Nhắc tới chùa Một Cột, nhiều người nghĩ ngay đến Chùa Mật hay còn có tên khác là Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa Đài, nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ở Hải Phòng cũng có một ngôi chùa Một Cột khác nằm ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân (TP.Hải Phòng) được nhiều du khách tìm đến trong dịp đầu xuân.
Vật liệu dựng chùa chủ yếu làm bằng gỗ lim còn cột trụ làm từ bê tông, chùa Phổ Chiếu tọa lạc giữa hồ nước rộng hơn 1 sào, xung quanh có liễu rủ. Đây là kiến trúc mô phỏng di tích chùa Một Cột ở Hà Nội, thờ Quán thế âm Bồ Tát.
Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian. NISAVA
Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Không chỉ ấn tượng với kiến trúc một cột, nhiều người đến với chùa Phổ Chiếu còn có thể chiêm ngưỡng tháp cửu phẩm màu vàng cao vút soi bóng xuống hồ Ông Báo.
Năm 1953, Sư Ngộ Chân Tử người làng Cao Mại, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đến đất này “trấn tích khai môn” xây dựng nên ngôi chùa và trụ trì tại đó. Lúc đầu, chùa được gọi là Tam Giáo đường, thờ Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, thể hiện khát vọng hòa hợp tôn giáo và sự hòa hợp dân tộc.
Đến năm 1954, Hòa thượng Thích Thanh Quang, thuộc Thiền phái Lâm Tế, từ chùa Vọng Cung – Nam Định về trụ trì. Ngài chỉnh sửa Tam Giáo đường thành ngôi chùa thờ Phật, đổi tên là chùa Phổ Chiếu.
Chùa Chiếu được trùng tu lớn vào năm 1985. Đặc biệt từ khi Thượng tọa Thích Thanh Giác về trụ trì đã mở mang xây dựng thêm để ngôi chùa có diện mạo khang trang như ngày nay.
Tuy chùa mới được khai lập chưa đầy 60 năm, nhưng đã mang cốt cách của một chốn đại Già lam thanh u, thâm trầm, cổ kính với phong cách kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống cổ truyền. NISAVA
Chùa Chiếu là một danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách thập phương và các Phật tử. Ngoài ý nghĩa là nơi thờ Phật, nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, nơi đây còn là địa chỉ đỏ ghi nhiều dấu ấn lịch sử của thành phố Hải Phòng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống chiến tranh với đế quốc Mỹ.
Hàng năm vào những ngày lễ Phật Đản (rằm tháng 4), Thượng nguyên (Rằm tháng giêng), Vu lan (rằm tháng 7)… và các ngày rằm mồng một hàng tháng, chùa Chiếu thu hút rất đông tín đồ và nhân dân đến cầu phúc.
Nơi đây, Thượng tọa Thích Thanh Giác đã tổ chức các khóa tu niệm Phật định kỳ hàng tháng, giảng dạy cho các đạo tràng giáo lý nhà Phật, hoằng pháp tới hàng ngàn Phật tử.
NISAVA TRAVEL! tổng hợp