(BAVN) – Bảo tàng Đông Nam Á là bảo tàng đầu tiên về văn hóa các nước Đông Nam Á, một trong những điểm kết nối giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước trong khu vực.

< Bảo tàng Đông Nam Á mang kiến trúc đặc trưng, nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Bảo tàng Đông Nam Á trực thuộc và nằm trong khuôn viên Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.


< Bộ Dao cau của Malaysia.

Tòa nhà bảo tàng có diện tích gần 500m2, được thiết kế theo hình cánh diều thể hiện văn hóa Đông Nam Á. Đây là thành quả của sự đầu tư từ Chính phủ Việt Nam và sự hợp tác của một số chuyên gia Pháp trong khuôn khổ dự án “Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam” do Chính phủ Pháp tài trợ.

< Dao hộ thân của người dân Indonesia.

Để có một cái nhìn khái quát về văn hóa Đông Nam Á, trong 5 năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến đi nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tư liệu ở các nước trong khu vực. Với hơn 2.000 hiện vật và gần 100 băng ghi âm, ghi hình, tư liệu quan trọng tạo dựng trưng bày để khách tham quan có một cái nhìn đầy đủ về văn hóa các nước Đông Nam Á.

< Bộ giá đựng trầu của người Malaysia.

Ngoài ra, Bảo tàng được thừa hưởng nhiều bộ sưu tập quí của các nhà khoa học ở các nước hiến tặng với gần 400 hiện vật và 130 ảnh, kèm theo là hệ thống thông tin bao gồm bản đồ, các chú thích, bài viết và phim video, được bố trí trong không gian rộng gần 500m2, ở tầng 1 của tòa nhà 4 tầng.

< Âu của người Campuchia.

< Sách lá cọ của người Lào.

< Rối bóng của Indonesia.

Việc trưng bày được tổ chức theo phong cách cách hiện đại, mang tính khoa học và mỹ thuật cao thông qua 5 chủ đề chính: đồ vải, đời sống hàng ngày, đời sống xã hội, nghệ thuật biểu diễn và tôn giáo. Nhiều yếu tố văn hóa của các cư dân Đông Nam Á được thể hiện, gợi mở về một Đông Nam Á đa dạng, thống nhất trong văn hóa và lối sống.

< Bộ đồ của các thầy cúng Malaysia.

< Đầu tượng phật được làm bằng gỗ, sơn mài mạ vàng ở Myanmar.

Khách tham quan bảo tàng có thể tìm hiểu sự đa dạng của văn hóa các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn như bộ sưu tập trưng bày rối của các nước Indonesia và Myanmar có nhiều đặc điểm tương đồng với rối nước Việt Nam. Hay như các hiện vật trưng bày về đạo Phật các nước Thái Lan, Lào, Camphuchia và Việt Nam thể hiện con đường truyền giáo và ảnh hưởng của Phật giáo đến sự hình thành văn hóa các nước.

< Cuốn kinh Coran của Singapore.

< Du khách thích thú với tủ trưng bày những chiếc mũ truyền thống của các dân tộc Trung Quốc.

Bà Lê Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ cảm xúc của mình khi đi thăm bảo tàng: “Thông qua việc tham quan, tìm hiểu các hiện vật trưng bày, tôi như được đi du lịch đến các nước Đông Nam Á. Tôi đặc biệt thích thú với bộ trang phục cô dâu của nước bạn Lào vì tính độc đáo của nó”.

< Bảo tàng Đông Nam Á hiện là nơi mỗi ngày thu hút rất đông các lượt khách tới tham quan.

Bảo tàng Đông Nam Á là một minh chứng sống động cho quan điểm, tầm nhìn cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN – ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Thông Thiện – Tất Sơn (Báo Ảnh VN)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *