(TBKTSG) – Trước khi ra Hội An, tôi được một đồng nghiệp quê ở Đà Nẵng am hiểu phố cổ chỉ dẫn những điều cần thiết; những món ăn không nên bỏ qua và nhất là địa chỉ những quán ăn vừa ngon vừa rẻ.
Tôi ghi chép lại mấy chỗ ăn uống theo sự hướng dẫn của “thổ địa” và chắc mẫm là sẽ có những trải nghiệm ẩm thực thú vị ở Hội An. Danh mục “ăn uống” trong cuốn sổ tay của tôi gồm có: Cơm gà bà Buội trên đường Phan Châu Trinh, quán cà phê của những người khiếm thính, bánh mỳ cô Phượng gần chợ Hội An, cao lầu Hội An đối diện chùa Phúc Kiến, các gánh hàng rong bán chè bắp, mỳ Quảng, chí mà phù, đậu hũ nước đường, bánh tráng hến xúc ở Cẩm Nam…
Đến Hội An khi trời vừa tối, cất hành lý ở nhà trọ xong, tôi rủ bạn thả bộ ngắm cảnh phố cổ về đêm và tìm quán ăn cơm tối. Đến đường Phan Châu Trinh, hỏi mấy bác xích lô bên đường chỉ cho quán cơm gà Bà Buội.
Phố cổ Hội An tuy nhỏ như mấy con đường lòng vòng khu vực chợ Bến Thành ở TPHCM nhưng lúc bụng đói rã rời lại phải đi bộ loanh quanh tìm kiếm một hồi cũng khiến chúng tôi hơi nản. Nhưng nghe nói cơm gà Bà Buội ngon lắm, không nên bỏ qua, nên chúng tôi cũng cố gắng thử xem món cơm gà hấp dẫn này ra sao.
< Tìm thấy nhưng quán đóng cửa!
Từ đầu đường Phan Chu Trinh, chúng tôi căng mắt nhìn từng cái bảng hiệu. Cuối cùng, quán cơm gà Bà Buội ở gần cuối đường cũng hiện ra. Nhưng cửa quán đóng kín! Hỏi thăm bác xích lô bên đường, mới biết quán Bà Buội mở cửa buổi sáng 10 giờ lận.
Sáng hôm sau, quyết ăn cho bằng được món cơm gà Bà Buội nên khi đi chơi một vòng, chúng tôi đạp xe đến quán bánh mỳ Cô Phượng rồi tìm một quán cà phê gần cơm gà Bà Buội để vừa gặm bánh mì vừa chờ cho đến 10 giờ.
Khoảng 9g30 chúng tôi ghé ngang, quán Bà Buội vẫn chưa có dấu hiệu gì là đang chuẩn bị mở cửa, chúng tôi hỏi một cụ già ở cái hẻm sát bên quán cơm gà Bà Buội thì bà bảo là 10 giờ quán mới bán.
Chúng tôi cảm ơn bà rồi chạy xe đạp xuống chợ Hội An, đi lòng vòng ngắm nghía hàng quán trong chợ đến 11 giờ trưa mới trở lại quán cơm gà Bà Buội một lần nữa. Quán Bà Buội vẫn còn đóng cửa im ỉm. Lại hỏi thăm bà cụ nhà bên lúc nãy, bà nói hôm nay quán nghỉ bán (Trời ạ! Giá như bà nói luôn lúc nãy thì chúng tôi khỏi mất công đi tới đi lui).
< Bên cạnh là quán cơm gà Bà Hồ, trên đường Phan Châu Trinh, Hội An.
Bà chỉ sang quán bên cạnh, cũng bán cơm gà. Cái bụng đói meo đang rên rỉ nên chúng tôi đành sang cái quán cái bên. Thầm nghĩ rằng chuyến đi Hội An của chúng tôi kỳ này coi như không có duyên được thưởng thức món cơm gà Bà Buội. Biết bao nhiêu quán bán cơm gà nhưng chúng tôi chỉ chăm bẵm vào cái quán Bà Buội để rồi… công cốc.
Vừa qua quán kế bên (quán là một cái nhà nhỏ kê vài cái bàn cho khách ăn), tôi buột miệng hỏi một chị đứng tuổi trong quán: “Cơm gà Bà Buội hôm nay lại không mở cửa hả chị?”. Nói xong, tôi biết mình lỡ lời, hỏi một câu thiếu tế nhị.
< Hãy nhớ, đến quán này đừng hỏi han lung tung mà bị chửi.
