(CAND) – Đèo Blao, con đường ngoằn ngoèo như rắn bò vắt ngang qua triền núi đá dài 10km, cũng là đường đèo đẹp và nguy hiểm nhất nằm trên quốc lộ 20. Chỉ cách nhau 10km nhưng ở đỉnh đèo đầy sương mù và tiết trời se lạnh, còn dưới chân đèo nắng nóng chói chang. Gần 100 năm nay con đèo như chiếc hộp đen ghi lại chứng tích một thời. Dọc theo tuyến đèo kỳ vĩ này là miếu thờ, đài tưởng niệm và những nấm mộ hoang ghi dấu sự chết chóc đau buồn. Nơi ấy còn những vong hồn mang khát vọng được sống chập chờn trên núi đá như muốn nhắn nhủ với con người.
Ông Bùi Tho, 70 tuổi là kỹ sư của chế độ cũ, sinh ra và lớn lên tại Blao, tỉnh Lâm Đồng. Ông là người đầu tiên ở sơn nguyên này thi đậu vào trường quốc gia Nông Lâm Mục ở Miền Nam năm 1961. Là một kỹ sư chuyên ngành Thủy Lâm, ông Tho gắn bó với cây rừng dòng suối quê mình như máu thịt. Nếu có ai đến phố núi tìm hiểu về nền văn minh Blao khoảng 100 năm, ông sẽ là người dẫn đi và giới thiệu một cách nhiệt tình không cần đòi hỏi thù lao.
Cách đây một tuần, ông điện thoại bảo tôi cùng đi xuống đèo Bảo Lộc xạ (rải) hạt cây xanh lên triền núi ven đường để vài chục năm sau con cháu có nơi ngồi nghỉ. Trong việc trồng cây gây rừng này, ông tự bỏ tiền túi ra mua hoặc xin hạt giống rồi đi rải không cần sự trợ giúp của chính quyền. Trong thời buổi hiện nay còn có người sống chết với rừng như ông Bùi Tho thực sự quý hiếm, nên tôi phóng xe máy chạy theo ông vừa chụp ảnh vừa tìm hiểu thêm về con đèo và có dịp đến thăm những nấm mộ hoang được người dân địa phương thêu dệt mang sắc mầu âm bản.
Từ một thời cổ sử
< Đèo Blao tháng 12 năm 1993.
Quốc lộ 20 dài 233km bắt đầu từ ngã ba Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại Đà Lạt. Để lên được thành phố bốn mùa hoa nở này, người và xe phải vượt qua khá nhiều con đèo, trong đó đèo Blao. Đèo Blao hay còn gọi là đèo Bảo Lộc dài 10km, gồm có 108 khúc cua tọa lạc ở cây số 97-107 với độ cao 932m, được thiết kế bám theo triền núi, một bên là núi đá dựng đứng một bên là vực thẳm nhìn muốn rợn người. Vào mùa mưa, những vách đá ven đường mọc đầy hoa thạch thảo (hoa đá) như bức tranh thủy mạc thiên nhiên hút hồn du khách. Đèo Blao với tiết trời se lạnh vừa mang dáng hoang dã vừa kỳ bí, nhất là sáng và chiều dầy đặc sương mù trắng xóa lấp đầy thung lũng, làm cho con người tưởng chừng đang đứng trên cõi hư không.
Lịch sử đèo BLao gắn liền với con đường dẫn đến khu nghỉ dưỡng Đông Dương ở Đà Lạt vào đầu thế kỷ trước tiền thân của quốc lộ 20. Con đường nối liền giữa cao nguyên và đồng bằng này ban đầu rộng 4m trải đá được khởi công vào tháng 11/1926 và hoàn thành ngày 31/5/1927 dưới thời toàn quyền Varenne. Để bảo đảm thông đường trong vòng 8 tháng, công binh Pháp đã sử dụng 400 phu dịch, còn gọi là culi (coolie) làm việc ngày đêm, số lượng culi bao gồm: người Khor, Chror, Mạ, Stiêng và dân phu đồn điền cao su người Kinh.
Trong 200 ngày đêm dùng cuốc xẻng làm đường giữa chốn rừng thiêng nước độc, nhiều dân phu đã bỏ mạng vì bệnh tật, tai nạn hoặc bị thú dữ ăn thịt, xác của họ bị vùi lấp ở dọc đường thành những nấm đất hoang tàn không mộ chí. Một số những người phu ấy, sau này được Việt Minh giác ngộ đã trở thành những tay súng cừ khôi chống lại thực dân Pháp và Phát xít Nhật ngay tại đường đèo Bảo Lộc. Thủ lĩnh KKíu (dân tộc Khor), người có sáng kiến bố phòng trận địa bằng bẫy đá và cây rừng từ trên đồi cao dội xuống là nhân vật điển hình, ông đã đi vào sử sách Nam Tây Nguyên như một huyền thoại.
Sử liệu của địa phương cận đại có ghi lại rằng: Ngày 9/11/1945, Ban Chỉ huy Quân sự Việt Minh ở Nam Trung bộ nhận định quân Nhật sẽ chiếm Đồng Nai Thượng qua đường 20 nên đã điều trung đội Mười Mè và vận động ông KKíu, thủ lĩnh Khor ở Lộc Sơn (Bảo Lộc) trấn giữ đường đèo. Lúc bấy giờ, trung đội chỉ có vài khẩu súng còn chủ yếu là cung tên, giáo mác. Ông KKíu từng là culi làm đèo Bảo Lộc, biết rõ vị trí nguy hiểm ở các tuyến đường cua tay áo. Vì vậy, ông đã vận động bà con dân tộc của mình cùng với bộ đội Mười Mè chất đá và cây rừng buộc trên đỉnh đồi, nơi có thể trực tiếp đổ xuống đường đèo và dùng hệ thống báo động bằng cách buộc các lon sữa bò (cách nhau 100m) kéo dài từ chân đến đầu đèo.
Đúng như nhận định, vào lúc 15h ngày 11/11/1945, người Nhật đưa quân chiếm tỉnh Đồng Nai Thượng. Dẫn đầu là xe bọc thép cùng với 40 xe quân sự chở 300 lính. Đợi quân Nhật vào ổ phục kích, ông Mười Mè ra hiệu lệnh giật lon báo động. Từ trên cao, trận mưa gỗ, đá, lửa và cung tên lao thẳng xuống đường đèo cùng với tiếng reo hò, tạo thành một thế trận hỗn loạn. Trận ấy, nhiều lính Nhật bị tiêu diệt. Tuy nhiên, là một quân đội viễn chinh nhà nghề, quân Nhật đã đánh bọc hậu, trung đội trưởng Mười Mè hy sinh cùng với 20 đồng đội Kinh, Thượng.
Ông KKíu sau này bị Pháp bắt. Họ đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, hăm dọa, nhưng vẫn không mua chuộc được người thủ lĩnh Khor tài trí này. Cuối cùng vào năm 1947, người Pháp đã xử bắn công khai tại Di Linh. Trước pháp trường, ông dõng dạc tuyên bố: “Tao không sợ chết! Tao chết nhưng đồng bào của tao còn sống tiếp tục đánh mày! Tao chết trước, mày sẽ chết sau!”…
Chiến công đường đèo năm 1945, ngoài quyết tâm giành độc lập dân tộc, còn thể hiện tinh thần đoàn kết chung lưng đấu cật giữa hai anh em Kinh – Thượng. Sự kiện ấy lại được tiếp nối trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1972 nữ anh hùng Lê Thị Pha và hai đồng đội người Khor – Mạ khi chết cùng nằm chung một nấm mồ. Đường đèo còn lưu lại kỳ tích của các nhà tư sản dân tộc ở Miền Nam đã tiếp tế lương thực, thuốc men cho quân giải phóng bằng những chuyến xe tải. Họ đã góp công, góp của vào công cuộc giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, đoạn đường đầy cua tay áo này cũng là “nhân chứng” thời “ ngăn sông cấm chợ”. Vì cơm áo đời thường những cư dân địa phương đã “xé rào” bó trong người vài ký trà, vài ký cà phê đêm đêm len lỏi xuống đường đèo vượt rừng trong bóng tối với gió lạnh buốt xương. Để rồi khi đất nước chuyển sang thời đổi mới cũng những con người ấy lại nhìn thấy trên đường đèo, hàng triệu lượt xe chở đầy hoa tươi, rau quả, trà, cà phê xuống tận miền xuôi. Rồi từ miền hạ chở xi măng, sắt thép… và ánh sáng văn minh lên miền thượng.
Hiệp sĩ đường đèo
Anh Đẩu là bạn tôi, người có ngôi nhà nối dài từ mặt đường 20 ra thung lũng, sống bằng nghề bán cà phê tại đầu đèo heo hút gần 30 năm. Ngồi ở quán cà phê mang hồn của núi này nhìn thấy ngọn cây rừng chao lá dưới chân mình, nhiều lúc sương mù chập chờn phủ lên mặt, ướt cả tóc và lông mi. Những buổi sáng sớm vài ba con sóc gọi bầy đứng chồm dậy trên cây kêu vang vọng cả một góc rừng hoặc đàn khỉ núi chuyền cành nhe răng cách con người 10 mét. Anh Đẩu gần như là người nhận được nhiều thông tin vụ việc gây ra sự cố đường đèo. Nhiều năm sống tại đây, anh cho biết khi có xe máy phân khối lớn của Công an hụ còi chạy xuống là có ít nhất một người tử nạn, nhưng nếu Công an đi xe con kèm theo xe cứu thương của bệnh viện hú còi chạy tốc độ là có người và xe bị lao xuống thung lũng…
Để có thể biết thêm tư liệu sống về các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông đường đèo, chúng tôi ghé thăm nhà anh Đẩu. Ông bạn đầu đèo này là người nghiện trà và nói chuyện bằng tâm thức, anh thích những người từng trải đến nhà để tâm sự cuộc đời phiêu bạt của mình. Anh Đẩu đã hơn ngũ tuần nhưng thân hình mạnh khỏe và gương mặt phúc hậu, đã có lúc anh tự nguyện đi nhặt xương cốt những người vô danh bị chết dưới vực thẳm đem chôn cất không một tí vụ lợi. Vì vậy anh có biệt danh là “Hiệp sĩ đầu đèo”.
Nhân lúc vui vẻ tôi hỏi anh một cách chân tình. “Trong từ điển tiếng Việt, hiệp sĩ là người tài giỏi, dũng cảm đem tâm trí và võ thuật ra giúp người thế cô. Đời người không phải ai cũng có tước hiệu đó. Thế hành động phi thường của anh bắt đầu từ đâu!”. Anh chậc lưỡi trả lời: “Cũng chẳng phải là hiệp sĩ, hiệp sanh gì anh ạ! Tôi đã đi qua một cuộc đời đầy gió bụi, được nhiều người giúp, bây giờ làm thế cũng chỉ để trả ơn đời, đồng thời cũng muốn qua việc làm nhân bản này để giáo dục các con tôi. Vì suy cho cùng, trong đời người nếu sống bằng tâm đức bao giờ cũng bền vững”.
Anh Đẩu nói chuyện từ tốn, ngồi đan hai bàn tay úp vào ly cà phê nóng nhìn những giọt cà phê nhỏ xuống như tìm kiếm sự tinh túy của một đời người. Anh chậm rãi kể: “Tôi định cư ở đầu đèo này khá lâu, chuyện của đèo trong khoảng vài mươi năm gần đây tôi đều biết. Thực ra, sau khi xảy ra tai nạn, bà con thường đến quán tôi ngồi trao đổi bàn tính, phân công nhiệm vụ, đến lúc gặp vấn đề nhạy cảm thấy mọi người yên lặng đưa mắt nhìn nhau, tôi mới xin giúp không kèm theo điều kiện.
Anh biết! thường xác người đã đến giai đoạn thối rữa, người sống vì lý do riêng tư gì đó hay né tránh. Suy cho cùng nạn nhân cũng là con người vô phúc đáng thương. Tôi nhớ một việc xảy ra cách đây khoảng 6 hay 7 năm gì đó. Lúc ấy tử thi là người đàn ông đã chết khá lâu nằm dưới hố thẳm, đầu còn vướng trên cành cây nhưng thân thể đã rơi xuống đất, được các em Khor đi hái măng rừng phát hiện. Vài anh Công an trẻ đu dây xuống hiện trường nhưng gặp phải mùi hôi thối và sương mù dày đặc nên phải trèo lên.
Đèo Blao chắc anh không lạ một bên là núi đá, một bên là hố thẳm sâu hun hút chỉ nhìn đã sợ. Khi có nắng và bớt sương mù chúng tôi mò xuống. Việc đầu tiền là đối mặt với ruồi nhặng, chúng to bằng hạt ngô, màu xanh xẫm bóng lộn bay vù vù từng đàn bám vào cây lá, thậm chí bu bám vào người mình mang theo mùi hôi thối. Trước mặt chúng tôi là một thi thể đã thối rữa, xương hiện ra từng phần. Sau khi Công an chụp ảnh khám nghiệm, chúng tôi thắp nhang khấn vái hương hồn người quá cố xin được chôn cất, rồi túm gọn xác người bỏ vào bọc nylon mang lên đường nhựa.
