Từ Lộ Vòng Cung qua sông Cần Thơ, ở chỗ bến phà Rạch Sung, thuộc huyện Phong Điền, du khách sẽ đến xã Nhơn Nghĩa. Từ đây có đường tẽ về rạch Mương Khai, nơi có Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu, là một di chỉ, thắng cảnh đẹp.
Xuyên qua những vườn dâu, sầu riêng, măng cụt xum xuê, trĩu quả dọc theo những con rạch nhỏ, dài, bàng bạc nước phù sa, qua nhiều cây cầu gỗ, xi măng thô sơ, trên con đường vắng vẻ còn nét hoang sơ, bạn sẽ đến một khu vườn rộng rãi, thoáng mát có rất nhiều cây cảnh, cây ăn quả và những ao, chuôm với rất nhiều bông sen, bông súng, bèo dại cùng tràm, bạch đàn, cát đằng, đan xen trong một tổng thể hài hòa với những ngôi nhà thủy tạ, nghỉ mát có kiến trúc nhẹ, đẹp mắt.
Di chỉ Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu được phát hiện cách đây vài mươi năm do sự tình cờ. Khi đào mương, lên liếp trồng cây, mò cua, bắt cá… trong những lung, bàu, mương rạch tự nhiên, con người đã nhặt được một số mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá, mảnh vàng thuộc niên đại văn hóa Óc Eo.
Vào những năm 1990, Viện Khảo cổ trung ương đã có cử đoàn khảo sát đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền để tiến hành thăm dò, khai quật nhằm tìm hiểu thêm về nền văn minh cổ của cư dân Phù Nam từng tồn tại cách đây trên dưới 1.500 năm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Qua những kết quả của khảo cổ học và những tư liệu, thư tịch cổ, người ta đã đủ cơ sở khẳng định rằng, trước người Chân Lạp (Khmer) đã từng có một sắc dân với nền văn minh, văn hóa Hindu gốc Nam Á xuất hiện, sinh sống, định cư, và mất đi trên bản đồ lưu vực sông Mekong một thời gian khá lâu.
Lung Cột Cầu – Bưng Đá Nổi theo lời kể lại của dân gian, xưa kia là một vùng đầm lầy hoang dại. Người ta đã gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 2, 3 m dưới lớp phù sa thực vật. Người ta cũng phát hiện nhiều tảng đá xanh, hình khối chữ nhật đã được gia công, “nổi” lên trong cái ao của khu di tích hiện nay. Cùng với những di vật bằng gốm, đồng, vàng, cùng với những xương thú lớn đã hóa thạch, hiện có rất nhiều hiện vật được trưng bày tại Nhà bảo tàng Cần Thơ.
Những chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành một cộng đồng khá phồn thịnh. Nhưng, nguyên nhân nào mà nền văn minh Óc Eo rực rỡ, có một địa bàn rất rộng khắp Đông và Tây Nam bộ bị suy tàn, mất dấu vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Có khá nhiều giả thuyết đặt ra nhưng chưa thuyết phục! Tất cả vẫn còn là những bí ẩn thú vị!
Nhà văn nổi tiếng, nhà “Nam bộ học” Sơn Nam từng có cảm hứng đối với vùng đất trẻ ĐBSCL khi ông viết cuốn tiểu thuyết Vạch một chân trời vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Trong đó, tác giả có nghi vấn và đặt giả thuyết về một vương quốc hùng mạnh có nguồn gốc Nam Á đã bị một cơn đại hồng thủy nhận chìm dưới lớp phù sa, và trên đó là những cánh rừng bạt ngàn của Nam bộ thời khẩn hoang, có thể có những kho tàng khổng lồ, bí ẩn còn nằm trong lòng đất !(?).
Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu hiện nay là một điểm tham quan du lịch văn hóa và sinh thái. Vào các dịp lễ hội lớn nơi đây thường tổ chức các loại hình sinh hoạt nghệ thuật khá hoành tráng. Do cảnh quan thơ mộng, trữ tình, nơi đây thường có các đoàn nghệ thuật đến quay phim, dựng cảnh.
Khu du lịch này hiện nay chỉ đến được bằng đường xe hai bánh. Đã có dự án sắp tới cho ôtô vào được. Trong tương lai, đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và yêu mến văn hóa, lịch sử.
Ở giữa không gian còn hoang sơ của Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu, ta sẽ thấy tâm hồn mình lắng lại trong sắc nắng vàng tươi của buổi sớm bình minh nơi thôn dã. Và khi hoàng hôn xuống, bạn sẽ nghe khúc hòa âm của những nhạc sĩ đồng quê, ấy là những chú ếch, nhái, ễnh ương, vạc sành và những côn trùng khác. Khúc nhạc ấy rất lạ lùng và thú vị. Khi trỗi lên đồng điệu, khi thì như khúc solo dạo đầu, khi hòa vào nhau ồn ào, ầm ĩ… và cũng có khi êm đềm như một bài hát trữ tình du dương.
NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ báo Hậu Giang, Áo Trắng và nhiều nguồn ảnh khác.