Trong khi những quán cơm dọc quốc lộ Bắc-Nam tai tiếng với những vụ “cơm tù, xe cướp”, thì từ khoảng 10 năm nay Tu viện Phước Hải trên tuyến quốc lộ 51 Saigon-Vũng Tàu đã được nhiều người biết đến với cách phục vụ hành khách ăn dọc đường hoàn toàn khác. Đến nỗi, dù không chủ tâm “xây dựng thương hiệu”, tu viện đã nổi tiếng với cái tên “Chùa bún riêu”.

Từ “chùa bún riêu” đến “chùa bánh xèo”

“Mời các chú các cô rửa mặt, rửa tay rồi vô dùng cơm với nhà chùa”, tiếng vị sư cô trẻ niềm nở đón khách ở lối đi vào. Bên hiên chùa là khu vườn cây kiểng có đặt sẵn những chiếc xô nhựa to chứa nước uống dành cho khách thập phương. Một ly nước chanh củ dền giải khát, món thức uống không thể bỏ qua giữa hè trở trời khô khốc.

Kế đó là khu nhà ăn có khoảng hai chục dãy bàn dài, cơm canh đã dọn sẵn chỉ chờ người dùng. Nếu ai thích ăn bún riêu thì tới quầy gần đó tự bưng lấy. Và cứ thế hết lượt khách này đến lượt khách khác tùy nghi dùng bữa và muốn ăn bao nhiêu cũng có. Điều khác lạ ở đây là không hề nghe tiếng “tính tiền đi” của mọi người sau khi dùng bữa xong.

Một cách tự nhiên, mỗi đoàn khách đều ý thức cử ra một vị đại diện vận động mọi người góp tiền cúng dường lại cho chùa để chùa có thể tiếp tục làm việc thiện. Cá nhân nào muốn tự đóng góp bằng tiền bỏ vào thùng công đức cũng được, hoặc muốn ủng hộ nguồn kinh tế tự túc của chùa thì sang phòng phát hành mua văn hóa phẩm Phật giáo, thức ăn chay…

Tu viện Phước Hải, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, được khách thập phương gọi là “Chùa bún riêu” khoảng 10 năm nay. Đi từ Saigon ra hướng Vũng Tàu, qua khỏi Công ty Bột ngọt Vedan, rẽ phải vào khu công nghiệp Gò Dầu khoảng 100 mét, du khách sẽ gặp chùa. Khách đến chùa sang cũng như hèn đều được tiếp đãi như nhau.

Có lẽ nhờ cửa chùa rộng mở nên lượng xe du lịch ra vào tấp nập giống như những quán cơm dọc theo tuyến quốc lộ Bắc-Nam. Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày chùa đãi trung bình hết khoảng 300 ký bún, riêng hai ngày cuối tuần thì số lượng tăng lên gấp đôi. Đặc biệt vào các kỳ lễ lớn như Phật đản, Vu Lan… chùa đãi tới 2.000 ký bún.

“Ngoài thời gian tụng niệm, một hai năm đầu mấy thầy trò suốt ngày chỉ biết phục vụ cơm và bún riêu cho khách thập phương. Có khi 11-12 giờ đêm vẫn còn khách gõ cửa chùa.
Càng về sau khách viếng chùa ngày một đông hơn, nhưng không vì thế mà các thầy trò xao lãng chuyện tu niệm”, sư cô Thích nữ Như Vân, phụ trách khâu ẩm thực Tu viện Phước Hải, cho biết. Từ năm 2000 trở lại đây, lịch đãi bún riêu của chùa được điều chỉnh lại, mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng đến 5 giờ 30 chiều. Ngoài món bún riêu chủ lực, ngày nào chùa cũng chuẩn bị sẵn 300 suất ăn trưa dành cho các công nhân nghèo làm việc tại khu công nghiệp Gò Dầu.

Từ Tu viện Phước Hải tiếp tục đi ra hướng Vũng Tàu khoảng chín ki lô mét tới thị trấn Phú Mỹ, nằm bên trái là khu Đại Tòng Lâm-một quần thể chùa, thiền viện, trường Phật học. Từ cổng chính Đại Tòng Lâm, rẽ phải đi theo con đường nhỏ dài khoảng một ki lô mét là tới Ni viện Thiện Hòa.

Do cùng quản lý Tu viện Phước Hải, nên từ món bún riêu đã được “bảo chứng” bởi khách hành hương suốt 10 năm qua, ni sư trụ trì Thích nữ Như Như nảy thêm ý tưởng chọn món bánh xèo để đãi khách khi đến Ni viện Thiện Hòa. Bột dùng để đúc bánh thì ngày nào chùa cũng xay sẵn. Rau thì trồng trong vườn. Còn những thứ khác như củ sắn, cà rốt, mì căn, dầu ăn thì do các mạnh thường quân cúng dường. Thương hiệu “Chùa bánh xèo” ba năm trở lại đây cũng khá hút khách. “Ngày thường chỉ dùng khoảng bảy khuôn đúc bánh, sử dụng cỡ ba ký bột. Còn ngày rằm thì số khuôn đúc và lượng bột xay tăng gấp đôi, gấp ba. Cao điểm nhất là dịp rằm tháng Bảy-lễ Vu Lan, chùa dùng tới 60 ký gạo để xay bột và cỡ 100 lít dầu đổ bánh”, một vị ni cho biết.

Không “làm thương hiệu” mà nhiều người biết

Vì sao khách thập phương, khách đi đường đổ về “Chùa bún riêu”, “Chùa bánh xèo” ngày càng nhiều? Vị trụ trì chỉ đúc kết bằng bốn chữ: từ bi, rộng mở. Từ bi ở đây chính là tấm lòng nghĩ đến người nghèo. Còn rộng mở là phục vụ mọi người. “Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm đến chùa cúng dường và chùa đứng ra thể hiện tấm lòng ấy. Và một khi tâm từ bi được thể hiện một cách công tâm và minh bạch thì nhà chùa lại nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn”, ni sư trụ trì thổ lộ.

Từ một ngôi chùa tranh vách đất được hình thành cách đây 20 năm, đến nay trên khuôn viên ba mẫu đất của Tu viện Phước Hải đã có đủ các khu vực ăn uống, bán hàng lưu niệm, khu nhà mát.

Đối với Ni viện Thiện Hòa, do đây là khu nội trú của 230 ni sinh trường Trung cấp và Cao đẳng Phật học tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nên không gian sống và khu vực ẩm thực được chăm chút rất tỉ mỉ. Ngoài việc chính là tu học, các ni sinh còn chia ca… đúc bánh xèo đãi khách, tham gia sản xuất nước tương để bán cho khách hành hương.

Tuy không đặt vấn đề kinh doanh nhưng nhờ chú ý đến các yếu tố như: vệ sinh an toàn thực phẩm, không gian thoáng mát, tinh thần phục vụ niềm nở và trên hết là miễn phí tất cả dịch vụ nên hai ngôi chùa trên mặc nhiên đã tạo dựng được “thương hiệu” cho riêng mình trong tâm trí khách thập phương.

Trả lời câu hỏi kinh phí ở đâu mà chùa đãi như vậy? Ni sư Thích nữ Như Như, trụ trì chùa, cho biết: “Chùa bố thí vật thực cho bá tánh và cũng có những đại thí chủ phát tâm cúng dường lại cho chùa để công việc từ thiện này được duy trì mãi mãi. Mỗi người nếu biết mở rộng tấm lòng của mình thì sẽ được nhận lại tất cả”.

Theo Uyên Viễn – hopham.vn
————

Chủ nhật tuần này (22.8.2010) tụi mình sẽ viếng hai nơi này. Tuy không theo đạo Phật nhưng các chính đạo đều hướng về sự nhân từ, bác ái cả.
Mình không thích chuyện tiền bạc tại các chốn trang nghiêm, sẽ cúng các bình dầu ăn để nhà chùa sử dụng cho bữa ăn của bá tánh vậy.
 
ĐGD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *