Ðồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang. Ðộ cao vùng này khoảng 1.000 m so với mặt biển, địa hình hầu như chỉ thấy núi đá. Huyện lỵ cách thị xã Hà Giang khoảng 150 km nhưng giao thông khá khó khăn. Huyện có 19 xã thì 9 xã có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1°C, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24°C. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” và “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”.

Với khí hậu gần như ôn đới, Ðồng Văn mùa xuân bạt ngàn hoa đào, hoa mơ, hoa mận. Cuối xuân và suốt mùa hè, mùa thu là mùa của những trái ngon nổi tiếng. Rừng Ðồng Văn khá giàu các loài thực vật, không hiếm cây gỗ quý, lại nổi tiếng về các cây thuốc quí như tam thất, sinh địa, hồi, quế… Núi thì trập trùng vách dựng, vừa hiểm trở vừa kỳ vĩ, với không ít hang động trời sinh. Khi kinh tế du lịch vùng này mở mang, các hành trình du lịch được hoạch định và tu tạo thêm mạng đường sá cho thuận tiện, thì những chuyến “du lịch hoang sơ”, “du lịch mạo hiểm” thăm rừng già, thăm hang động nguyên sơ sẽ hấp dẫn vô cùng.

Nếu thăm Ðồng Văn vào dịp chợ phiên, nhất là vào cữ xuân sang, bạn sẽ được thấy hết sức sống của thiên nhiên, của con người, của sắc mầu văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, Dao, Pu Péo, Hà Nhì… từ lâu đời sinh sống, gìn giữ đất này. Chợ phiên mở ở trung tâm huyện lỵ Ðồng Văn, nay phố sá đã đông vui, không hiếm hàng quán và nhà nghỉ cho khách đường xa.

Chợ phiên là cả một cuộc triển lãm sản vật của đất, của rừng qua bàn tay lam lũ của con người. Phong phú nhất là hoa trái và dược liệu, cùng ngô, đậu, rau củ… Tất cả toát lên sức sống xiết bao bền bỉ của con người sống trên núi đá.

Đồng bào Mông đi chợ như là đi hội, trước hết để hưởng thú vui cả nhà quây quần bên chảo “thắng cố” (thịt bò hầm) sôi sùng sục tỏa mùi thơm ngậy, thưởng thức món ăn truyền thống này cùng với “mèn mén” (bánh bột ngô) mang theo.

Chợ phiên cũng là nơi tỏ bày, giao cảm cái vui cộng đồng, hào hứng những đám hát múa tình tứ và dặt dìu tiếng khèn bè, khiến du khách có thể cảm nhận chiều sâu tâm khảm văn hóa của một vùng cao.

Ðồng Văn hiện có thêm điểm nhấn hấp dẫn, đó là di tích văn hóa – nghệ thuật Nhà Vương trong thung lũng Sà Phìn vừa được Nhà nước trùng tu nguyên dạng. Dinh thự này bề thế, uy nghi, kiến trúc hình chữ “vương” (vua), tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa, được xây dựng bằng tài năng điêu luyện của thợ đá đến từ Vân Nam (Trung Quốc) và thợ giỏi nhất của người Mông, kén toàn đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già, chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt những hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi… tượng trưng quyền quí và hưng thịnh.

Dinh thự bị đổ nát nay trùng tu xong, có tường thành bao bọc, gồm tiền dinh có sân tiền, sân hậu; cùng hai dãy nhà ngang để tiếp khách và sinh hoạt gia đình; ngoài ra vẫn có bể nước và chuồng ngựa, gia súc như xưa. Nội thất cũng được làm mới theo mẫu cũ như khung cửi, giường, tủ… Từ trên đường lưng núi nhìn xuống thung lũng, vẫn thấy nổi bật lên những nếp mái dinh thự tạo hình chữ “vương” với mầu sắc xen kẽ trắng đục, hồng nhạt và đỏ tươi. Khách muốn biết nhiều hơn về lai lịch ngôi nhà, còn có thể hỏi chuyện con cháu họ Vương hiện sống gần di tích, trong những ngôi nhà chính quyền địa phương xây tặng. Rồi đây, dinh thự độc đáo hiếm thấy ở miền núi này sẽ trở thành một bảo tàng văn hóa các dân tộc trong vùng, khi các hiện vật chọn lọc được sưu tầm và trưng bày hệ thống…

Từ thị xã Hà Giang theo Quốc lộ 4C, đi qua các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ và Yên Minh để đến Đồng Văn, nếu đi qua huyện Mèo Vạc, du khách sẽ vượt đèo Mã Pì Lèng huyền thoại trên cung đường Hạnh Phúc. Mã Pì Lèng được mệnh danh là “Đệ nhất đèo” ở Việt Nam. Đèo có chiều dài 7km, độ dốc lớn, quanh co khúc khuỷu. Khu vực này là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ngày 16/11/2009, danh thắng Mã Pì Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia.
Ðồng Văn có điểm cực Bắc của Việt Nam tại Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn, bởi Lũng Cú là “nóc nhà của Việt Nam” nơi mà “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”.

