Không kịp đợi tỏ mặt người, quyết định lên đường đã được đưa ra. Tiếng xe máy rộn lên kích thích. Tạm biệt Hà Nội chỉ lát nữa thôi lại sục sôi nhịp sống đô thị, chúng tôi vượt sông Hồng còn ngái ngủ với lãng đãng sương giăng, theo quốc lộ 3 bắt đầu hành trình tới biên giới phía bắc mà điểm đến là đất Cao Bằng.

Qua Thái Nguyên, cảnh vật dần có hương vị thô mộc của núi rừng. Trước mũi xe là đồi cọ, mây trắng và những cánh chim vút bay trên bầu trời cao rộng. Không khí sạch trong, hứng khởi khiến ai nấy dễ dàng quên đi bon chen thường nhật, quên đi cuộc sống tù túng giữa phố phường.
Vượt đèo Giàng, đèo Gió – những đồn bốt tự nhiên án ngữ cửa ngõ Cao Bằng, cả nhóm không khỏi say lòng trước vệt cong tuyệt mỹ của cung đường bám theo sườn núi, trước lau lách bên lề và phía xa thăm thẳm thung sâu. Đèo Giàng, đèo Gió quyến rũ bằng nét hoang sơ, phóng khoáng, xứng đáng là chương đầu câu chuyện dài được viết bởi miên man cảnh sắc sơn thủy hữu tình vùng non nước Cao Bằng.

Đêm thị xã, sau trận rượu lâng lâng, nhóm tiếp tục chạy lên Nà Giàng ngủ nhà anh bạn làm lính biên phòng, để sáng hôm sau, khởi đầu ngày mới bằng bát phở vịt béo ngậy tại quán ông chủ người Tày.

Từ đây, chỉ thêm khoảng 30 km tới xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, chúng tôi đã có thể thực hiện tua thú vị thăm mộ anh Kim Đồng và cội nguồn Pác Bó, nơi Bác ở suốt thời kỳ đầu khi trở về nước năm 1941.

Đường đang được mở rộng nên khắp nơi đất cát ngổn ngang, bụi tung mù trời mỗi lúc xe qua. Quay lại ngã tư Đôn Chương, rẽ trái theo đường trục 210 hướng Nặm Nhũng, Tổng Cọt để xuyên sang huyện Trà Lĩnh, cả nhóm sững người trước cung đường đẹp như mơ hiện ra bên sườn núi.

Nhưng sau khúc dạo đầu hấp dẫn, đoạn tiếp theo là sự thử thách với đá to đá nhỏ rải khắp nơi, khiến chúng tôi vất vả và…sung sướng, hoàn thành 40 km đường trong hơn 2 tiếng đồng hồ.

Trưa Trà Lĩnh, lại tái diễn cuộc rượu đón khách theo phong cách vùng cao làm một số thành viên trong đoàn mất sức chiến đấu.

Anh bạn công tác ở thị trấn xuýt xoa nếu đoàn tới từ hôm trước sẽ dẫn đi Cổng Trời. Nghe nói vào 12 giờ đêm, dân tứ xứ đến xin lộc như mắc cửi, đông đến mức chỉ “chen được một chân”…Chúng tôi cũng đành lỗi hẹn thắng cảnh hồ Thăng Hen do kế hoạch tối ngủ Trùng Khánh đã lên chắc như đinh.

Sang ngày thứ 3, nhật ký Cao Bằng mở đầu bằng chầu ảnh tại cửa khẩu Pò Peo. Không “hoành tráng” như Móng Cái (Quảng Ninh) hay Tân Thanh (Lạng Sơn), Pò Peo gây ấn tượng bằng “hệ thống” cột mốc dày đặc với 5 mốc chính, mốc phụ san sát trên đoạn đường biên ngắn, “giúp” đưa khu vực quanh cửa khẩu heo hút này vào tốp đầu những điểm phức tạp khi phân giới của tuyến Việt – Trung.

Từ Pò Peo đến bản Đầu Cầu, rẽ trái theo đường đất nhỏ chạy tắt sang trục lộ 206, chúng tôi tiếp tục bị chinh phục bởi danh thắng Ngườm Ngao, Bản Giốc… Ngườm Ngao (động Hổ) là tuyệt phẩm của nhũ đá tự nhiên nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy. Vé vào cửa 20 ngàn nhưng bạn có thể tham quan hoàn toàn “free”…trong bóng tối, vì ban quản lý sẽ không… bật đèn.

Thêm vài cây số ngược Ngườm Ngao, đoàn lên Bản Giốc – thác nước quyến rũ nhất trời Nam. Mùa này khách Việt thưa thớt. Tua phía Trung Quốc nhộn nhịp hơn với dăm bè mảng chở người chạy gần chân thác. Cách không xa, dân Tàu còn xây khu nghỉ dưỡng ngay sườn núi. Anh biên phòng Trạm kiểm soát thác Bản Giốc cho biết chỉ riêng vé vào khu nghỉ này đã là 80 tệ (khoảng 200 ngàn tiền Việt).

Xuôi sang huyện Hạ Lang, chúng tôi có thêm cung nhỏ thú vị dọc sông biên giới Quây Sơn. Từ đây, qua Bằng Ca, theo trục lộ 207 đến Quảng Uyên, hòa vào quốc lộ 3 đi Tà Lùng là con đường mơ mộng đủ sức thỏa mãn tay máy khó tính nhất…Cuối ngày, cả nhóm được phen offroad khác khi quyết định bỏ Tà Lùng, một trong những cửa khẩu đẹp nhất biên giới phía Bắc, rẽ phải tại ngã ba Nà Rài chạy hướng Đông Khê. Đoạn đường vẻn vẹn 20 km ngốn của chúng tôi hơn tiếng rưỡi đồng hồ nhưng hào phóng bù lại bằng phong cảnh hoang sơ và ánh chiều tê buốt như ở thuở hồng hoang…

Tối đó, cuộc phượt đê mê còn kéo qua Thất Khê, Na Sầm đến điểm dừng ngủ đêm là thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), để sáng ra mua sắm tại chợ cửa khẩu Tân Thanh, chụp ảnh Hữu Nghị Quan trước khi quay về Hà Nội…Gần 1.000 km, 4 ngày 3 đêm với tâm điểm kính ngắm miền Đông Cao Bằng, khi lạnh cứng trên đèo Gió, xóc bay người tại Tổng Cọt, hay lúc say sưa ngắm mây trời Bản Giốc…Tất cả, giúp chúng tôi trải nghiệm, khám phá, để thấy thêm yêu những cung đường trên dải đất hình chữ S tươi đẹp này.

Theo Tin247

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *