(GLO) – Chư Nâm là dãy núi cao nhất ở khu vực phía Tây tỉnh, thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah). Người bạn trong đoàn leo núi của chúng tôi nói rằng, ai đã chinh được Chư Nâm sẽ chinh phục được tất cả những ngọn núi cao ở Gia Lai.
Gửi xe lại ở một nhà dân dưới chân núi, chúng tôi lên đường với ba lô gọn nhẹ hết mức có thể, dành sức cho hành trình leo núi được dự báo là sẽ rất mất sức. Chủ nhà là một cặp vợ chồng trẻ người Jrai, khi biết chúng tôi leo đỉnh Chư Nâm đã tỏ ý e ngại. Họ nói, ngay cả những cư dân bản địa thông thuộc với rừng núi cũng rất ít khi lên đây. Đỉnh Chư Nâm có độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển nhưng độ dốc rất “gắt”, đây là cung leo không dành cho người thiếu sức khỏe lẫn sức bền.
Từ nhà dân, chúng tôi đi bộ khoảng 1 km mới tới chân núi. Dưới chân dãy Chư Nâm là vùng bình nguyên với những bãi chăn thả gia súc rộng mênh mông. Đám trẻ con đeo những chiếc gùi nhỏ theo sau đàn bò hàng trăm con. Chúng cười bẽn lẽn, thích thú khi thấy những người khách lạ. Khác với một số ngọn núi chúng tôi đã từng chinh phục, Chư Nâm không có đường mòn dẫn lên núi.
Căn cứ vào sự chỉ dấu của người bản địa, chúng tôi tìm lối lên núi, sự háo hức trong bước chân của kẻ mở đường. Hẳn nhiều người sẽ hỏi vì sao lại phải hành xác mình như vậy: Suốt 4-5 giờ đồng hồ cực nhọc vượt qua những gai góc, lau sậy, vách đá với không ít cú trượt ngã điếng người. Ba lô dù rất gọn nhẹ cũng trở nên nặng trĩu trên lưng, đến cả quần áo trên người cũng muốn trút bỏ hết… cho đỡ nặng.
NISAVA
Sau đó trải qua một đêm giá lạnh trên núi cao cho dù bạn đã mặc bao nhiêu lần áo. Ngay cả giữ mình đứng yên trên đỉnh núi vào sáng sớm cũng mất sức vì gió núi đủ mạnh để thổi bay bạn nếu mất cảnh giác. Chiếc máy ảnh trong tay chỉ chực văng theo từng đợt gió lạnh gầm gào…
Đổi lại tất cả những gian khổ ấy, chúng tôi được gì? Đó là những giây phút mà tâm hồn chạm đến tự do tuyệt đối.
Đứng từ trên đỉnh Chư Nâm nhìn xuống, vẻ đẹp của bình nguyên xanh thẳm trải rộng bên dưới khiến chúng tôi lặng người. Cánh đồng chia thành những ô nhỏ pha nhiều gam màu như một bức tranh thu tĩnh lặng. Nhưng chính cái tĩnh lặng ấy lại làm xáo động tâm tư những lữ khách tự do. Cũng từ đây, bạn sẽ thấy núi lửa Chư Đăng Ya chỉ như một anh chàng tí hon đứng cạnh gã khổng lồ. Mọi người có thể chiêm ngưỡng kỳ quan núi lửa này từ độ cao và từ nhiều chiều hướng khác nhau, mà nếu không lên tới đỉnh Chư Nâm, sẽ khó được trải nghiệm. Khi thu vào bên trong tất cả những gì trải ra trước mắt mà không có máy ảnh nào ghi lại ấy, có cảm giác dễ chịu như bước đi trong gió.
NISAVA
Vào đầu mùa khô, cỏ lau vẫn còn khá tốt tươi suốt dọc đường dẫn lên núi. Cỏ cao lút đầu người. Thỉnh thoảng, nổi bật một khóm dã quỳ nở hoa vàng rực giữa muôn trùng bông lau vàng óng ánh trong nắng. Mỗi lần đoàn dừng nghỉ lấy sức giữa lưng chừng núi, tôi luôn có cảm giác mình hạnh phúc và “giàu có” nhất trần đời.
Lúc xuống núi, ngẩng đầu nhìn lên dãy núi khổng lồ, cao vọi, chúng tôi vẫn không hiểu bằng cách nào lại có thể leo lên được tới “đỉnh vinh quang” ấy. Và bao giờ cũng vậy, sau mỗi hành trình leo núi, chúng tôi thường nói với nhau rằng, đây sẽ là lần cuối cùng. Nhưng có thật là sẽ lần cuối cùng hay sẽ có thêm bao nhiêu ngọn núi khác nữa đón bước chân âm thầm của những tâm hồn tự do? Sau những chuyến đi, người ta dường như hiểu hơn về đời sống nội tâm của chính mình, nó phong phú đến nỗi chính chủ thể cũng phải ngạc nhiên. Nó khiến người ta thấy mình vững chãi tựa như một ngọn núi trước những biến cải của cuộc đời.
NISAVA
Khi ngồi viết những dòng này, tôi lại nhớ những người bạn xa lạ đến từ khắp mọi miền. Nhớ những câu chuyện vui bên đống lửa trên đỉnh núi giá lạnh khiến ai cũng cười nghiêng ngả. Đó là nụ cười của tự do, của sự hồn nhiên trong trẻo mà nhiều khi người ta có muốn cũng không thể nào chạm đến.
Theo Hoàng Ngọc (Báo Gia Lai)
NISAVA TRAVEL!