cổ thụ là lau, sậy và các loại thực vật khác vây kín như bưng. 11 giờ trưa, nắng rực rỡ nhưng chỉ vài sợi nắng tơ mảnh xuyên qua tán lá tràm lọt xuống dòng kênh. Dây bòng bong quấn quanh thân cây tràm chằng chịt nở hoa soi hồng mặt nước.
Xẻo Quýt là nơi tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) chọn làm căn cứ hoạt động cách mạng chống lại giặc Mỹ. Rừng tràm với những cây cổ thụ từ 30 đến 50 năm tuổi che phủ, thời chiến tranh kẻ thù vào đây không phát hiện ra nơi ẩn náu hoạt động của cán bộ lãnh đạo cách mạng. Còn bòng bong, dây leo nhẵn thín ôm gốc cây tràm buông xõa hình thù như cổ bồng ngày tết. “Rối như mớ bòng bong”, địch lọt vào thì không ra được.
Xuồng bơi qua hầm công sự nổi, công sự chìm, nhà hội họp… Cô gái bơi xuồng mặc áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, giọng nói thánh thót, cười vui rộn rã. Xuồng hôm nay chở khách du lịch, các cô bơi xuồng “kiêm” nhiệm vụ thuyết minh… Trước đây trên chiếc xuồng này “chở nặng chiến công”, xuồng chở chú cán bộ, chở anh hậu cần làm nhiệm vụ ở Xẻo Quýt đánh bại kẻ thù dưới làn bom đạn ác liệt.
Khu căn cứ Xẻo Quýt có nhà hàng phục vụ khách tham quan. Tại đây có các món “lạ miệng” đãi khách, các phóng viên Báo Đồng Tháp gọi là đặc sản sóc tràm. Nói sóc tràm đánh “lạc hướng khẩu vị” với người chưa bao giờ ăn chứ thật ra là món chuột đồng nướng muối ớt. Người miền Trung không quen ăn thịt chuột nên miếng đầu tiên ăn cứ ái ngại ngập ngừng ở bờ môi… Khi “ráng ăn” thưởng thức… đặc sản, thịt chuột nướng trên bếp than hồng thơm ngon. Bây giờ nhắc đến, mùi thơm, vị ngọt còn phảng phất ở đầu lưỡi.
Rồi cá lóc nướng trui, cháy đen nhẻm bưng ra. Ngập ngừng gây lát, tôi nhớ lại tuổi thơ đi chăn bò cầm theo cần câu quảy đằng sau lon sữa bò đựng giun đất làm mồi câu cá. Rạch bàu quê tôi ngày ấy cá rô đồng rất nhiều, lách trong đám rau muống rẹt rẹt. Câu một lát, quơ củi rìu xỏ xiên, nướng cá ăn lót dạ buổi sáng.
Cô gái phục vụ nhà hàng mặc áo bà ba đỏ. Sau một hồi xởi lởi làm quen ra chiều thân thiện, cô gái giải bày: “Nơi em ở cách đây hơn 50 cây số, gốc gác nhà quê, quanh năm mần ruộng, hết mùa lúa em lên trên này làm thêm. Con em “bự” (lớn) rồi biết nhảy lò cò, ở dưới ba”.
Dáng người dong dỏng cao, gương mặt trắng hồng, phúc hậu. Nhà quê mần ruộng nên có “đặc điểm riêng”, bàn tay thô tháp, không như các cô gái thị thành ngón tay thon nhỏ… Em cười, nụ cười tươi rói, đôn hậu. Một nét đẹp mỹ miều lắng đọng trong tâm hồn bao người…
Người dân sống gần khu căn cứ cách mạng Xẻo Quýt hòa nhịp vào môi trường kênh rạch chằng chịt. Những ngôi nhà trải dài với những mảnh vườn trồng xoài, ổi, nhãn…
Nước dưới kênh rạch vẫn chảy, ghe xuồng vẫn ngược xuôi. Trên dòng kênh, ghe chở lúa cập bến từng tốp công nhân bốc vác hối hả đưa lúa vào nhà máy. Ghe chở cát cũng ngược dòng chạy đến nơi công trình đang xây dựng. Một chiếc ghe chở trái cây bỏ mối vừa về, mấy người đàn ông làm công nhân nghỉ mệt lai rai xị rượu, bàn tán chuyện đồng áng, mùa màng.
Chiều, trời bất chợt đổ mưa. Mưa ầm ào trên tán lá cây rơi xuống mái tôn đổ xuống dòng kênh hòa vào lòng nước lững lờ. Trong ngôi nhà, người mẹ và hai đứa con, một trai, một gái đang ngồi ăn cơm phía sau vách hậu sát mé kênh. Bé gái năm nay mười sáu tuổi, bé trai lên mười.
Nồi cơm dọn ra nóng hổi, người mẹ bảo con gái lấy tô (bát) dỡ cơm, canh để phần cho ba, còn dặn: con gái lớn rồi, ăn uống nề nếp, đến bữa ăn cha mẹ đi làm chưa về múc ra để phần riêng hẳn hoi, không được chừa trong xoong, trong nồi nghen con! Nhìn người phụ nữ con dặn con, tôi hình dung người mẹ truyền “nếp nhà” hiếu thảo truyền thống cho thế hệ mai sau. Hỏi ra mới biết, “ba lũ nhỏ làm nghề bốc vác lúa ngoài ghe chưa về”. Rồi bữa cơm trôi đi trong sự lặng lẽ của ba người.
Trời Đồng Tháp chợt mưa, chợt nắng. Rời Xẻo Quýt theo quốc lộ 30 về lại thành phố Cao Lãnh, dọc đường đi dưới ráng chiều đỏ thắm, tôi nhìn đắm đuối ghe xuồng dưới dòng kênh rạch. Ở đó có một cuộc sống cực nhọc mà êm đềm.
NISAVA TRAVEL! – Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Vietnamnet), ảnh internet