Một câu hỏi với ý gợi chuyện vui vẻ nhưng không đúng chỗ. Tức thì “hậu quả” của cái sự nhanh miệng, lỡ mồm của tôi bùng phát ngay. Khá bất ngờ. Chị ấy tuôn một tràng tới tấp: “Bà Buội mất lâu rồi, sao cứ lôi tên bà ấy ra hoài vậy? Mấy người có để cho bả yên nghỉ hay không mà sao cứ làm phiền người đã khuất? Bây giờ làm gì còn bà Buội. Quán này chỉ còn tên thôi chứ bà ấy đã qua đời lâu rồi. Giờ con cháu bả bán chứ làm gì còn bả nữa…!”.
Chúng tôi chưng hửng không kịp phản ứng gì hết, chờ chị ấy nguôi cơn giận rồi mới nhẹ nhàng giải thích: ‘Thực ra tụi em mới đến Hội An lần đầu, người bạn em nói nên đến ăn cơm gà ở quán Bà Buội chứ tụi em không rành lắm!’.
Càng ngạc nhiên hơn, không ngờ lời nói có ý xoa dịu lại khiến chị ấy nổi giận đùng đùng: ‘Đã nói bà Buội mất rồi sao cứ kêu tên người chết hoài vậy…! Thử ăn cơm gà bà Hồ xem có ngon không. Bà Hồ là em bà Buội, bà Hồ bán cơm gà mấy chục năm nay rồi. Giờ cơm gà Bà Buội chỉ còn có cái tên thôi chứ bả làm gì còn mà cứ hỏi hoài?!’.
Người nổi nóng với chúng tôi có vẻ không phải là chủ quán mà chỉ là người nhà phụ việc thôi, nhưng trong lúc ấy, một bà lớn tuổi đứng ở quầy thức ăn chỉ im lặng, làm cơm cho khách không có ý kiến gì về thái độ của chị kia hay với khách hàng, cứ như không nghe, không biết những gì diễn ra trong quán của mình.
< Đĩa cơm gà nhìn hấp dẫn nhưng bị nhà quán mắng té tát làm sao khách ngon miệng?!
Lúc đó chúng tôi chỉ còn biết câm lặng, kêu hai dĩa cơm gà ăn cho đỡ đói vì chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa là chúng tôi phải ra xe đi Huế. Cô bạn cùng đi với tôi, về đến Sài Gòn một tuần sau vẫn còn ấm ức: “Cơm gà Hội An… có khuyến mãi trước khi ăn!”.
Một lát sau, khi chúng tôi đang ăn lại có một cặp vợ chồng dắt đứa con trai vào và cũng dại dột hỏi thăm “cơm gà Bà Buội”, thế là lại nhận được những câu mắng mỏ y như chúng tôi lúc nãy. Hóa ra họ cũng là khách du lịch như chúng tôi, cũng chỉ nghe người ta dặn nên muốn tìm đến quán cơm gà Bà Buội.
< Bà Buội ngày nay không còn nữa nhưng quán vẫn còn. Vậy nhưng nếu vào quán khác hỏi điều liên quan thì bạn sẽ được thưởng thức ‘cơm chửi’.
Công bằng mà nói, đĩa cơm gà ở quán này nấu cũng ngon, lẽ ra chúng tôi đã thưởng thức được miếng ngon đó trọn vẹn hơn nếu chúng tôi không bị nghe ‘chửi’ trước khi ăn.
Chợt nhớ đến nhiều du khách đi Hà Nội bị ăn phở ‘chửi’ như chúng tôi rồi về cứ than phiền mãi rằng ở Sài Gòn mà phục vụ khách như vậy thì cái quán ấy sớm dẹp tiệm. Người Sài Gòn chúng tôi ăn uống không kén chọn lắm nhưng lại rất coi trọng cung cách phục vụ của từng quán. Nếu quán phục vụ tốt thì người ta sẽ còn trở lại, còn quán mà phục vụ tệ thì cho dù có bán đồ ăn ngon thì cũng sớm bị tẩy chay.
< Cơm gà Bà Buội vẫn còn đây nhưng đang trong ngày nghỉ.
Xưa nay, những người tôi quen biết đi Hội An về, ai cũng ca ngợi người dân ở Hội An hiền hòa, dễ mến, khen nức nở những hàng ăn lịch sự, vân vân và vân vân…
Nhưng với những du khách đến Hội An lần đầu như chúng tôi đã gặp phải sự cố không mong muốn thế này thì chuyến đi đến phố cổ lần này đã để lại ấn tượng không đẹp, e ngại khi muốn trở lại.
Tiếc thay!
Theo Minh Nhật (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!