Nói là đơn giản nhưng khi bắt tay vào việc, người không có thần kinh thép dễ bỏ cuộc vì sợ hãi từ mùi xú uế nồng nặc, đến sự lạnh lẽo huyền bí của núi rừng chưa kể vong hồn của người quá cố. Nhiều lúc chúng tôi đốt nhiều nhang để giảm bớt mùi hôi vừa xin vong hồn trợ giúp khi phát hiện thiếu cái tay hoặc cái chân do loại bò sát kỳ đà tha đi. Chưa hết, còn một hình ảnh khác cũng không kém phần hoảng sợ là hồn vong của người nước ngoài. Họ không phải chết vì tai nạn giao thông mà chết vì cuộc chiến đường đèo. Nếu anh không tin hôm nào 12h trưa, trời không mưa hay không có sương mù, anh đi với tôi để minh chứng có hay không!”.
Anh Đẩu pha thêm tuần trà lần hai chép miệng: “Suy cho cùng vong người nước ngoài cũng là nạn nhân đến giờ vẫn chưa siêu thoát, không biết còn chờ đợi gì! Họ chỉ xuất hiện vào buổi trưa anh ạ! Ngày trước tôi đi nhặt củi khô đã hai lần phát hiện một nhóm quân nhân người nước ngoài đứng trên mỏm đá cao cách tôi vài mét vung tay nói chuyện với nhau, tôi rất chú ý lắng nghe nhưng không hiểu được rồi từ từ họ biến mất. Lúc đầu tôi sợ đến nỗi chạy mất cả dép, mặt cắt không còn giọt máu, những lần sau tôi mua thuốc lá thơm, bánh bích quy, vài lon nước ngọt và hương khói lầm rầm khấn vái. Từ dạo ấy, không biết vì sao mà mãi đến giờ không thấy họ xuất hiện nữa. Anh là người lạ, lại biết tiếng tây, ngày mai đi với tôi xuống đèo, tôi cam đoan sẽ gặp và nói chuyện với họ, họ không làm gì mình đâu vì đó chỉ là vong hồn mà!”. Ông Đẩu ngửa mặt lên trời cười sằng sặc và xác tín với tôi không phải là chuyện đùa.
Những nấm mộ ven đường
Cách đây chừng 20 năm, lúc đèo Blao chưa được tái thiết, dọc theo con đường tử thần này có thể đếm được rất nhiều miếu cô hồn, hầu hết các miếu đều không có tên người. Có những miếu lớn rộng gần 1m, cao 0.7m xây bằng xi măng, có miếu làm bằng gỗ, có miếu ngả nghiêng với những cây nhang rơi vãi nằm chơ vơ trên bờ cỏ dại. Sau này, đường đèo nâng cấp, những ngôi miếu vô danh hay hữu danh cũng đều lần lượt ra đi để nhường chỗ cho con đường mở rộng. Bây giờ chỉ còn vài chục miếu, chủ yếu do thân nhân phục hồi lại để tưởng niệm người thân của mình.
Trước đây, vào thời chiến, những người chết vì tai nạn giao thông nếu không có người nhận được bà con chôn tại ven đường. Sau năm 1975 chính quyền địa phương trích ngân sách đưa những người xấu số về mai táng ở nghĩa địa gần nhất. Dù chôn cất ở đâu, những con người chết vì tai nạn này cũng được liệt kê vào danh sách “chết đường, chết chợ” Đối với người Việt từ ngày xưa cho đến bây giờ, việc từ giã cõi đời như thế là một điều bất hạnh, đôi khi người ta còn dùng cho một câu chửi rủa dành cho hạng người vô gia cư không nghề nghiệp làm điều trái với đạo lý. Thực ra, câu chửi “đồ cái thứ chết đường chết chợ” cũng chưa đúng lắm, vì trong hàng trăm hàng ngàn con người ấy đều có nhà cửa, nghề nghiệp và cũng có nhiều trường hợp khác nhau, không ai muốn ra đi đột ngột mà không có một lời trăng trối.
Để một mình ông kỹ sư Bùi Tho tìm nơi rải hột giống ven triền núi, tôi chạy xe men theo những miếu hoang đốt nhang thì thầm với họ. Nhìn những chiếc miếu vô hồn còn lại nằm trên đường vắng vừa gợi lại đau buồn vừa nhuộm sắc mầu âm bản. Những tai nạn giao thông xảy ra đều do người điều khiển, dù người lái xe lớn hay nhỏ cũng được gọi là “bác tài”. Trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam thường xuất hiện thuật ngữ “con, thằng” ví dụ như con ca sĩ này, thằng đánh bạc kia nhưng đối với tài xế người ta gọi là bác tài. Có lẽ con người ủy thác vai trò người tài xế đối với sinh mạng hành khách cao cả hơn cha mình.
