Chùa hang São thuộc thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Chùa có tên gọi theo tiếng địa phương là chùa São, São là một bản của làng Nhân Mục, thuộc tổng Lâm Trường Hạ, châu Lục Yên xưa. Lý giải về tên chùa có ý kiến cho rằng trước đây thường có đàn chim São bay về và làm tổ trong hang, vì vậy đặt tên São cho tên chùa.
Chùa có tên chữ là Hương Thảo tự, Hương tên chữ là Hương Núi, Thảo có nghĩa là Thảo mộc, với ý nghĩa:” Mùi thơm của các loài cây nơi núi cao”.
Di tích chùa hang São có toạ độ VN2000; 497921m, 2243113m, nằm trong núi São độ cao 200 m, thuộc địa khối Đông nam dãy Phu Sa Phìn, chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Di tích chùa hang São cách UBND xã Tân Lập 1.2km về hướng Nam, cách huyện lỵ Yên Thế 25 km về hướng Bắc, cách thành phố Yên Bái 82km về hướng Nam. Để đến dược di tích có thể đi bằng đường bộ và đường thuỷ khá thuận lợi. Đường bộ: từ thành phố Yên Bái, theo quốc lộ 70 Yên Bái – Lao Cai đi tới ngã ba Khánh Hoà, rẽ phải theo đường Đông Hồ tới km10, địa phận làng Sâng, xã Tân Lĩnh rẽ phải theo đường liên xã đi Phan Thanh khoảng 7 km, là tới di tích. Đường thuỷ: từ cảng Hương Lý, du khách du ngoạn trên Hồ Thác Bà, ngược dòng sông Chảy tới bến São là tới di tích.
Di tích chùa hang São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên được xếp vào loại hình di tích Lịch sử –Văn hoá
Hang chùa São, thôn São, xã Tân Lập huyện Lục Yên nằm trong vành đai kiến tạo địa chất của vỏ trái đất, quá trình đứt gãy của địa khối Đông Nam dãy Phu Sa Phìn kéo dài từ kỷ Cambri cách đây 540 triệu năm chấm dứt vào kỷ Krêta, cách đây 65 triệu năm. Có thể nói đây là một giai đoạn có nhiều biến động mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước ta. Trong giai đoạn này Lục Yên chìm ngập dưới biển trong các pha trầm tích và được nâng lên trong các pha uốn nếp của các vận động tạo núi Calêđôni và Kimêta thuộc đại trung sinh, vì vậy các dãy núi vùng Lục Yên đều có hướng Tây Bắc – Đông Nam. Sự uốn nếp và nâng lên trong các hoạt động tạo núi đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm và hoà tan đá vôi thành Các bon natcaxi cùng các điều kiện vật lý hoá khác là nguyên nhân chính tạo ra địa hình địa mạo và sự kỳ ảo của hệ thống hang động đất Ngọc Lục Yên nói chung, Hang chùa São nói riêng.
Chùa hang São là một trong những chùa hang nổi tiếng đẹp và linh thiêng ở Yên Bái, tuy vậy nguồn tài liệu, thư tịch cổ nghi chép về chùa São không nhiều, sử liệu trong hồ sơ là tài liệu ghi chép điền dã thực địa và tài liệu dân tộc học.
Khởi thuỷ chùa São được các cư dân Tày bản địa xây vào thế kỷ XIII – XIV để thờ Phật. Tới thời Lê Trung Hưng Khi Vũ Văn Mật xây thành Đại Đồng, châu Thu Vật, trấn Tuyên Quang, con gái là Vũ Thị Ngọc Anh tinh thông văn võ lại am hiểu nghề nông. Vũ Văn Mật tiến cử bà với vua Lê và được vua Lê phong chức phó tướng, phụ trách quân lương hậu cần. Với trọng trách của mình, bà chúa Bầu họ Vũ đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi lên; phổ biến cho bà con Tày bản địa và quân binh trong vùng khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải. Bà đã cùng chủ tướng Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp. Bà cũng là người trực tiếp luyện quân, tập binh để bổ sung lực lượng, riêng Chùa hang São bà biến làm kho tập kết lương thực phòng khi chiến tranh với nhà Mạc.
Theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quí Đôn, bà Vũ Thị Ngọc Anh do có nhiều công lao trong xây dựng căn cứ và dạy dân trồng lương thảo được bà con trong vùng tôn từ như: “Bà chúa lương”- “Bà chúa kho”- “Bà chúa Bầu”- “Bà Anh thần nông”. Người địa phương còn gọi bà là “Bà Bụt hay bà Ỏn”. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, doanh trại chính của bà Vũ Thị Ngọc Anh là thành Bến Lăn, nơi có võ trường huấn luyện quân binh. Sau khi bà mất, tưởng nhớ tới công ơn của bà, sau này nhân dân thôn bản tôn thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh trong chùa hang São.
Sang tới thời Nguyễn với việc coi trọng việc tu bổ đình đền chùa và nghi thức tế tự, nhân dân bản São dựng thêm một ngôi chùa nhỏ với ba gian nhà tranh, kết cấu theo kiểu chuôi vồ thờ Phật và bà Vũ Thị Ngọc Anh ở trước chùa hang.
Tháng 12 năm 1949, chùa São, xã Tân Lập vinh dự là nơi tổ chức, Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ hai. Đại hội là một đấu mốc quan trọng trong lãnh chỉ đạo của Đảng bộ huyện Lục Yên trong việc huy động sức người sức của phục vụ tiền tuyến, góp phần tích cực vào chiến thắng Sông Thao, hè 1949. Tại đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá 2 gồm 9 uỷ viên. Đồng chí Lê Thành Tâm được bầu làm Bí thư.
Chùa hang São nằm trong núi São (Ta Di), chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam có độ cao 150m so với mặt ruộng, cửa hang quay theo hướng Đông Bắc, gần song song so với tả ngạn sông Chảy, cách sông chảy khoảng 500m. Quần thể chùa hang São gồm 1 chùa thiên tạo (chùa São) và một chùa nhân tạo (chùa hang):
Chùa São cách chùa hang 100m, hiện tại chỉ còn phần nền nằm trong khu khuôn viên trường tiểu học xã Tân Lập và nhà ông Hoàng Thanh Nghị. Quan sát chúng tôi thấy phần nền đã bị biến dạng, không thể nhận biết chính xác vị trí từng hàng chân cột và các bước gian. Trong lớp đất mặt có nhiều ngói vỡ, so sánh chúng khá đồng dạng với các mẫu ngói được phát hiện tại Đình làng São.
Chùa hang là một ngôi chùa thiên tạo, từ lâu đời đã được nhân dân sử dụng làm nơi thờ cúng. Chùa hang chia làm ba chùa; chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Chùa Hạ, là một mái đá có mặt nền gồ ghề, cách mặt ruộng hiện tại 2m, rộng 10m, sâu 5m, chính giữa là một ban thờ bằng đá khá bằng phẳng.
Chùa Trung là một vách đá dựng đứng và được nối với chùa Hạ bằng một con đường nhỏ cheo leo bám theo vách đá.
Chùa Thượng là ngôi chùa có diện tích lớn nhất, chùa có cấu tạo gồm 2 phần; hang trên và hang dưới:
Hang trên (Tiền Đường) có mặt nền tương đối bằng phẳng, có đường thông với Trời, sâu hang 32m, rộng hang 38m, cao trần 15 – 18m, diện tích 1216m2.
