Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, giáp ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới.
Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Bún được làm ra từ gạo, kết hợp với tôm đất đánh bắt từ dưới đầm lên, đơn giản như một cộng với một bằng hai, vậy mà ai đã từng ăn một tô bún tôm Châu Trúc thì cứ mãi da diết về cái khẩu vị mộc mạc, nồng nàn.
Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún.
Tôm đất được đánh bắt từ dưới đầm. Ở Châu Trúc, nhà nào cũng có từ vài chục đến vài trăm chiếc giẹp (đan bằng tre, trông giống như chiếc lờ) để bắt tôm. Mồi nhử tôm được làm bằng bột cám mịn rang đến độ thơm lừng, trộn với xương bò đốt cháy, nặn thành từng viên rồi bỏ vào trong giẹp. Chạng vạng tối, người ta đi thả giẹp, tờ mờ sáng thu giẹp về. Một trăm giẹp một đêm bắt cũng được cỡ chừng vài ba kg tôm. Tôm dùng làm bún phải là những con tôm còn sống, nhảy tanh tách.
Người ta rửa sạch tôm, cho vào cối đá giã nhuyễn cùng với vài củ hành tươi. Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều (chính cái thao tác này mà người ta thường gọi bún tôm là bún quậy), sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu.
Bưng tô bún tôm bốc khói nghi ngút, người ăn tùy theo khẩu vị có thể cho thêm chút muối ớt, hoặc chút nước mắm nhỉ để tô bún trở nên mặn mà. Cái ngon của bún tôm là vị ngọt lành, tươi mát của tôm đồng, là vị mặn mà của bún gạo, vị cay của tiêu, ớt, vị nồng của củ hành, vị ngậy, bùi mà không ngấy của nước bún.
Bún tôm là món ăn đặc trưng của làng quê Châu Trúc. Người Châu Trúc khai sinh ra nó và mang đi làm quà sáng khắp nơi. Ban đầu chỉ những xã cánh bắc huyện Phù Mỹ như Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Châu mới có bán bún tôm. Về sau bún tôm được phát triển ra các xã cánh nam của huyện Phù Mỹ. Một số người vẫn nhầm tưởng Bình Dương là “cái nôi” của bún tôm. Thực ra không phải vậy, thị trấn Bình Dương chỉ là nơi để người Châu Trúc “trình làng” món ăn độc đáo của mình.
Trên quốc lộ 1A từ thị trấn Phù Mỹ ra đến Tam Tượng (xã Mỹ Châu) là “địa phận” của bún tôm. Những quán bún tôm liêu xiêu, bày một hai bộ bàn vuông, ghế dài đơn giản nhưng lúc nào cũng đông khách. Ở đây, bún tôm được xem là món quà sáng bình dân nhất. Trẻ con ăn tô bún tôm giá năm trăm đồng. Người lớn ăn tô bún giá một ngàn đồng là có thể no bụng.
Bún tôm, món quà sáng giản dị, bình dân nhưng được nhiều người ưa chuộng. Ai đi xa về cũng ráng “để dành bụng” ăn vài tô bún tôm cho… đã thèm. Khách phương xa tới, lần đầu tiên ăn tô bún tôm thấy ngồ ngộ nhưng ăn rồi thì lại thấy “ghiền hồi nào không biết”. Ông bạn tôi là nhà báo, rong ruổi trong Nam ngoài Bắc, một lần ghé thăm quê bạn, được ăn tô bún tôm, vậy mà cứ nhắc mãi. Gặp nhau qua điện thoại lại hay hỏi thăm: “Quê mi chừ người ta còn bán bún “quậy” nữa không?”. Còn chớ! Đầm Châu Trúc còn nước mênh mang, còn con tôm đồng rong ruổi; đồng ruộng vẫn còn cây lúa lên xanh, đơm bông, trĩu hạt, Châu Trúc vẫn mãi còn món bún tôm để người đi cứ khắc khoải nhớ về…
NISAVA TRAVEL! – Theo Amthuc.net, internet