Tuy nhiên, tài xế thời nay có nhiều người quá trẻ chưa có nhiều trải nghiệm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để bảo vệ hàng chục con người ngồi sau tay lái, chưa nói là uống rượu bia hay những trường hợp học giả bằng thật. Trong xã hội, nếu một bác sĩ “dỏm” một lần xảy ra sự cố chỉ chết một người, còn tài xế là vài chục con người một lúc.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2012 cả nước có khoảng 7.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, mặc dù có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đó vẫn là con số gây tổn thương rất lớn về tinh thần và tiền bạc đối với những người thân của họ. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước có số người tử vong vì tai nạn giao thông lớn nhất thế giới. Trong 10 năm qua, Việt Nam phải chi phí 40.000 tỷ đồng giải quyết hậu quả, tương đương xây dựng 600.000 ngôi nhà tình nghĩa, 10 bệnh viện cấp tỉnh, hơn 1.000 trường học…
Trên mặt bằng quốc gia, ở các quốc lộ, xa lộ, tỉnh lộ, hương lộ… nếu ta lấy mốc thời gian từ Pháp thuộc đến nay thì hầu như nơi nào có đường lộ là có người chết. Cách vài mét, vài chục mét, vài trăm mét, vài cây số là có người vĩnh viễn ở lại đó. Có những chiếc xe đã và đang bị phân hủy nằm sâu dưới vực thẳm giữ chặt hằng chục oan hồn. Ngay tại con đèo 10km này bao năm qua ngành giao thông luôn luôn bảo vệ mặt đường trong tình trạng tốt nhất để giảm bớt tai nạn, mặc dù cách đó vài trăm mét con đường xuống cấp đến mức tồi tệ. Tuy nhiên, tai nạn vẫn không dừng lại, hàng tháng vẫn nghe xe cứu thương và xe Công an rú còi chạy tốc độ về hướng đèo với những đôi mắt đầy lo âu cho đồng loại. Vì nơi ấy máu và thân xác nạn nhân lại tiếp tục bị hất tung xuống vực thẳm không có ngày về, trong đó có những vong hồn uất ức bởi ra đi đột ngột không kịp trăng trối một lời và tiếp theo là những tiếng kêu khóc xé lòng của người thân.
Hiện nay, dọc theo tuyến đường đẹp nhất của quốc lộ 20, cái chết vẫn thường xuyên rình rập, tai nạn vẫn cứ diễn ra hàng tuần hàng tháng, thỉnh thoảng những người thân hay người đi đường vẫn dừng xe bên miếu thờ thắp nén hương tưởng nhớ trong câm lặng. Khi tôi đứng thắp hương tại một ngôi miếu cô hồn, hình như cổ miếu này vài ngày trước đã có người đến viếng nên còn lại một hộp xôi cút đã ngả màu lên mốc xanh rì, vài ba cây nhang ngã xuống nằm chỏng chơ trên cỏ. Hai cháu bé chăn bò đứng đấy dường như chờ đợi trái cây hay bánh trái ở các miếu thờ cho biết “Ngôi miếu này của hai anh chị ở Sài Gòn chạy lên bị xe ben tung chết lâu rồi, ông chủ xe xây miếu cho họ đấy!” Anh Đẩu cho biết những người xấu số đường đèo hầu hết đều là ở các tỉnh, thành khác còn người địa phương đã có ít nhiều kinh nghiệm mà họ là nhân chứng hàng ngày.
Nhân loại đã có “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”. Nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác có ngày để kỷ niệm, để gây ý thức. Riêng ngành giao thông vận tải mới được nhà nước quyết định cho lấy 19/11/2012 làm Ngày tưởng niệm các nạn nhân đầu tiên tại Việt Nam. Đó vừa là thể hiện tính nhân đạo, cảnh báo con người vừa làm ấm lòng cho những oan hồn xấu số.
Quốc lộ 20 tiếp tục chuẩn bị nâng cấp với dự toán hơn mười ngàn tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Đèo Blao sẽ được trở nên đẹp hơn nữa. Ngày đêm có hàng ngàn lượt xe in hình trên kính lõm, hàng triệu con người lên xuống nhìn cảnh mây vờn gió núi hít thở không khí se lạnh của thiên nhiên. Không biết trong họ có ai còn nhớ 400 culi mở đường với những thân hình tiều tụy đói khát nhập nhòa trong khói bụi. Có ai còn nhớ những tiếng reo hò của hai anh em Kinh – Thượng ngày xưa trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Và không biết có ai nghe được tiếng thở dài tiếc nuối từ những ngôi miếu hoang để làm bài học cho mình.
Theo Bảo Lộc – Trần Đại (báo Công An Nhân Dân)
NISAVA TRAVEL!