Để có món xôi gấc đỏ đều, dẻo thơm và bóng hạt xôi là điều mà chị em đang tìm hiểu để mẻ xôi gấc của mình được hoàn hảo nhất. Vaobepcungban.org sẽ chia sẻ cách nấu xôi gấc đỏ, dẻo và bóng thật đẹp theo đúng công thức xôi gấc truyền thống nhé:
Xem thêm: Cách làm xôi cốm dừa
Nguyên liệu như sau:
– Gạo nếp: 2kg;
– Gấc chín tươi: 1 trái lớn, bạn nên lựa trái chín đỏ, vỏ mềm, gai nở hết cho ngon nhé;
– Dừa xiêm loại vừa, không nên lựa loại quá già hay quá non nhé: 1 trái;
– Xửng hấp xôi;
– Gia vị: Muối, đường, dầu ăn, rượu trắng; Sơ chế nguyên liệu
– Gạo nếp: Vo gạo nếp thật sạch, rồi cho vào một cái chậu nhôm, tiếp tục cho nước ngập mặt gạo ngâm từ 5-6 tiếng, bạn có thể ngâm qua đêm tới. Sau đó, đem xả lại sạch với nước lạnh, để ráo.
– Gấc: Đem bổ làm 2, lấy hột gấc có thịt đỏ để riêng ra, phần cùi vàng nạo để riêng.
Dùng tay bóp cho tan cùi gấc. Sau đó, cho phần gấc thịt đỏ vào chung, bóp tan thịt đỏ gấc cho đều. Lọc lấy hạt gấc để riêng. Trộn phần thịt gấc với 3 thìa rượu trắng, 1/2 thìa muối ướp khoảng trong thời gian 5-6 tiếng như ngâm gạo nếp.
– Dừa xiêm: Bổ quả dừa lấy nước để riêng, phần cùi dừa chia làm 2:
* 1 phần dừa: Nạo thành từng sợi dài để ăn kèm với xôi;
* 1 phần dừa thì bạn cho vào máy xay nhuyễn, trộn với nước dừa tươi, cho lên bếp đun sôi khoảng 20 phút, lọc lấy 100ml nước cốt dừa, trộn nước cốt dừa với 3 thìa dầu ăn.
Cách nấu xôi gấc truyền thống thật ngon, lên màu đẹp:
– Đầu tiên các bạn trộn thịt gấc + gạo nếp + ½ muỗng canh muối + hành băm nhuyễn cho thật đều
– Cho hỗn hợp xôi và thịt gấc ở trên vào xửng, đặt lên bếp hấp khoảng 30 phút, mở nắp xửng ngửa lên, lau khô hết nước đọng trên nắp. Dùng đũa sới xôi lên cho xôi được xốp.
– Rưới nửa phần hỗn hợp nước cốt dừa + dầu ăn lên xôi, đậy nắp xửng lại hấp thêm khoảng 30 phút nữa;
– Sau đó, tiếp tục rưới hỗn hợp nước cốt dừa + dầu ăn lên xôi, xới đều;
– Hấp xửng cho đến khi thấy xôi mềm, dẻo, dậy mùi thơm là được. Các bạn cũng cần lưu ý, trong quá trình hấp xôi gấc, thỉnh thoảng bạn phải mở nắp xửng và lau nước đọng trên đó để xôi đảm bảo độ khô vừa, thơm ngon nhé;
– Trường hợp nếu xôi quá khô, bạn có thể rưới thêm một chút nước cốt dừa và dầu ăn rồi hấp thêm 10-15 phút nữa là được.
– Khi xôi gấc đã chín mềm, dẻo, dậy mùi thơm, bạn nhấc xửng ra khỏi bếp:
+ Nếu ăn xôi kèm với các món mặn như chả giò, chả lụa, thịt rim,… thì đơm xôi ra đĩa và thưởng thức.
+ Nếu ăn xôi gấc ngọt, đợi đến khi xôi đã nguội bớt, bạn cho thêm một ít đường sao cho vừa ăn và xới tơi đều, nếu bạn cho đường vào lúc xôi đang nóng thì xôi sẽ bị nhão nát ngay đấy. Đối với các món xôi gấc có vị ngọt, các bạn nên ăn kèm với muối đậu hoặc muối vừng và dừa nạo nhé.
Thành phẩm yêu cầu với Xôi gấc truyền thống:
– Món xôi gấc chín có mùi thơm hấp dẫn, khô vừa, không bị nhão.
– Hạt xôi gấc không bị nở bung, và được dẻo ngon.
– Gấc được trộn đều với xôi cho màu sắc hấp dẫn, không bị lẫn cùi gấc.
Xôi gấc màu đỏ là món ăn biểu trưng cho sự may mắn, chính vì vậy với cách làm xôi gấc dẻo, ngon hấp dẫn rất đơn giản trên đây là bạn đã có thể làm cho mâm cơm cúng, đãi khách nhân dịp ngày lễ Tết, giỗ chạp hay trong đám cưới.
Chúc các bạn thành công với món xôi gấc truyền thống nhé!