Hang dưới (Hậu cung) thấp hơn so với hang trên khoảng 5m, sâu hang 79m, rộng hang 22m, cao trần 15 – 18m, diện tích 1738m2. Quan sát nền hang chúng tôi thấy có nhiều mảnh gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XIII – XIX. Được biết tại nền hang vào thập niên 90 các nhà khảo cổ đã có cuộc khảo sát và phát hiện ra nhiều công cụ và mảnh tước, với kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp trên đá cuội thuộc nền văn hoá Sơn Vi cách ngày nay ± 30.000BP đến ± 11.000 BP. Chính giữa hang là toà Tam Bảo và ba pho tượng Di Đà bằng đá (tự nhiên).
Quan sát cả hang trên và hang dưới chúng tôi thấy trên vòm trần có nhiều khối nhũ đá rủ xuống tạo thành muôn vạn hình thù lạ mắt, nơi hậu cung là một quần thể những nhũ đá tạo nên các pho tượng Phật với nhiều hình dáng và màu sắc, khiến ta như ngỡ lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Các tiết thờ chính trong năm gồm:
+ Ngày 20 tháng giêng âm lịch, lễ hội chùa hang São (Thượng nguyên).
+ Ngày 8/4 âm lịch (Phật Đản)
+ Ngày 10/7 âm lịch ( Xá tội vong nhân)
+ Ngày 10 tháng Chạp (Đức Phật Thích Ca thành đạo)
Chùa hang São là một trong những hang động đẹp, là một bảo tàng địa chất sống động có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các cư dân Việt cổ. Chùa hang São đã ăn sâu trong tiềm thức dân gian, là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng lành mạnh của các cư dân địa phương.
Hang chùa São khác với hang Cảm Dương và hang Hùm, hang Cảm Dương có giá trị về Bảo tàng thạch học, hang Hùm có giá trị khảo cổ học nổi tiếng phía Bắc, hang São có giá trị về Phật giáo sơ khai ở Yên Bái, ngoài ra chùa còn có giá trị về mặt quân sự… Trong ba hang động ở Lục Yên ngoài giá trị riêng biệt của nó, thì hang chùa São nằm ở địa đầu của Hồ Thác Bà ngay sát bên dòng sông Chảy. Đứng ở hang São bạn có thể vừa ngắm dòng sông chảy qua dãy núi đá vôi nơi đây như “Hạ Long nổi trên núi”, và các đảo xa xa. Trước cửa hang là cánh đồng ruộng lúa, những ngôi nhà sàn thấp thoáng của dân tộc Tày – Nùng tạo thành bức tranh thiên nhiên sinh động trên trốn bồng lai.
Theo đồng bào Tày trong vùng này kể lại, thời xa xưa đã lâu lắm rồi, nơi đây còn hoang dã. Chim São thường bay về đậu làm tổ trong hang, sau này đồng bào dân tộc phát triển ngày một đông đúc, chim São cũng thưa dần, rồi không thấy xuất hiện nữa. Từ đó, nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi là hang São. Thời Lý, Trần kiêm thêm chức năng chùa nên gọi là chùa hang São. Khoảng giữa thế kỷ 16 anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật hợp tác với quân lực Lê trung Hưng để đánh lại nhà Mạc – dòng họ Vũ được phong tước Quốc công rồi định chia đất nước như thời Tam Quốc thế kỷ thứ III bên Tàu rồi tự xưng là An Tây Vương. Như vậy, toàn bộ vùng Tây Bắc và Bắc châu thổ sông Hồng, các cơ sở thờ cúng đều có thay đổi theo phong cách họ Vũ. Chùa hang São được đưa ra ngoài ngay trước cửa chùa hang São. Có thể nói chùa hang São được tận dụng động hang tự nhiên làm cơ sở phát triển phật giáo làm quốc giáo thời Lý Trần, là kế sách giữ nước về mặt chính trị, kế sách an dân, là một mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử vùng núi phía Bắc.
Chùa Hang São đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh theo quyết định số 1395/QĐ – UBND Ngày 17/9/2009.
NISAVA TRAVEL! – Theo cổng thông tin ĐT Yên Bái, internet