(PLO) – Ngoài Cù Lao Phố đã rất nổi tiếng, thì trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua Biên Hòa, có một cù lao nhỏ mang tên Cồn Gáo mà nhiều người còn nhớ đến. Trải qua bao cuộc biến thiên dâu bể, Cồn Gáo đã “biến” mất bởi sự tác động của thiên tai và nhân tai.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung vừa qua phản đối mạnh mẽ dự án lấn và lấp sông: “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” do Công ty cổ phần Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư vì người dân rất lo ngại cho “số phận” của Cù Lao Phố bây giờ sẽ “trôi” mất như cù lao Cồn Gáo năm xưa bởi bàn tay con người tác động xuống dòng chảy sông Đồng Nai.
Cồn Gáo gắn với ký ức tuổi thơ
Những người lớn tuổi, sống lâu năm ở Biên Hoà thường hay nhắc về địa danh “Cồn Gáo” để gợi ký ức xa xăm. Hồi xưa có một cồn nổi thiên nhiên do bãi đất bồi phù sa lâu ngày tạo nên, dân địa phương gọi là Cồn Gáo.
< Một bức chụp hiếm hoi về Cồn Gáo năm 1966 của Daniel P. Cotts.
NISAVA
Tên gọi Cồn Gáo bởi vì trên đó có nhiều cây Gáo mọc. Cây Gáo (còn được gọi là cây thiên ngân) là cây gỗ cao tới 35m, thân tròn, thẳng đứng, vỏ cây khi còn non có màu nâu tro, tròn nhẵn, khi trưởng thành có màu nâu lợt. Hiện tại, cây Gáo còn mọc nhiều ở ven sông Đồng Nai. Còn ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cũng có một xã tên xã Cây Gáo.
Vị trí Cồn Gáo được xác định nằm ở giữa khúc sông Đồng Nai đoạn trước đình Tân Lân (đường Nguyễn Văn Trị, P. Hòa Bình, Biên Hòa), cách cây cầu Hóa An hiện hữu khoảng 200m về phía hạ lưu. Trong tập hồi ký “Quê hương rừng thẳm sông dài” của “thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ có một đoạn nói tới Cồn Gáo với những trận đua ghe ngo hào hứng trên sông Đồng Nai vào những năm 1930.
< Theo trí nhớ các cụ cao tuổi, trước đình Tân Lân hiện giờ có cái doi đất tự nhiên tên Cồn Gáo.
Cũng trong bút ký “Theo dòng chảy Đồng Nai” (sắp xuất bản) của nhà văn Nguyễn Thái Hải có nhắc đến kỷ niệm hồi nhỏ khoảng những năm 1960, ông cùng bạn bè tiểu học hay “bơi” từ bên bờ sông chợ Biên Hòa qua Cồn Gáo để chơi hoặc chỉ để say sưa nghe người dân sống trên cái doi đất đó kể câu chuyện về cặp rắn thần “bí ẩn”.
NISAVA
Chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Trắc (Ba Trắc), 82 tuổi, trí nhớ còn khá minh mẫn, nhà ở xóm lò Heo cũ (bây giờ là phường Hòa Bình). Lục lội trong ký ức, ông Ba Trắc nhớ diện tích Cồn Gáo chiều dài chừng hơn 30 thước và chiều ngang khoảng non 20 thước, nằm giữa sông Đồng Nai, bên này bờ là xóm Đình Tân Lân và bên kia bờ là Lò Lu xã Hoá An (TP.Biên Hòa).
< Bờ sông ngày xưa, bây giờ được xây kè bờ kiên cố thành một công viên ven sông, nhưng ký ức về cái Cồn Gáo bị “trôi” mất luôn hiện hữu trong tâm thức người dân Biên Hòa.
Lúc bấy giờ trên cồn chỉ có duy nhất một ngôi nhà mái tôn gia đình bà Tám biệt danh bà Tám Heo (vì bà nuôi nhiều heo nái). Lúc con nước cạn con nít có thể từ bên bờ này bơi qua bên đó được. Ông Ba Trắc còn nhớ rất rõ trên Cồn Gáo có 1 cây mận rất to, sai trái nhưng ăn chua lè chua lét. Sau này, Cồn Gáo có khoảng 7 hộ dân ra cất nhà sinh sống bằng nghề chài cá trên sông, tạo thành một cái xóm chài hiu quạnh…
Tại sao Cồn Gáo bị… “trôi” mất?
Về nguyên nhân và thời gian trôi mất Cồn Gáo, đang có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Ba Trắc nhớ lại vào năm 1952, năm Biên Hòa bị trận lũ lụt lịch sử khiến người dân nay vẫn còn bị ám ảnh với cái tên “lụt năm Nhâm Thìn” thì Cồn Gáo bị ngập liên tục mấy ngày trời.
Lại thêm dòng nước lũ từ thượng nguồn hung hãn đổ về cuốn và san bằng tất cả cây cối, nhà cửa có trên Cồn Gáo. Sau cơn “đại hồng thuỷ nhấn” chìm toàn bộ đó, Cồn Gáo bắt đầu có hiện tượng xói mòn và sạc lở. Từ đó, cái cù lao nhỏ bé có dấu hiệu càng ngày bị thu hẹp nhỏ dần.
NISAVA
Bắt đầu từ thời điểm năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho khởi công xây dựng cầu Hóa An. Đây là cầu bê bông, trụ cầu gồm 1-2 hàng ống bê tông cốt thép đóng sâu xuống lòng sông Đồng Nai. Có người cho rằng do các cây trụ khổng lồ của công trình cầu Hóa An đã tạo nên một áp lực nước chảy mạnh hơn về phía Cồn Gáo gây hiện tượng sạc lở ngày càng nghiêm trọng.
Sau năm 1975, trước nhu cầu bức thiết vật liệu để xây dựng các công trình dân sinh, thì cát trên con sông Đồng Nai được chính quyền tận thu, hút rất nhiều và bừa bãi. Thậm chí có ghe cập sát bờ Cồn Gáo để cạp và hút cát. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến Cồn Gáo càng bị thu hẹp tính bằng ngày.
< Trong ngôi đình cổ Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) vẫn còn lưu giữ 1 bức tranh sơn dầu vẽ toàn cảnh Cồn Gáo.
Có ý kiến khoảng năm 1979 thì Cồn Gáo hoàn toàn “biến” mất, sau một trận mưa rất lớn. Tuy nhiên, ông Ba Trắc nhớ lại là vào tháng 12 năm 1984, vào buổi chiều khoảng hơn 16 giờ, đã xảy ra tai nạn cầu Hóa An bị gãy sập ngay đoạn giữa. Nguyên nhân của sự việc này là do đoàn xe gồm 4 chiếc xe Kamaz Ben (trọng tải xe 8 tấn/chiếc nhưng chất đầy đá mỗi xe đến 20 tấn) đi từ hướng mỏ đá Hóa An về Biên Hòa. Trước khi cầu sập có rất nhiều người đi bộ, đi xe đạp, xe gắn máy trên cầu, hầu hết là công nhân và dân lao động trên đường về sau giờ làm việc. Điều may mắn dưới sông là đang có nhiều ghe đánh cá và tàu của cảnh sát đường sông đang tập trung gần Cồn Gáo đến cứu vớt kịp thời những người rơi xuống sông, nên không có ai thiệt mạng.
< Vị trí Cồn Gáo ngày xưa được xác định nằm ở giữa khúc sông đoạn trước đình Tân Lân và cầu Hóa An. Cách cây cầu Hóa An hiện hữu khoảng 200m (đánh dấu X đỏ).
NISAVA
Ông Ba Trắc khẳng định cái Cồn Gáo bị “biến” mất hoàn toàn trên bản đồ sông Đồng Nai là có thể vào khoảng năm 1985 chứ không phải năm 1979. Ông Nguyễn Văn Niên, 55 tuổi, làm nghề chài lưới khúc sông này cung cấp cho chúng tôi thêm một thông tin: vào những ngày nước cạn thì đứng trên bờ vẫn có thể nhìn thấy mờ mờ cái nền đất còn sót lại của Cồn Gáo.
Như vậy, điạ danh Cồn Gáo trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua khu vực TP. Biên Hòa đã bị xóa sổ hoàn toàn do thiên tai và phần lớn cũng do nhân tai. Một số cụ cao niên mà chúng tôi đã gặp, khi nghe nhắc về hai chữ “Cồn Gáo”, họ rất xúc động. Nhiều cụ tự dưng rưng rưng nước mắt. Có lẽ, tất cả họ còn hoài niệm ký ức xa xưa về tuổi thơ sông nước của mình gắn liền với cái doi đất hiếm hoi giữa sông, nay đã không còn.
Theo Bùi Trường Trí, Lê Ngọc Quốc (Pháp Luật online)
NISAVA TRAVEL!
Đi tìm dấu vết cù lao Heo
< Cù lao Heo, năm 1966.
Không chỉ cồn Gáo, các cụ cao niên hiện sống bên bờ sông cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) còn nhớ như in rằng, đoạn sông gần bến phà An Hảo hiện giờ, xưa kia có một cái cù lao nhỏ khác. Đó là một cồn nhỏ đầy cát, trên cồn toàn là giống cây cỏ lát, cỏ ngọt mọc tự nhiên, người ta gọi là cù lao Heo hay cồn Cát.
NISAVA
Cụ Hai Nhất (80 tuổi), nhà ở ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa cho chúng tôi biết, trước năm 1975, khu vực này được người Mỹ xây dựng thành một cảng giao dịch hàng hóa, hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Cảng này quân đội Mỹ dùng chuyển vũ khí, bom đạn từ Tân Cảng Sài Gòn về Biên Hòa cho căn cứ không quân Biên Hòa và căn cứ Long Bình đóng gần đó.
< Cách bến phà An Hảo 300 m xưa kia có cù lao Heo, nhưng nay đã không còn dấu vết.
Bởi thế, vai trò của cù lao Heo trở nên quan trọng khi là trở thành một địa điểm tạm thời bốc dỡ và cất giữ vũ khí, đạn dược của lính Mỹ và được canh phòng nghiêm ngặt. Vì là nơi “bất khả xâm phạm” nên người dân không được tiếp cận. Sau năm 1975, người dân bơi từ bờ sông ra cù lao Heo để khai hoang đất canh tác trồng trọt còn nhặt được khá nhiều thùng đạn dược mà người Mỹ bỏ lại.
NISAVA
Dẫn chúng tôi ra bến phà An Hảo, cụ Hai Nhất đưa tay chỉ về phía dưới hạ lưu cách bến phà khoảng 300 m, nói đó là vị trí của cái cù lao Heo năm xưa. Khoảng năm 1980, vào một đêm mưa gió rất lớn, nước sông dâng cao và chảy xiết đã cuốn trôi đi cù lao Heo mà không để lại một dấu vết gì.