Cách tuyệt vời nhất để khám phá cao nguyên đá là đi xe gắn máy hoặc tự lái ôtô riêng, loại xe 2 cầu và phù hợp với địa hình đồi núi, vì bạn có thể dừng lại bất kỳ chỗ nào dọc đường di chuyển. Nếu đi xe khách, có thể bắt ôtô khách từ bến xe thị xã, giá 70.000-80.000đ/khách, thuê xe ôm hoặc thuê xe máy (dịch vụ tự phát, chưa phát triển phục vụ du lịch) với giá khoảng 150.000 đồng/ngày để tự chạy xe vào các bản làng để khám phá cuộc sống của người miền cao.
Ðến với Ðồng Văn là dịp để thử lòng can đảm của bạn bởi đèo cao vực thẳm, nhiều khi phải đi bộ. Nhưng đổi lại, bạn được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo. Biết đâu nó sẽ làm bạn phải ngẩn ngơ khi rời chốn xa xôi này.

Các địa điểm tham quan, khám phá khi tới Đồng văn:

– Chợ và các xã Phố Cáo, Sủng Là, Sà phìn, Thài Phìn Tủng dọc đường 4C rất độc đáo và lý tưởng cho việc chụp ảnh với những ngôi nhà tường trình đất nện, bờ rào đá và những con người chân chất, đôn hậu. Chợ ở các xã này là chợ lùi, tuần này họp chợ vào thứ 5 thì tuần sau sẽ họp vào thứ 4 và giật lùi như vậy.
– Cổng trời Sà Phìn, cách Đồng Văn 15km về phía Yên Minh (đường 4C).
– Sà Phìn cách điểm cực bắc của Việt Nam – cột cờ Lũng Cú 26km.
– Làng văn hóa Lô Lô khá hoang sơ và thú vị nằm dưới chân cột cờ.
– Từ Sà Phìn đi đến cửa khẩu Phó Bảng khoảng 9km, bạn có thể ghé thăm thị trấn cổ của người Hoa trên cao nguyên đá.
– Từ cổng trời Sà Phìn nhìn xuống lòng thung lũng là di tích lịch sử nổi tiếng: nhà vua Mèo Vương Chí Sình.
– Chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng chủ nhật hằng tuần, rất đông bà con dân tộc xuống chợ, chợ vui và vô cùng náo nhiệt.
– Khu vực phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà tường trình, mái ngói nung và tường rào bằng đá, vào ngày rằm hằng tháng cũng treo đèn lồng như phố cổ Hội An.
– Leo núi Đồn Cao nằm ngay phía sau khu chợ phiên, trên đó có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn, một nơi chụp ảnh lý tưởng.
– Từ thị trấn Đồng Văn đi về phía Mèo Vạc khoảng chục kilômet đường là đèo Mã Pí Lèng nổi tiếng là “thiên hạ đệ nhất đèo” bởi vẻ đẹp ấn tượng và phiêu bồng.

Khách sạn

Đồng Văn tuy nhỏ nhưng do nhu cầu của khách du lịch hằng năm khá đều đặn nên hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở thị trấn khá tốt, tuy nhiên vào những đợt nghỉ lễ lớn, khi dân “phượt”  tập trung tới chốn địa đầu này khá đông thì việc đặt phòng quả không dễ dàng.
Chi phí phòng trung bình từ 150.000-250.000 đồng/phòng tùy loại, với trang thiết bị và đồ đạc khá tốt. Các chủ khách sạn và nhân viên đều rất nhiệt tình giúp đỡ và tư vấn du khách về thông tin du lịch và cung đường.  Khỏi lo!

Đặc sản

Ở Đồng Văn có thịt gà, thịt bò khô, thịt lợn cắp nách, rau cải mèo, măng nứa và rượu ngô là những món ăn được dân du lịch ưa thích. Ngoài ra bạn cũng có thể thứ các món ăn dân tộc ở chợ như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, thắng cố, bánh ngô.

Tổng hợp từ vinacoaltour, Báo Nhân Dân, VOV, YuMe…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *