(DNSG) – Bánh quai vạc đã có từ khá lâu đời ở Phan Thiết, song một số nhà nghiên cứu ẩm thực cho rằng món ăn này có nguồn gốc đồng thời là biến thể của bánh bột lọc Huế, di thực theo lưu dân vào phương Nam. Bánh quai vạc được làm từ bột mì tinh.

Mùa hè đến với thành phố Phan Thiết, chiều tối du khách có thể ra bờ kè sông Cà Ty hay công viên Tháp Nước hóng mát, sau đó tìm đến các hàng quán ăn dọc bờ sông thưởng thức các món ăn dân dã địa phương như: bánh quai vạc, bánh căn, mì quảng, bánh hỏi lòng heo, gỏi cá mai… đậm đà hương vị và bản sắc ẩm thực của vùng đất cực Nam Trung bộ.

Đầu tiên, nước sôi được rót vào bột sao cho bột vừa chín tới, sau đó bột được nhồi thật dẻo và cắt nhỏ cỡ viên bi. Dùng chai thủy tinh cán mỏng các viên bột, tạo nên những miếng vỏ bọc của nhân bánh được làm bằng tôm biển tươi, thịt ba rọi, thêm nước mắm ngon, muối, tiêu, đường và đem xào chín.
NISAVA
Bánh đã nắn được cho vào nồi nước sôi đun, khi thấy lớp vỏ bột trong vắt là bánh đã chín. Vớt bánh để ráo nước, lăn sơ qua dầu ăn để bánh không dính vào nhau. Rắc hành lá xắt nhuyễn lên bánh để thêm hương vị và trông đẹp mắt, chỉ nhìn đã muốn ăn!

Bánh quai vạc ăn với nước mắm pha chua ngọt, không thể thiếu vài lát ớt xiêm cùng chén mỡ hành. Cho bánh vào chén, rắc hành phi, chan nước chấm, thêm tí chanh, khi ăn cảm nhận được đầy đủ vị ngọt, dai, béo, cay… đậm đà hấp dẫn.

Theo Mai Lý (DNSGCT)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *