(DTO) – Bao thế hệ cư dân ở làng biển Tân Phụng 1 và 2, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) coi núi Cấm như một báu vật. Trải qua hàng trăm năm, khu rừng rộng hơn 160 ha xanh rì quanh năm như tấm lá chắn vững chắc án ngữ trước biển lớn bảo vệ dân làng.
Rừng còn, làng còn
Theo lời kể của các bậc cao niên ở làng chài Tân Phụng, khoảng 300 năm về trước vùng đất này hoang sơ, một bên là núi, một bên là biển. Thế nhưng, cuộc sống kinh tế khó khăn, nhiều gia đình ở các tỉnh phía Bắc ồ ạt di cư vào, chọn Tân Phụng là điểm dừng chân để lập nghiệp.
Thuở sơ khai, cuộc sống rất khắc nghiệt, nhà cửa làm tre nứa, lá dừa tạm bợ và kiếm sống qua ngày bằng nghề chài lưới gần bờ.
Ông Trần Thành Liên, Trưởng thôn Tân Phụng 1 (xã Mỹ Thọ), kể lại: “Khi tôi lớn lên nghe ông bà kể lại tổ tiên chúng tôi là người ngoài Bắc di cư vào chọn mảnh đất Tân Phụng làm nghề chài lưới. Nhưng cũng vì thiên tai ở đây quá khắc nghiệt, gió cát, bão biển kinh hoàng. Mỗi lần bão biển đi đi qua cả làng chài xơ xác, bao công sức của người dân gầy dựng cũng bị cuốn sạch. Người dân phải bỏ nhà cửa, cơm đùm cơm nắm vào núi ẩn nấp”.
Cũng theo ông Liên, trong chiến tranh, rừng núi Cấm còn là căn cứ hoạt động cách mạng của quân, dân ta. Trong cuộc chiến chống Mỹ, quân dân ta buộc phải chặt phá núi để rào làng làm công sự chống giặc. Nhờ vậy, người dân vượt qua mọi biến cố nên giờ đây người dân trong làng rất mang ơn núi rừng.
NISAVA
Sau giải phóng, tiếp nối truyền thống cách mạng, người dân ở làng chài Tân Phụng đi bộ hàng chục cây số, gánh từng cây dương về làng để trồng. Chẳng mấy chốc, khu rừng đã được hồi sinh với rừng dương xanh bạt ngàn che chở cho dân làng.
Trải qua bao khốn khó, các thế hệ ngư dân làng chài Tân Phụng tự răn dạy phải giữ, bảo vệ những ngọn núi và cánh rừng quanh làng. Đời trước răn dạy đời sau, cứ thế trở thành “Hương ước”, lời thề chung.
“Cái lớn nhất mà rừng trên núi Cấm đem lại là nó đã chắn cát bay, cản gió, bão tố cho làng, xã. Nếu dân làng ở đây không đồng thuận, lập lời thề giữ rừng thì chẳng ai có thể giữ chân nỗi lòng tham của con người. Chúng tôi tự bảo vệ mình bằng cách giáo huấn, răn dạy con cháu phải tôn trọng và giữ lấy thiên nhiên, cây cối. Vì rừng núi còn thì làng còn, rừng mất thì làng phải chịu cảnh điêu tàn”- ông Liên chia sẻ.
Lời thề giữ rừng
Núi có mũi Vi Rồng (thuộc dãy Gò Dưa) được những người trong làng gọi là núi Cấm và xem như là báu vật. Rừng núi Cấm được coi như báu vật mang lại bình yên cho cuộc sống cho cư dân làng chài nên giữ rừng là sứ mệnh được lưu truyền từ thời mới lập làng.
NISAVA
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, làng chài Tân Phụng đang có cuộc sống phồn vinh với 900 hộ dân, trên 5.000 khẩu. Hiện thôn Tân Phụng được tách ra làm 2 thôn Tân Phụng 1, Tân Phụng 2. Đến nay, mỗi thôn đều cử ra một tổ bảo vệ rừng, kết hợp với lực lượng kiểm lâm tự bảo vệ thêm những khu rừng xung quanh làng.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Ba, Chi hội trưởng Chi hội Ngư dân thôn Tân Phụng 1 về tên gọi “núi Cấm” xuất phát từ ý nghĩa là để giữ rừng. Muốn giữ được rừng thì phải cấm tất cả các hành vi xâm hại tới rừng. Bất cứ ai xâm hại tới rừng đều bị xử lý công khai. Nhẹ thì xử phạt kiểm điểm, khiển trách và bêu tên trước toàn thể cư dân. Nặng thì lập biên bản rồi mời xã, huyện và ngành chức năng vào cuộc xử lý.
“Hiện nay, thôn Tân Phụng 1 có 3 xóm, Tân Phụng 2 có 2 xóm. Bà con Tân Phụng 1 có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng nằm ở phía Tây của thôn, Tân Phụng 2 quản lý khu rừng nằm phía Đông của thôn. Hàng ngày, các xóm đều cử người tham gia tuần tra, kiểm tra rừng. Khi phát hiện có đối tượng xâm hại lập tức ngăn chặn, báo cáo với trưởng thôn để kịp thời giải quyết”- ông Ba cho biết.
NISAVA
Theo ông Ba, giữ rừng là sứ mệnh được lưu truyền từ thời mới lập làng. Rừng được coi như báu vật mang lại bình yên cho cuộc sống cho cư dân làng chài. Mùa nắng nóng, mỗi tháng bà con được thông báo đi phát tuyến để ngăn ngừa cháy rừng. Công tác giữ rừng hiện nay còn có sự giúp sức của bộ đội biên phòng, lực lượng bảo vệ rừng. Nhiều người chung sức nên người dân rất yên tâm.
Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) chia sẻ: “Tục lệ bảo vệ rừng có từ thời xa xưa, được đưa vào hương ước của làng, người trong làng ai cũng có ý thức tự giác bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt, nhờ vậy mà rừng càng thêm xanh. Bên cạnh đó, hàng năm huyện, xã đều hỗ trợ dụng cụ để người nhân dân bảo vệ rừng”.
Theo Doãn Công (Dân Trí)
NISAVA TRAVEL!