Bánh bột báng là một món bánh rất thơm ngon và mát lành. Vị béo ngậy của nhân bánh hòa quyện vào vị thơm ngon của nước cốt dừa chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng với món bánh này. Tuy công đoạn làm khá cầu kỳ nhưng cũng đáng để gia đình bạn có một món ăn chơi tuyệt vời.
Nào, cùng Bắp thực hiện món bánh này nhé.

I. PHẦN NHÂN BÁNH

1. Nhân đậu xanh:
– 150 gram dừa nạo. 250 gr. đậu xanh cà vỏ.
– Nấu chín đậu như nấu cơm hoặc ngâm trong nước nóng qua 2 giờ rồi hong chín mềm bằng xửng.
– Quết nhuyễn đậu bằng chày cối hay dùng máy xay làm mịn đậu.
– Trộn với 100 gr. đường, dừa nạo, bắt lên bếp, nhỏ lửa, dáo (*) đậu cho ráo, để nguội, chia đều, nắn thành viên tròn chừng 3 phân.
2. Nhân khoai: Có thể thay đậu xanh bằng khoai môn, khoai lang, khoai tây… cắt miếng nhỏ, hấp chín, tán nhuyển, trộn đường rồi dáo lại.

* Phần nhân bánh tuỳ thích dùng dừa nạo hay không hoặc thay bằng ít nạc sầu riêng chín mềm, nhân sẽ có mùi vị khác.

BÁNH BỘT BÁNG

II. VỎ BÁNH

– 100 gram bột báng, cho vào một rây kim loại, rửa xả dưới một vòi nước cho sạch.
– Nấu sôi chừng 1 lít nước trong một nồi có dung tích khoảng 2, 5 lít, thả bột báng vào, để sôi nhỏ lửa khoảng mươi phút, tắt bếp, để bột báng ngâm trong nước nóng khoảng một giờ hay cho đến khi nở lớn và hột bột báng trở trong đều tất cả, đổ qua rây cho ráo nước, để nguội và phải làm ngay khi bột còn ướt.
– Sau khi nấu cho nở mềm, tuỳ bột báng nở ít nhiều, thí dụ được chừng 1 chén thì chuẩn bị khoảng 1, 5 chén bột năng.
– Cho bột báng ra một cái khay, để riêng ra một ít dùng để thêm vào nếu cần. Rắc bột năng từ từ vào bột năng trong khay, nhồi nhẹ tay, vừa nhồi vừa rắc bột từng ít một cho đến khi thấy có thể nắn hổn hợp thành khối dẽo dễ dàng, tuỳ chất lượng của cả hai loại bột, không nhất thiết phải dùng hết số bột năng nhưng ngược lại có thể phải thêm chút ít nếu cần. Khi nhồi nếu thấy khô quá thì thêm phần bột báng đã để riêng vào cho hổn hợp ướt trở lại.

* Ngâm nấu bột báng bằng nước thường là cách làm truyền thống của món bánh này, nếu dùng sữa tươi hoặc nước có pha hương liệu, màu… bột báng sẽ có màu và mùi theo vật liệu sử dụng. Lưu ý nhỏ lửa khi nấu sữa tươi vì sữa rất dễ sôi trào.

III. LÀM BÁNH

– Dùng một cái muỗng súp để lường bột cho đều từng phần, xoa đầu ngón tay với ít bột năng khô cho khỏi dính, múc từng muỗng bột đã trộn dẽo cho vào tay, nặn mỏng ra chừng một phân, cho một viên nhân đậu vào, nắn tròn lại cho kín. Nếu khéo tay có thể làm phần vỏ bánh cho mỏng mà không bị rách. Nắn bánh thành viên tròn chừng 5 phân là vừa. Trong khi làm nếu thấy bánh bị nhão, khó làm thì để qua vài phút cho hổn hợp bột khô bớt.
– Chuẩn bị xửng hấp nhiều nước.
– Dùng dĩa sứ hay khay kim loại, quét một lớp dầu ăn thật mỏng lên mặt khay dĩa cho khỏi dính bánh, sắp thưa bánh cách nhau chừng 4-5 phân, không xếp chồng các viên bánh lên nhau, cho bánh vào xửng, đậy nắp, hấp khoảng mươi lăm phút sau khi nước sôi, quan sát thấy bánh nở trong suốt, lớn gấp rưỡi trước khi hấp là được. Lấy bánh ra, để bánh trong khay dĩa cho nguội đến khi mặt bánh se lại mới lấy ra, bánh sẽ chắc đẹp. Bánh sau khi nguội, khô mặt có thể sắp chồng lên nhau, đậy bằng khăn mỏng thưa, không đậy kín.

IV. NƯỚC ĂN KÈM

1. Nước cốt dừa: Món bánh bột báng truyền thống chỉ dùng nước cốt dừa ăn kèm.
– Dùng một túi vải mỏng cho vào 300 gram dừa nạo với 1/4 lít nước ấm, nhồi vắt lấy nước cốt, để riêng. Cho vào lần hai chừng 3/4 lít nước vắt lấy nước dảo.
– Lấy riêng một chén nước dừa dảo, cho vào 1 muỗng súp bột năng, khuấy tan.
– Nấu sôi phần nước dảo còn lại, cho vào chừng 70 gram đường (tuỳ ý gia giảm chút ít) + ¼ muỗng cà phê muối, nấu tan, vừa châm chén nước bột vào từ từ vừa khuấy đều tay cho hổn hợp hơi sệt lại là được, châm phần nước cốt vào, để vừa chớm sôi lại là tắt bếp.
– Nước cốt dừa tuy ăn lạnh không thích hợp lắm nhưng sau khi làm phần nước cốt dừa chừng vài giờ phải bảo quản trong tủ lạnh vì nước cốt dừa rất mau chua. Có thể làm nóng lại bằng lò viba nếu cần.
– Ở khâu nấu nước cốt dừa đừng cho bột năng trực tiếp vào nước dừa dảo và nấu trên bếp, các bạn sẽ không thể nào canh cho hổn hợp có độ sệt như ý.
– Tùy thích dùng nước cốt dừa đóng lon, nấu lại và thêm đường muối tùy ý; dùng nước cốt dừa đóng lon tuy không ngon bằng nhưng sẽ lâu bị chua hơn dùng dừa tươi vì hàng đóng lon luôn có chất bảo quản.

2. Nước sữa hoặc nước trái cây các loại:
– Chuẩn bị 100 cc. nước lọc hoà tan với 1 muỗng súp bột năng.
– Nấu sôi nhẹ chừng 200 cc. sữa tươi tùy ý có đường hay không, vừa châm nước bột vào từ từ vừa khuấy đều tay cho đến khi có độ sệt tuỳ ý, để nguội.
– Dùng nước ép trái cây các loại, thêm đường, nấu sôi và làm sánh lại với nước bột năng.
* Có thể thay bột năng bằng bột bắp nhưng hỗn hợp sẽ đục, không trong đẹp.

V. TRÌNH BÀY MÓN ĂN

– Cho các viên bột báng ra dĩa sâu lòng, tùy ý chan ít nhiều nước cốt dừa lên. Rắc đậu phụng rang hay mè rang giả mịn nếu thích.
– Trước khi ăn hãy chan nước cốt dừa vào rồi dọn ngay, đừng chan trước nước cốt dừa vào bánh rồi để qua nhiều giờ, món ăn sẽ trở chua.
– Nếu thay nước cốt dừa bằng sữa hay nước trái cây thì có thể dùng mứt cherry, dâu… để trang trí thêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *