(Tiếp theo) – Họ là những người Anh mê khám phá hang động, đến VN vì sở thích khám phá, chinh phục hang động và hữu duyên tương ngộ, họ trở thành mắt xích then chốt trong tiến trình đưa những kỳ quan vĩ đại ẩn dưới lòng núi đá vôi ra ánh sáng, làm rạng danh mảnh đất Phong Nha – Kẻ Bàng.
Đam mê khám phá
Nhóm thám hiểm của Howard Limbert không có quỹ nào tài trợ mà tự bỏ tiền túi ra. Mỗi người làm các công việc ngành nghề khác nhau như kỹ sư, bác sĩ. Adam Spillane là kỹ sư đường sắt, Ian Watson chuyên gia cứu hộ, Howard và Deb làm trong lĩnh vực y tế. Họ miệt mài làm việc một năm rồi tiết kiệm, tích lũy lấy vốn ra nước ngoài với những chuyến khám phá hang động vô cùng kỳ thú. Kết thúc chuyến đi, cả nhóm lại về Anh làm việc bình thường.
< Ông Howard Limbert (trái) say sưa giới thiệu về hang động cho các hướng dẫn viên của Oxalis trên dọc hành trình.
Sau khi đi nhiều nơi trên thế giới, Howard và Deb muốn đến một nơi mà chưa có ai khám phá về hang động. Howard nhớ lại: “Chuyến đầu tiên vào tháng 3.1990, thời điểm đó hạ tầng giao thông rất khó khăn, mất 4 ngày để đi từ Hà Nội đến Phong Nha. Thời điểm đó chúng tôi chỉ biết là Quảng Bình có hệ thống núi đá vôi. Chúng tôi đưa ra một số địa điểm như: Quảng Bình, Hòa Bình, Quảng Ninh, rồi lên kế hoạch và đi, đi hết. Đầu tiên nhắm đến hệ thống hang động Hạ Long, sau đó chuyển giao cho tỉnh Quảng Ninh và tư vấn cho họ làm du lịch rất tốt. Lần đầu tiên vào Quảng Bình nhóm có 10 người đến từ Anh và 3 người VN. Lúc ấy rất khó khăn, không có thức ăn không có gì cả, phải mang từ Hà Nội vào. Còn ở địa phương, rất nhiều người chết vì bệnh sốt rét, người dân rất nghèo. Đi động Phong Nha chỉ có thể đi thuyền từ trung tâm xã hoặc đi bộ xuyên rừng chứ không có đường”.
< Nhóm chuyên gia nghỉ ngơi sau khi ra khỏi hang Én.
Nhờ sự giúp sức của một số giảng viên địa chất VN, các năm 1992, 1994, nhóm hoàn thiện khảo sát động Phong Nha, hang Tối và một phần hệ thống hang vòm (có động Thiên Đường), khám phá hang Én, hang Khe Ri… Từ đó về sau, định kỳ 2 năm một lần đoàn đến Quảng Bình khảo sát khám phá.
NISAVA
Năm 2005, lần đầu tiên Howard gặp Hồ Khanh. Vì không hiểu nhau nên Hồ Khanh phải dùng que vẽ sơ đồ và làm ký hiệu trên cát. Hồ Khanh nói phía sau hang Én có hang mà có khói, mây mù bay ra. Nhận định đấy có thể là hang cực lớn nên Howard bảo Hồ Khanh cố nhớ lại vị trí và tìm đường đến.
Mãi đến năm 2008, Hồ Khanh mới tìm ra hang. Năm 2009, khi nhận được tín hiệu từ Hồ Khanh, nhóm thám hiểm lập tức từ Anh sang VN và nhóm khảo sát hang cho đến “bức tường VN”, đến 2010 thì khảo sát qua khỏi “bức tường VN” và có số đo hang lớn nhất thế giới. Đó chính là Sơn Đoòng.
Howard tâm sự, ngay cả thời điểm năm 2009, khi mới có số đo của hang, chính ông cũng không biết Sơn Đoòng có lớn nhất thế giới hay không. Khi đo vẽ xong thì có cuộc họp trao đổi giữa các nhóm thám hiểm trên thế giới và các nhóm thám hiểm nói chưa có hang nào lớn như vậy trên thế giới. Ông gửi cho một nhà địa lý có tiếng ở Anh và ông này khẳng định Sơn Đoòng là lớn nhất thế giới.
< Tiếp tục lội suối hướng về Sơn Đoòng.
Họ đưa Sơn Đoòng ra ánh sáng và giờ tiếp tục đóng góp công sức trong việc đưa hình ảnh động lớn nhất thế giới lên giá trị mới.
Trong số 5 chuyên gia đang làm cố vấn kỹ thuật cho Oxalis, Adam trẻ tuổi nhất, 44 tuổi, còn lại đều trên dưới 60. Thế nhưng họ vẫn khỏe và đầy nhiệt huyết; ngoài việc làm tròn trách nhiệm đảm bảo an toàn, họ luôn say sưa giới thiệu về hang động với các thành viên đoàn. Đặc biệt, Howard luôn chỉ những vị trí đẹp, tạo sáng làm nền cho tôi ghi hình ảnh.
< Bà Deb Limbert giải thích những viên đá, sỏi màu đỏ trôi ra từ hướng hang Khe Ri cho hướng dẫn viên của Oxalis biết.
Tôi cảm nhận, với Howard, dường như tình yêu ông dành cho thiên nhiên, cho hang động và cho Phong Nha – Kẻ Bàng lúc nào cũng hừng hực mãnh liệt. Ian Watson dáng người to béo, gần như ông ngồi trên chiếu không được nhưng ông rất nhanh nhẹn trong công việc và luôn thuộc nhóm những người đi dò đường.
NISAVA
Cho đến nay, đoàn đã khảo sát và khám phá tổng hơn 200 km hang động tại Quảng Bình, tính tổng tại VN thì hơn 350 km, riêng tổng chiều dài hệ thống vòm đã khảo sát ở Phong Nha – Kẻ Bàng lên đến 45 km.
< Adam đang kiểm tra lại hệ thống an toàn trong động Sơn Đoòng.
Tôi hỏi liệu sức khỏe của ông có đảm bảo để tiếp tục khám phá hang động hay không thì ông trả lời dứt khoát: “Đủ chứ. Hang động gắn với cuộc đời chúng tôi, tôi thám hiểm hang động trong suốt cuộc đời từ nhỏ đến lớn”. Ông cho hay thời gian gần đây người dân địa phương có thông tin về hang động nhưng chưa có phương tiện để khảo sát.
Tình yêu dành cho Phong Nha
25 năm, quãng thời gian không phải là dài nhưng không hề ngắn, tình yêu của họ dành cho đất và người Phong Nha ngày mỗi lớn hơn. Cái nghèo khó của Phong Nha đã níu kéo bước chân họ, họ cảm thấy như mắc nợ mảnh đất này và cần phải làm gì đó để góp phần thay đổi diện mạo.
< Nhóm chuyên gia chuẩn bị thiết bị an toàn để xuống động Sơn Đoòng.
Trong quá trình khảo sát, Howard sử dụng rất nhiều người dân địa phương. Thấy Oxalis tuyển dụng càng nhiều lao động địa phương ông càng vui mừng. Hiểu được sở thích của người phương Tây, ông bà tư vấn và thậm chí bỏ tiền ra giúp người dân xây dựng các mô hình homestay. Vợ chồng Hồ Khanh đã và đang thành công với mô hình này.
Theo Howard, hiện các mô hình du lịch hang động rất thành công nhưng cần phải đa dạng hóa các sản phẩm như chèo thuyền, leo núi, sẽ sai lầm nếu cứ tiếp tục hang động hang động, không phải ai đến cũng vì hang động, không nhất thiết cái gì cũng phải là hang vì sẽ nhàm chán, cạnh tranh lẫn nhau.
< Ông Howard Limbert đang thu dọn thang dây sau khi chúng tôi vượt qua “bức tường VN”.
Phong Nha rất đa dạng, rất phù hợp làm nhiều thứ mà các nơi khác không có. Ngoài ra cần đào tạo nguồn lực, cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ để có điều kiện, có thu nhập tốt hơn.
NISAVA
Hiện vợ chồng ông bà Howard sống trong một ngôi nhà thuê nằm ven đường lên khu cửa động Phong Nha. Ngoài thời gian làm chuyên gia kỹ thuật cho Oxalis, ông bà thường dắt nhau đi thăm bà con làng xóm; kiểm tra, chỉ bày cách kinh doanh, ứng xử. Đối với Deb, bà sống như người dân địa phương thực thụ, nhất là trong chuyện ăn uống. Mấy năm trở lại đây, vào mùa thấp điểm khách du lịch, sau thời gian về thăm quê, ông bà còn mở lớp dạy tiếng Anh cho nhân viên khuân vác và người dân địa phương.
< PV Thanh Niên chụp ảnh kỷ niệm cùng với các chuyên gia thám hiểm hang động hàng đầu sau khi “xuyên thủng” Sơn Đoòng.
Để tiếp tục giúp đỡ Quảng Bình nhiều hơn, hai vợ chồng Howard quyết định định cư ở Phong Nha. Ông bảo sẽ xin nhập quốc tịch VN nhằm có điều kiện giúp địa phương nhiều hơn về chuyên môn.
Một lý do nữa khiến họ còn ở lại, Howard bật mí: “Hệ thống hang động ở đây còn nhiều lắm, chỉ mới khám phá chừng 25%. Chúng tôi có bản đồ các khe nứt và tin rằng còn nhiều hang động, như ở khu vực nước Moọc, hang Tối”.
Chinh phục Sơn Đoòng – Kỳ 1
Chinh phục Sơn Đoòng – Kỳ 2
Chinh phục Sơn Đoòng – Kỳ 3
Chinh phục Sơn Đoòng – Kỳ 4
Chinh phục Sơn Đoòng – Kỳ 5
Chinh phục Sơn Đoòng – Kỳ 6
Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!