Khu mộ cổ Đống Thếch nằm trên địa phận xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi (Hoà Bình). Từ nhiều năm nay, hàng trăm mồ đá nằm im lìm u tịch và lạnh lẽo giữa vùng rừng núi Tây Bắc ấy là một bí ẩn lớn đối với bất cứ ai từng một lần đặt chân tới.
Rừng mộ cổ chốn đất thiêng
Từ thành phố Hoà Bình, ngược lên huyện Kim Bôi, qua khu vực suối nước nóng độ dăm cây số là tới địa phận xã Vĩnh Đồng, ở đó có khu mộ cổ Đống Thếch. Năm 2000, khu mộ cổ này đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Giữa một vùng rừng núi, hàng trăm ngôi mộ với những cột đá sừng sững im lìm, cỏ mọc rêu xanh, xung quanh bạt ngàn hoa dại. Trải qua bao nhiêu “thỏ lặn ác tà”, khung cảnh hoang vu càng gợi lên nhiều suy tưởng.
Những người dân bản xứ không biết nhiều về gốc tích hay truyền thuyết rừng mộ đá này. Họ kể rằng trước đây khu vực này rất rộng, gồm hàng trăm ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá chôn xung quanh. Người ta gọi cả quần thể ấy là rừng mộ đá. Tất cả các ngôi mộ đều chôn ba khối đá cao phía đầu mộ thành một hàng, khối đá to nhất chôn ở giữa. Chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn. Những khối đá cẩm thạch được xác định là mang về từ xứ Thanh, ở vùng này không có loại đá ấy. Phiến đá to nhất có chiều rộng hơn 1m, cao khoảng 4m, có phiến nặng hàng tấn.
Khu mộ là tâm điểm mang màu sắc kỳ bí, hoang đường. Những câu chuyện truyền miệng rỉ tai nhưng có sức lan toả rất nhanh khiến cho dân bản xứ đều sợ sệt e dè, ít người dám qua lại nơi đây. Chuyện rằng có một đoàn người ngựa nghỉ đêm bên những cột đá, đến sáng hôm sau người ta chỉ còn thấy hành lý và những con ngựa nhẩn nha gặm cỏ, tuyệt nhiên không thấy một bóng người. Đến khi dân bản đánh liều vào xem thì phát hiện hành lý của đoàn người toàn là cuốc thuổng. Hoá ra bọn chúng là lũ trộm chuyên đào mồ trộm đồ cải táng.
Từ câu chuyện này, người dân thêu dệt thành nhiều chuyện khác không kém phần ly kỳ, huyền bí. Không ai biết gì về số phận những tên trộm đêm ấy, người dân vì thế ngày càng kiêng dè, sợ hãi khu đất thiêng.
Người ta cũng kể cho nhau truyền thuyết về mấy ngọn núi ở đây. Tương truyền rằng người vợ thứ ba của Vua Hùng giận chồng đã bỏ kinh đô, dắt theo hai người con lên rừng khai hoang lập bản, tạo nên vùng đất trù phú. Khi ba mẹ con mất đã hoá thành ba ngọn núi dáng rồng chầu và cùng hướng về kinh đô. Hàng năm, vào những ngày Tết, các bản Mường dắt trâu, bò lên núi, nơi có rừng mộ đá để mổ thịt cúng Vua Hùng.
Khu mộ chôn những ai?
Tương truyền khu mộ cổ này có niên đại hơn 400 năm. Hầu hết, các phiến đá được khắc chữ Hán cổ, ghi lại thân thế, công danh, gia tộc của người nằm dưới mồ, rằng đây là khu mộ của dòng họ Đinh Công, một trong những dòng họ lớn của Mường Động xưa. Dân bản xứ lưu truyền câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để chỉ những vùng Mường sầm uất giàu có khi xưa. Mường Động là một trong bốn xứ ấy.
Một bản dịch (từ những dòng chữ khắc trên đá) ghi lại công trạng của Quận công Đinh Công Kỷ, người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính, có nội dung như sau: Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần 1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa…
Theo tài liệu để lại, người có công dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, người vùng Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Sau khi có công lớn, ông đã được vua Lê, chúa Trịnh phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động – một trong những vùng biên viễn, phên dậu phía tây bảo vệ kinh thành Thăng Long. Nổi bật nhất trong dòng họ Đinh là ông Đinh Công Kỷ, một vị tướng giỏi của vua Lê Trung Hưng, được phong tước Quận công. Để con cháu đời sau không quên công đức, dòng họ này đã xây dựng nghĩa địa mộ đá rộng lớn như một khu rừng, những mong tên tuổi các vị sẽ trường tồn cùng tuế nguyệt.
Còn thấy gì dưới nấm mồ sâu
Trong khi các nhà khảo cổ còn “lừng khừng” thì những tên trộm bạo gan đã ra tay. Khu mộ cổ Đống Thếch mang giá trị văn hoá, khảo cổ lớn lao như thế nhưng trong suốt một thời gian dài đã bị bọn trộm không tiếc tay đào bới tìm cổ vật.
Năm 1974, Viện Khảo cổ đã khảo sát, nghiên cứu, khu mộ cổ hầu như vẫn còn nguyên vẹn với hơn 100 ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá có khắc chữ. Nhưng phải đến năm 1984, công việc khai quật mới được tiến hành. Lúc này, hầu hết các ngôi mộ đã bị đào bới, nhiều hiện vật bị lấy trộm, rơi vào tay các nhà sưu tầm đồ cổ, thậm chí bị tuồn ra nước ngoài.
Khi ấy, Sở VH-TT Hoà Bình phối hợp với Viện Khảo cổ, Bảo tàng lịch sử Việt Nam chỉ còn cách khai quật nốt những ngôi mộ còn sót lại. Hàng trăm hiện vật được tìm thấy, chuyển về Bảo tàng tỉnh Hoà Bình. Thật bất ngờ, ngoài bộ sưu tập cổ vật của nhiều triều đại nước Việt còn có cả những đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản thế kỷ XVII rất tinh xảo.
Lúc ấy, cả quần thể khu mộ cổ giống như một công trường, một bãi đào đá quý. Ngoài các chuyên gia khảo cổ làm việc, xung quanh còn có hàng trăm người đào bới, trong số ấy có cả những người vùng khác đến “hôi của”. Các tay buôn đồ cổ đánh hơi được vụ làm ăn lớn, đã đến chầu chực ăn dầm nằm dề ở đây hàng tháng. Nhiều cổ vật như đồ gốm, sứ, đồng… được đám con buôn ngã giá ngay tại chỗ.
Trải qua bao dâu bể, bao cuộc đào bới lục lọi tìm kiếm của đủ mọi thành phần, khu mộ cổ tan hoang. Người ta thậm chí ăn cắp cả những phiến đá khắc chữ Hán. Khu mộ bị xâm hại nghiêm trọng.
Và phải đến năm 2000, khu mộ mới được Bộ VH-TT công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia, sau đó được đầu tư một số hạng mục khôi phục, tu bổ, tôn tạo và bảo vệ. Tiếc thay đến lúc ấy, rừng đá mộ cổ Đống Thếch chỉ còn lại chưa đầy chục ngôi mộ nằm trên diện tích 2 ha, xung quanh là hoa màu của người dân tự ý canh tác.
Đã có những bí ẩn về ngôi mộ được giới khoa học làm sáng tỏ, nhưng cũng có những bí ẩn mãi mãi bị chôn vùi theo những cổ vật bị đánh cắp. Khu mộ cổ có tuổi thọ hơn 400 năm đến giờ chỉ còn chút dấu tích về một thời phồn vinh cực thịnh của người xứ Mường Động khi xưa.
Theo_DanTri