Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, giáp với Campuchia ở phía bắc và tây bắc, Tỉnh Bình Phước còn có địa giới tỉnh liền kề với Đăk Nông ở phía đông bắc, giáp Đồng Nai và Lâm Đồng ở phía đông.
Phía nam có Tây Ninh và Bình Dương. Bình Phước trước đây cùng Bình Dương thuộc địa phận tỉnh Sông Bé. Bình Phước có diện tích: 6.874,62 km2 với khoảng 874.961 người (01/04/2009) gồm 03 Thị xã và 07 huyện, 113 xã, phường và thị trấn.
Chưa phải là một tỉnh phát triển mạnh nhưng tiềm năng du lịch ở Bình Phước đã và đang ẩn chứa những nét đặc sắc, hấp dẫn riêng với nhiều điểm du lịch có sức lôi cuốn khách du lịch về tính nguyên sơ của thiên nhiên, tính chân thực của di tích … trong khi giao thông đi lại thuận tiện. Mặt khác, vị trí địa lý của Bình Phước nằm gần thành phố Hồ Chí Minh-một trung tâm du lịch lớn của cả nước- vì vậy, trong tương lai Bình Phước có khả năng phát triển du lich với tốc độ cao.
Điểm du lịch
Trảng cỏ Bù Lạch (Bù Đăng) rộng gần 500 ha được hợp thành của gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau. Trảng lớn nhất có diện tích tới 140 ha đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái độc đáo, tạo cho du khách được gần gũi hòa mình cùng thiên nhiên như cắm trại, đốt lửa trại, chơi thể thao… tìm cho mình một không gian thư giãn, nghỉ ngơi thú vị. Ở Bù Lạch hôm nay, du khách sẽ thấy một đời sống thuần khiết, gắn bó với đất trời của đồng bào dân tộc bản địa S’tiêng, Mơ Nông mà quên đi bộn bề cuộc sống lo toan hay sự gấp gáp của đời sống thời hiện đại nơi phố thị trên mỗi bước chân đi về nguồn.
Đến với trảng cỏ Bù Lạch, du khách còn được hòa mình trong tiếng reo vui của Thác Voi, cách trảng cỏ khoảng 3km. Từ độ cao 15m, thác nước đổ xuống trắng xóa, quanh co và chảy dài ra sông Đồng Nai như lời vang vọng từ ngàn xưa về một huyền thoại vẫn mãi tuôn trào lý giải cho cái tên Thác Voi vì sao lại xuất hiện. Hơn thế, công trình thủy điện nhỏ Damlo sắp mọc lên không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn tạo nên một không gian du lịch mới qua thú hưởng ngoạn khi bơi thuyền trên hồ nước trong xanh.
Được tự tay nướng thịt “heo đồng bào” (giống heo của đồng bào dân tộc Stiêng, nuôi thả rong, không chuồng trại) hay những chú cá còn quẫy đuôi trên than hồng rực lửa hoặc nữa là ủ chín các ống cơmlam được người S’tiêng nấu bằng ống lồ ô… rồi quây quần bên nhau cùng thưởng thức dưới ánh trăng lung linh giữa mênh mông rừng xanh mới thật là thú vị. Đến với Bình Phước, ngoài trảng cỏ còn có thác Đứng, thác Đặk-Mai, thác số 4, núi Bà Rá, căn cứ Tà Thiết, hồ Suối Lam… sẽ mang tới cho du khách những giờ phút hạnh phúc, thư thái. Một không gian vừa hùng vĩ lại vừa tĩnh lặng với cả núi non, sông hồ cùng với dịch vụ nghỉ dưỡng vừa phải, thuận tiện mang đậm chất Tây nguyên cho mọi sự lựa chọn của cả gia đình và cá nhân, thay đổi tùy theo ý thích. Đó là những gì mà du lịch Bình Phước đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện, tạo nên nét độc đáo để du khách có thể tận hưởng.
Núi Bà Rá cao 723m, là một địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Phước Long. Nơi đây đã xây dựng một nhà bia rất trang trọng để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong khu vực Bà Rá. Giữa một vùng đồi thấp nhô lên một ngọn núi cao, cây cối xanh tươi, rậm rạp, tạo cho núi Bà Rá một vẻ hùng vĩ.
Ðứng trên lưng chừng núi có thể nhìn thấy cả một khu vực rộng lớn, bao gồm thị trấn Thác Mơ xinh đẹp, hồ Thác Mơ trong mùa mưa rộng tới 12.000ha, cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện cùng tên. Còn phía dưới chân núi, cạnh thị trấn Thác Mơ là di tích của nhà tù Bà Rá, nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Xung quanh khu vực Bà Rá còn có nhiều điểm tham quan lý thú khác.
Về với huyện Phước Long, leo lên đồi Bằng Lăng để thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, du khách còn được hòa mình với thiên nhiên bao la núi rừng, thu vào tầm mắt thị trấn thác Mơ xinh đẹp nép mình dưới những rặng cây xanh. Và hồ thác Mơ mềm như dải lụa uốn quanh trong các khu vườn cao su, cà phê xanh mượt mà, trải dài đến vô tận… Phước Long đang được quy hoạch lên thị xã, tương lai không xa, trung tâm phục vụ du lịch vùng đông – bắc của tỉnh mới này sẽ sớm thành tâm điểm của du khách khi đến với Bình Phước.
Hướng về Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nằm trong vùng địa lý sinh vật Đông Nam bộ, đây là nơi bảo tồn động thực vật và lưu giữ nhiều loại thực vật quý hiếm đặc trưng của vùng như cẩm lai, trắc, gụ, giáng hương, da đá, cây họ dầu… và nhiều loại động vật quý như hổ, sư tử, tê giác, bò rừng, voi, các loài khỉ… Cũng là thú vui lên rừng, về Vườn quốc gia Cát Tiên vốn nổi tiếng cả nước với rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên thuộc địa phận 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai cũng là địa chỉ rất đỗi tự hào của người dân Bình Phước. Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có cảnh quan đẹp, phong phú về hệ động- thực vật, nơi nổi tiếng đa dạng về các loài chim, trong rừng có nhiều loại thú quý hiếm như: tê giác, bò rừng, bò bon ten, ngan cánh trắng, gà so cổ hung…
Còn du khách yêu thích lịch sử, muốn khám phá những trang sử hào hùng của thế hệ cha anh xưa để lại trên quê hương Bình Phước thì những địa danh như Khu căn cứ Tà Thiết, Nhà giao tế Lộc Ninh, mộ 3.000 người, bia chiến thắng chốt chặn Tàu Ô – Xóm Ruộng (Bình Long)… sẽ giúp bạn thỏa niềm ước mong.
Các điểm tiềm năng du lịch cần lưu ý:
– Hồ suối Lam: ở khu vực xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước
– Thác số 4: ở khu vực Quản Lợi,huyện Hớn Quản
– Hồ Sóc Xiêm: ở khu vực Lợi Hưng,huyện Hớn Quản
– Tràng Cỏ Bàu Lạch: ở khu vực xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng
– Khu vực Bà Rá – Thác Mơ: ở khu vực Thị xã Phước Long – Bình Phước
– Thác Dakmai: ở khu vực Thị xã Phước Long
– Thác Đứng: ở khu vực xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng
– Thác Voi: ở khu vực xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng
– Rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên: ở khu vực huyện Bù Đăng và Đồng Phú
– Đập Bà Mụ: ở khu vực huyện Đồng Phú
– Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: ở khu vực xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập
– Cầu 38: ở khu vực xã Minh Hưng và Đức Liễu, huyện Bù Đăng
NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ internet