Có lẽ món bún tương đối phổ biến trong đời sống ẩm thực của người dân.
Không những vậy, tùy mỗi vùng miền mà món bún được nâng tầm lên thành một nét văn hóa ẩm thực, như là món ăn đặc trưng như ở Hà Nội với món bún chả cá, bún ốc; Huế với món bún bò, bún riêu cua; Quy Nhơn, Nha Trang có món bún sứa;… thì đến đất Nam bộ thực khách sẽ không thể bỏ qua món bún bì dân dã.
Ở vùng đất Nam bộ, món bún bì được bán tương đối phổ biến vào buổi sáng như một món điểm tâm gọn nhẹ, và không chỉ ăn sáng, người ta còn làm để ăn trưa, ăn chiều như một món chính.
Để có được một tô bún bì ngon cũng đòi hỏi sự kỳ công trong việc chế biến, đặc biệt là món bì. Thịt để làm bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và tùy theo cách làm của từng người mà xắt sợi thật nhuyễn. Vo sạch gạo để ráo, cho vào chảo rang vàng, lấy ra để nguội xay nhuyễn làm thính. Cả da heo và thịt ram xắt sợi sẽ hòa quyện vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi dầu vàng, trộn chung cho bì được thơm.
Tiếp theo là khâu chuẩn bị nước mắm, bởi món bún ngon hay không là phụ thuộc vào sự khéo léo của người pha chế. Nước mắm, pha sao không quá nhạt mà cũng không quá mặn, chanh vắt lấy nước, lọc bỏ hột, cho đường hòa chung, tỏi ớt bằm nhuyễn để khi ăn vị chua ngọt có vị đằm đằm, cay the the nơi đầu lưỡi.
Để có một tô bún ngon, trước tiên cho vào tô một nhúm giá sống, gắp một gắp bún, rải đều bì lên, cho thêm một ít rau thơm xắt nhuyễn, dưa leo bằm, và tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ, rải lên đó ít đậu phụng rang nhưng với người sành ăn họ hay chan cho tô bún nổi nước thì mới thấy đậm đà. Ăn hết tô bún thì húp luôn nước mắm để tận hưởng hết hương vị ngọt ngào thơm tho của món bún bì.
Món bún bì ăn tương đối giống món bún mắm thịt heo ở miền Trung, nhưng cái ngon của tô bún này không chỉ nằm ở cách chế biến nước mắm, mà ở chỗ cái vị thơm thơm, giòn giòn của miếng ram bì khiến người ăn nhớ mãi.
NISAVA TRAVEL! – Theo THY HOÀNG (Hậu Giang Online), internet