(TTO) – Hai cô gái chạy xe máy Sài Gòn ra Hà Nội chỉ 40 tiếng, hai chàng trai chạy chỉ 28 tiếng (theo lời các đương sự). Sự thật hay là ‘nổ’ thì cần kiểm chứng, nhưng bạn trẻ có nên… liều mình như vậy không?
Câu chuyện một số bạn trẻ chia sẻ hành trình phượt từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng xe máy trong khoảng thời gian rất ngắn trở thành đề tài tranh luận của nhiều người những ngày qua. Có người ngưỡng mộ và khen ngợi tinh thần dám làm của lớp trẻ. Có người không tin là sự thật và cho rằng những “kỷ lục” ấy là bất khả thi, chỉ là “nổ”.
Hai chị em Thiên Thư và Thiên Thương cho biết họ “đi phượt” từ TP.HCM ra Hà Nội bằng xe máy chỉ trong… 40 giờ và “không gặp sự cố gì hết”. Việc chinh phục được mang đến cho hai cô gái “niềm hạnh phúc còn hơn lượm được vàng”.
“Trước đây chúng tôi cũng từng đi bằng xe máy theo nhóm 20 người, 20 xe từ Sài Gòn ra Hà Nội lần đầu tiên mất 48 giờ” – Thiên Thư cho hay.
Thiên Thư còn chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi khi bắt đầu xuất phát là muốn vượt qua mốc thời gian 48 tiếng trước đây, chứ không phải là một cuộc du ngoạn, đụng đâu sẽ dừng lại ở đấy. Nên chúng tôi chỉ biết đi và đi để phá vỡ kỉ lục trước đó và chiến thắng chính mình”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều bạn trẻ mê phượt lưu ý chuyện đi phượt bằng xe máy không nên vượt quá giới hạn sức khỏe, tốc độ và đương nhiên phải tuân thử pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
NISAVA
Quốc lộ không phải đường đua
Từng phượt nhiều cung đường ở Việt Nam bằng cả xe máy lẫn xe đạp, anh Toại Nguyễn (sản xuất chương trình Phượt.TV) cho rằng những chuyến phượt có thể giúp chúng ta thư giãn được đầu óc, tạo nên động lực để trở lại tiếp tục làm việc, học tập tốt hơn.
Theo anh, do sự thuận lợi khi di chuyển nên đi phượt bằng xe máy đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, bạn trẻ phải đảm bảo an toàn cho bản thân, những người tham gia giao thông và tuyệt đối tuân thủ luật giao thông. “Nếu bạn chỉ chú tâm vào việc chạy xe máy và làm sao chạy nhanh nhất có thể, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi… thì chỉ có thể là hành trình hành xác” – anh Toại Nguyễn bày tỏ suy nghĩ cá nhân.
Bạn Phạm Mai Hương (26 tuổi, hiện sống tại Đà Nẵng) cô gái đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới như Himalaya, Mông Cổ, Ấn Độ… cho rằng không nên thực hiện những chuyến phượt mang nặng tính “kỷ lục tốc độ và thành tích” hơn là trải nghiệm những điều đẹp đẽ trên hành trình.
NISAVA
“Nhiều bạn trẻ nói lý do là muốn “thử sức bền” hoặc sống theo sở thích cá nhân không cộng đồng, tôi đồng ý. Thế nhưng muốn thực hiện điều đó thì có nhiều cách, không phải cứ mạo hiểm với tính mạng của mình và của những người tham gia giao thông khác như vậy. Còn nếu muốn đua xe thì nên tham gia cuộc đua xe đường trường chứ không phải “đua” trên quốc lộ” – Hương chia sẻ.
Lấy kinh nghiệm từ bản thân, Hương cho rằng những chuyến đi của mình đều có tính thử thách cao, mạo hiểm nhưng không gây nguy hiểm cho những người xung quanh và bản thân cũng biết dừng lại đúng lúc. Như chuyến đi chinh phục một nửa của Everest, khi gần đến đích, Hương bị sốc độ cao nặng nên buộc phải hạ độ cao gấp để đảm bảo an toàn cho bản thân dù đích đến vẫn chưa hoàn thành. Với Hương, điều quan trọng nhất ở mỗi chuyến đi đó là khám phá thế giới, tìm giới hạn của bản thân qua những thử thách, trải nghiệm.
“Tôi không đặt những tiêu chí như đi đến nhanh nhất, đi được nhiều điểm nhất trong thời gian ngắn nhất để chia sẻ lên mạng xã hội. Mục đích tốt đẹp nhất của mỗi chuyến đi là giúp chúng ta khám phá thế giới và mở mang tầm mắt. Thay vì chỉ chụp hình check in thì các bạn nên khám phá văn hoá, con người của mỗi vùng đất, chuyến đi sẽ thật sự ý nghĩa hơn nhiều”, Hương nói.
Phượt là để trải nghiệm
Từng chạy xe máy khám phá rất nhiều vùng đất ở các tỉnh, thành từ đất mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), anh Trần Quân Nam (TP.HCM) cho rằng: “Mỗi chuyến đi cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Mạng sống của mình mà không biết quý thì đi du lịch có ý nghĩa gì”.
NISAVA
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Vinh, phó chủ tịch Liên đoàn xe đạp – mô tô VN, cho rằng các bạn trẻ phượt trên quốc lộ cần ý thức “phải thượng tôn pháp luật, chấp hành luật giao thông về tốc độ và phải đảm bảo sức khỏe của bản thân”. Ông Vinh cho rằng bản chất của du lịch phượt là đi để thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, trải nghiệm văn hóa của từng vùng miền chứ không phải là xách xe ra đi những chuyến đi “thục mạng” như không ít bạn trẻ hiện nay đang thể hiện.
Do đó, ông Vinh khuyến cáo các bạn trẻ đam mê tốc độ “có nơi có chỗ”, chạy xe phải đảm bảo an toàn cho mình và người đi đường.
Theo NGỌC HIỂN – HOÀNG LONG (Dulich.Tuoitre)
NISAVA TRAVEL!